(QBĐT) – Những năm qua, từ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), nhiều hội viên Hội Nông dân (ND) trên địa bàn tỉnh có thêm điều kiện để tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống, góp phần tích cực trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững.
Hỗ trợ ND phát triển kinh tế, giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Hội ND tỉnh chú trọng trong suốt thời gian qua; trong đó, có nhiệm vụ nhận ủy thác từ nguồn vốn tín dụng ưu đãi của NHCSXH. Nhờ vậy, nhiều hội viên nông dân trong tỉnh đã mạnh dạn đầu tư thực hiện các mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao, góp phần nâng cao thu nhập.
Đến thăm mô hình trồng cây ăn quả, cây chưng Tết của anh Nguyễn Tri Thức, xã Lý Trạch (Bố Trạch) chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng bởi sự phát triển kinh tế của gia đình anh. Vốn là kỹ sư nông nghiệp, từng có công việc nhà nước ổn định nhưng anh đã “rẽ ngang”, về quê để làm giàu từ mô hình cây ăn quả. Ban đầu, anh trồng dưa hấu, các loại rau màu nhưng đầu ra không ổn định nên anh quyết định chuyển sang trồng ổi. Đến năm 2022, nhận thấy đất đai, thổ nhưỡng ở xã Lý Trạch thuận lợi cho việc trồng đào chưng Tết, anh đã mạnh dạn vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn vay giải quyết việc làm của NHCSXH để mở rộng sản xuất.
Anh Thức cho biết: Nhờ được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi nên tôi mới thực hiện được mô hình trồng đào như mong muốn. Hiện gia đình trồng được 700 gốc đào, năm nay là năm thứ 2 gia đình tôi thu hoạch cây để bán trong dịp Tết, số ít còn lại tôi để khách du lịch đến du xuân, chụp ảnh. Mặc dù chưa hạch toán được lời lãi nhưng bước đầu mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao. Năm 2024 này, tôi dự kiến mở rộng thêm 6 sào nên mong muốn được tiếp cận thêm nguồn vốn vay ưu đãi để mở rộng sản xuất.
|
Theo Chủ tịch Hội ND xã Lý Trạch Lê Đình San, Hội ND xã có 1.125 hội viên. Xác định nhận ủy thác là một trong những nhiệm vụ quan trọng cần tập trung thực hiện, trong những năm qua, hội luôn bám sát các văn bản chỉ đạo của cấp trên, phối hợp với Phòng Giao dịch (PGD) NHCSXH huyện, để thực hiện tốt nhiệm vụ ủy thác vốn, đến nay, tổng dư nợ của địa phương là gần 11 tỷ đồng.
Ông Đoàn Thanh Định, xã Đồng Hóa (Tuyên Hóa) chăn nuôi heo từ nhiều năm nay nhưng quy mô nhỏ, đàn lợn chỉ dao động từ 10-20 con/lứa. Năm 2021, nhờ 50 triệu đồng vốn vay sản xuất, kinh doanh của PGD NHCSXH huyện, ông đã mạnh dạn đầu tư chuồng trại, mở rộng sản xuất. Hiện gia trại của ông có 30 con lợn nái, 100 con lợn thịt, cùng với việc bán thức ăn chăn nuôi, mỗi năm gia đình ông thu về gần 200 triệu đồng, sau khi trừ chi phí.
Để nguồn vốn tín dụng ưu đãi của NHCSXH phát huy được hiệu quả, thời gian qua, các cấp Hội ND trên địa bàn tỉnh đã tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp, thực hiện tốt các nội dung ủy thác, làm cầu nối chuyển tải nguồn vốn tín dụng chính sách đến các hội viên. Hội cùng các tổ tiết kiệm và vay vốn (TK-VV) thực hiện nghiêm túc, minh bạch công tác bình xét cho vay, bảo đảm vốn vay đến đúng đối tượng, đúng mục đích; trong đó đặc biệt quan tâm đến hội viên ND nghèo, cận nghèo vay vốn để phát triển kinh tế.
Chủ tịch Hội ND tỉnh Trần Tiến Sỹ cho biết: Hoạt động ủy thác cho vay giữa hội với NHCSXH-Chi nhánh Quảng Bình đã giúp cho những hội viên nghèo, đối tượng CSXH có cơ hội thay đổi cuộc sống. Hiện nay, các chương trình cho vay chủ yếu là cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn, nước sạch và vệ sinh môi trường, giải quyết việc làm, nhà ở xã hội, vay trồng rừng… Những gói vay này là điểm tựa để ND phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống vì mục tiêu giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội.
Toàn tỉnh hiện có 146/150 Hội ND cơ sở thực hiện nhận ủy thác với NHCSXH. Tổng dư nợ các chương trình ủy thác đạt hơn 1.922 tỷ đồng (tăng 17,93% so với năm 2022), số hộ còn dư nợ là 31.753 hộ, tỷ lệ nợ quá hạn 0,06%. Số dư tiền gửi tiết kiệm 79.187 triệu đồng với 30.455 hộ tham gia.
|
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực hiện nay, chương trình ủy thác cho vay vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế, như: Nguồn vốn còn ít so với nhu cầu vay vốn sản xuất, kinh doanh; mức cho vay chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường thấp so với giá cả vật tư, nguyên liệu, nhân công; việc thu hồi nợ tồn đọng còn gặp nhiều khó khăn do một số hộ chuyển khỏi địa bàn, hiện không có thông tin liên lạc…
Thời gian tới, Hội ND tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và Chính phủ về tín dụng CSXH; nâng cao chất lượng tín dụng, thực hiện tốt công tác thu hồi nợ đến hạn, giữ vững ổn định tỷ lệ nợ quá hạn hàng tháng dưới 0,09%/tổng dư nợ; tăng cường công tác giám sát bình xét cho vay bảo đảm đúng đối tượng, quy trình, nâng dần mức cho vay lên mức tối đa, tránh các tình trạng cho vay nhỏ lẻ, bình quân, đặc biệt không để xảy ra trường hợp “vay dùm, vay ké”…; phối hợp với NHCSXH thực hiện đào tạo, tập huấn cho cán bộ các cấp hội về nghiệp vụ ủy thác; các chương trình tín dụng…
T.Hoa