(QBĐT) – Nhân Ngày Dân số Việt Nam 26/12, phóng viên (P.V) Báo Quảng Bình có cuộc trao. đổi với ông Phan Nam Bình, Chi cục trưởng Chi cục Dân số tỉnh xung quanh việc triển khai thực hiện chương trình dân số trong tình hình mới (DSTTHM).
– P.V: Ông có thể chia sẻ về tình hình dân số hiện nay tại tỉnh ta và những thách thức mà công tác dân số đang phải đối mặt?
– Ông Phan Nam Bình: Công tác dân số của tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH). Nổi bật là sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, đặc biệt thông qua việc thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 21-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, tạo nên những chuyển biến tích cực và sâu rộng trong công tác DSTTHM.
Việc tuyên truyền đã mở rộng nội dung, bao quát các vấn đề quy mô, cơ cấu, phân bố và chất lượng dân số (CLDS). Tỉnh cũng xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách về công tác dân số; phát triển mạng lưới cung cấp dịch vụ dân số công lập và ngoài công lập… Đồng thời, quan tâm nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ dân số, bảo đảm nguồn lực và tăng cường hợp tác quốc tế.
Tuy nhiên, nhiều thách thức vẫn còn đáng lo ngại. Quy mô gia đình nhỏ với hai con đã trở thành chuẩn mực, nhưng tốc độ tăng dân số bình quân hàng năm có xu hướng giảm, chưa thực sự bền vững. Cụ thể, tỷ suất sinh thô có sự biến động liên tục; số trẻ sinh ra là con thứ ba trở lên vẫn ở mức cao, trên 20%; tỷ số giới tính khi sinh vẫn có dấu hiệu mất cân bằng; tỷ lệ sàng lọc trước sinh và sơ sinh (TS-SS), khám sức khỏe cho vị thành niên/thanh niên còn thấp; việc triển khai các mô hình nâng cao CLDS gặp nhiều khó khăn do nguồn kinh phí hạn hẹp…
|
– P.V: Tỉnh đã triển khai những chính sách và chương trình nào để thực hiện công tác DSTTHM? Việc chuyển từ chính sách dân số tập trung vào kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) sang phát triển dân số toàn diện được thực hiện như thế nào tại tỉnh ta, thưa ông?
– Ông Phan Nam Bình: Tỉnh đã tập trung triển khai nhiều chương trình, đề án quan trọng nhằm thực hiện công tác DSTTHM, đặc biệt là thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW của Trung ương, Nghị quyết số 137/NQ-CP của Chính phủ, cùng các kế hoạch cụ thể, như: Chương trình hành động số 18-CTr/TU của Tỉnh ủy và Kế hoạch số 604/KH-UBND của UBND tỉnh…
Các kế hoạch này bao gồm nhiều nội dung, từ điều chỉnh mức sinh, kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, nâng cao chất lượng dịch vụ KHHGĐ, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, mở rộng tầm soát TS-SS, đến việc củng cố và phát triển hệ thống thông tin dân số.
Việc chuyển từ chính sách tập trung vào KHHGĐ sang phát triển dân số toàn diện được thực hiện thông qua cụ thể hóa các mục tiêu, chỉ tiêu của Nghị quyết số 21-NQ/TW. Tỉnh đã triển khai các mô hình, chương trình thực tế tại từng địa phương để phù hợp với tình hình dân số; đồng thời ban hành các chính sách hỗ trợ, như mức chi bồi dưỡng cho cộng tác viên dân số (Nghị quyết số 25/2022/NQ-HĐND, ngày 27/5/2022 của HĐND tỉnh) và cơ chế tổ chức mạng lưới làm công tác dân số. Qua đó, tỉnh đã đưa công tác dân số từng bước vào cuộc sống, gắn với phát triển KT-XH và bảo đảm các mục tiêu phát triển bền vững trong giai đoạn từ nay đến năm 2030.
– P.V: Thưa ông, nguồn lực tài chính và nhân lực có đáp ứng được nhu cầu thực hiện các chương trình DSTTHM?
– Ông Phan Nam Bình: Trong những năm qua, tỉnh nỗ lực khắc phục khó khăn, tận dụng nguồn ngân sách Trung ương kết hợp với ngân sách địa phương để đáp ứng yêu cầu triển khai công tác dân số trên nhiều lĩnh vực, như: Quy mô, cơ cấu, phân bổ và CLDS…
Tuy nhiên, ngân sách dành cho chương trình dân số và phát triển hiện nay phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn lực địa phương. Điều này khiến các dịch vụ dân số chỉ tập trung cung ứng cho nhóm đối tượng ưu tiên, trong khi việc xã hội hóa công tác dân số, nhất là chương trình sàng lọc TS-SS còn gặp nhiều khó khăn. Các hoạt động này chủ yếu phát triển tại khu vực thành thị và đồng bằng, nơi có mức sống cao; trong khi vùng sâu, vùng xa và khu vực đông đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn nhiều hạn chế do điều kiện kinh tế khó khăn.
Về tổ chức bộ máy từ cấp tỉnh đến cơ sở đã được củng cố và sắp xếp tinh gọn. Đội ngũ cán bộ dân số được nâng cao năng lực thông qua đào tạo, tập huấn và giám sát hỗ trợ, nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của công tác DSTTHM.
|
– P.V: Mục tiêu trọng tâm trong công tác dân số của tỉnh thời gian tới là gì? Ông có thể cho biết một số giải pháp đột phá để ứng phó với các vấn đề như già hóa dân số, mất cân bằng giới tính khi sinh hay tăng cường CLDS?
– Ông Phan Nam Bình: Mục tiêu trọng tâm trong thời gian tới là giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bổ và CLDS, đồng thời đặt các vấn đề này trong mối quan hệ với phát triển KT-XH. Tỉnh hướng đến việc đạt mức sinh thay thế, đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên, phát huy lợi thế cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số, phân bố dân số hợp lý và không ngừng nâng cao CLDS.
Để đạt được mục tiêu này, chúng tôi sẽ tập trung vào việc giảm mức sinh, giảm tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên và chênh lệch mức sinh giữa nông thôn và thành thị. Đặc biệt, tăng cường sàng lọc TS-SS để phát hiện và can thiệp sớm các bệnh lý bẩm sinh; nâng tỷ lệ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân.
Tỉnh cũng đặt mục tiêu giảm tỷ lệ tảo hôn, loại bỏ hôn nhân cận huyết thống, tăng tuổi thọ bình quân và bảo đảm người cao tuổi được chăm sóc y tế, sức khỏe toàn diện. Đồng thời, 100% dân số sẽ được quản lý trong hệ thống cơ sở dữ liệu dân cư thống nhất.
Các giải pháp trọng tâm, bao gồm: Quán triệt và triển khai đồng bộ các chính sách, pháp luật về dân số; nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy và chính quyền địa phương; đổi mới phương pháp truyền thông, đa dạng hóa nội dung, hình thức phù hợp với từng nhóm đối tượng để đưa công tác dân số đi sâu vào đời sống người dân.
Chúng tôi cũng sẽ huy động hiệu quả các nguồn lực từ Nhà nước và nhân dân, tiếp tục củng cố mạng lưới dịch vụ KHHGĐ, đẩy mạnh tiếp thị xã hội các sản phẩm chăm sóc sức khỏe sinh sản, nâng cao chất lượng các dịch vụ như tầm soát bệnh lý TS-SS, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.
Ngoài ra, công tác giám sát và đánh giá sẽ được tăng cường, nhất là ở cấp cơ sở, để bảo đảm thực hiện đúng tiến độ và đạt được các mục tiêu đề ra. Việc vận động “mỗi cặp vợ chồng sinh đủ hai con” cũng sẽ là trọng tâm trong thời gian tới, góp phần duy trì quy mô dân số hợp lý và ổn định.
– P.V: Xin cảm ơn ông!
Nội Hà (thực hiện)
Nguồn: https://www.baoquangbinh.vn/suc-khoe/202412/huong-ung-ngay-dan-so-viet-nam-2612-chuyen-tu-ke-hoach-hoa-gia-dinh-sang-phat-trien-dan-so-toan-dien-2223287/