(QBĐT) – Phát huy vai trò nòng cốt trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng (QLBV-PTR), thời gian qua, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã chủ động tham mưu UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả các giải pháp QLBV-PTR. Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội gắn với bảo vệ môi trường, nâng cao hiệu quả, giá trị ngành lâm nghiệp, tạo thêm nhiều cơ hội việc làm và ổn định cuộc sống của người dân…
Hiện, toàn tỉnh có trên 469 nghìn ha rừng tự nhiên và hơn 121 nghìn ha rừng trồng. Thực hiện chủ trương phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững, năm 2024, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã chủ động tham mưu UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh, Sở NN-PTNT chỉ đạo, tăng cường thực hiện các biện pháp QLBV-PTR, phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR), như: Tham mưu ban hành các công điện về tăng cường các biện pháp cấp bách trong QLBV-PTR và PCCCR; ban hành nghị quyết phê duyệt về chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác và hàng trăm văn bản quản lý nhà nước, quản lý chuyên ngành lâm nghiệp và kiểm lâm. Ngoài ra, để triển khai các nhiệm vụ được giao, chi cục còn ban hành văn bản chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, hướng dẫn đơn vị chủ rừng, hạt kiểm lâm tham mưu UBND cấp huyện ban hành nhiều văn bản chỉ đạo công tác QLBVR, PCCCR, sử dụng phát triển rừng trên địa bàn và phối hợp kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện theo đúng quy định…
|
Năm 2024, Chi cục Kiểm lâm tỉnh tăng cường phối hợp với các cơ quan truyền thông chú trọng tuyên truyền các nội dung về công tác QLBV-PTR, PCCCR theo phương châm “Toàn dân tham gia bảo vệ và phát triển rừng”. Cụ thể, chi cục đã phối hợp xây dựng, đăng tải các phóng sự chuyên đề, bản tin về công tác QLBV-PTR, PCCCR; phối hợp với Báo Quảng Bình đăng tải tin, bài, ảnh về công tác QLBV-PTR, PCCCR, chính sách chi trả nguồn giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung bộ… Ngoài ra, chi cục còn phối hợp với Quỹ bảo vệ và phát triển rừng, Ban Quản lý Dự án VFBC, các hạt kiểm lâm tổ chức tuyên truyền, tập huấn về công tác QLBV-PTR, PCCCR tại địa bàn cơ sở, với trên 650 người tham gia; tổ chức 11 lớp tập huấn nghiệp vụ về sử dụng phần mềm QGIS trong theo dõi, giám sát diễn biến tài nguyên rừng, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, điều tra xử lý vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp, hướng dẫn các nội dung thực hiện chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững, các quy định pháp luật và chính sách lâm nghiệp mới ban hành, với trên 540 lượt người tham gia…
Năm 2024, lực lượng Kiểm lâm và các ngành chức năng đã lập biên bản và xử lý 131 vụ vi phạm hành chính, giảm 47% so với cùng kỳ năm 2023. Trong năm, tổng diện tích trồng rừng toàn tỉnh đạt 11.405/9.000ha, vượt 27% kế hoạch; đã thực hiện khai thác với diện tích 11.270ha rừng, sản lượng 810.946m3, vượt 62% kế hoạch năm. Hiện nay, toàn tỉnh có thêm 21.937ha rừng của Ban Quản lý Khu Dự trữ thiên nhiên Động Châu-khe Nước Trong được phê duyệt phương án quản lý rừng bền vững, nâng tổng diện tích rừng được phê duyệt phương án quản lý rừng bền vững toàn tỉnh lên 147.448ha. |
Ông Lê Trung Hiền, Trưởng phòng Quản lý bảo vệ rừng và bảo tồn thiên nhiên, Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết, nhằm đa dạng hóa các giải pháp QLBV-PTR bền vững, công tác QLBVR, PCCCR, bảo tồn đa dạng sinh học đã được lực lượng Kiểm lâm tỉnh quan tâm triển khai thực hiện với nhiều giải pháp có hiệu quả, như: Đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ viễn thám trong công tác giám sát diễn biến tài nguyên rừng, phát hiện sớm các vụ phá rừng, cháy rừng, khai thác rừng trái pháp luật để có biện pháp ngăn, xử lý kịp thời, hiệu quả; sử dụng phần mềm FRMS 4.0 để cập nhật diễn biến rừng theo các nguyên nhân như thay đổi hiện trạng rừng, ranh giới chủ quản lý, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và các loại diễn biến khác.
Thực hiện phương châm “bảo vệ rừng tại gốc”, chi cục thường xuyên chỉ đạo các đơn vị trực thuộc chủ động nắm tình hình rừng, giám sát, kiểm tra chủ rừng, phát hiện và ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực lâm nghiệp; tham mưu các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch, phương án thành lập đoàn liên ngành, tổ chức kiểm tra rừng, truy quét tại các khu rừng trọng điểm còn giàu tài nguyên, khu vực biên giới; duy trì lực lượng các chốt chặn tại các trạm, chốt kiểm tra liên ngành ở một số khu vực xung yếu để ngăn chặn các hành vi xâm hại rừng…
Nhờ đa dạng hóa các giải pháp QLBV-PTR bền vững, hiệu quả, hiện nay, Quảng Bình tiếp tục là địa phương xếp thứ 2 toàn quốc về độ che phủ rừng. Năm 2024, tổng diện tích khoán bảo vệ rừng và hỗ trợ bảo vệ rừng là 363.102ha. Trong năm, toàn tỉnh tổ chức 320 cuộc kiểm tra; tháo gỡ, tiêu hủy và xử lý 5.883 chim mồi giả, 4.700m lưới, 42.870 que nhạ, 98 lùm, lán ẩn nấp, 9 máy phát tín hiệu, 76 bẫy kẹp sắt và thả về môi trường 127 chim mồi sống. Hiện, trên địa bàn tỉnh có 169 cơ sở gây nuôi các loài động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm, động vật hoang dã thuộc Phụ lục Cites và động vật rừng thông thường. Việc quản lý gây nuôi động vật hoang dã được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Tại thời điểm này, toàn tỉnh có 38 cơ sản xuất giống lâm nghiệp; số lượng cây giống sản xuất đạt 35 triệu cây, cơ bản bảo đảm cho kế hoạch trồng rừng trên địa bàn tỉnh, tỷ lệ giống được kiểm soát đưa vào trồng rừng đạt 80%.
Văn Minh
Nguồn: https://www.baoquangbinh.vn/kinh-te/202501/da-dang-hoa-cac-giai-phap-quan-ly-bao-ve-va-phat-trien-rung-2223885/