(QBĐT) – Chương trình “mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) đã từng bước khẳng định vị thế của mình, nâng cao giá trị sản phẩm địa phương và cải thiện đời sống của người dân, góp phần phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới. Nhiều sản phẩm đã dần mở rộng thị trường trong nước và từng bước tham gia xuất khẩu. Tuy nhiên để OCOP thật sự phát triển bền vững, tự tin hội nhập, thì vẫn còn nhiều chuyện phải bàn.
Bbảo đảm thực chất, hiệu quả
Đến nay, Quảng Bình có 168 sản phẩm, trong đó có 28 sản phẩm 4 sao. OCOP đã thực sự mở ra “sân chơi mới” với những tác động tích cực, cụ thể về thu nhập, việc làm và đời sống cho người dân.OCOP cũng đã trở thành thương hiệu mạnh, chiếm lĩnh được niềm tin của khách hàng. Nhiều hợp tác xã, cơ sở sản xuất đã phát triển ổn định khi sản phẩm được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP. Sản xuất từng bước được mở rộng theo hướng bền vững, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn và giúp nhiều hộ nông dân xóa đói giảm nghèo.
Bên cạnh những hiệu quả nổi bật đó, vẫn còn những sản phẩm OCOP mang tính chất “hàng mẫu”, hạn chế về số lượng nên mặc dù chất lượng đạt chuẩn nhưng chỉ đủ để cung cấp trong phạm vi hẹp. Một số sản phẩm thiếu sự đồng nhất về chất lượng, khó duy trì sự ổn định sau khi được chứng nhận đạt chuẩn.
Tình trạng nhiều cơ sở cùng đầu tư sản xuất một loại sản phẩm như nước mắm, khoai deo, bột nghệ… khiến khách hàng khó phân biệt và thị trường bị bão hòa, thậm chí xuất hiện sự cạnh tranh thiếu lành mạnh. Tinh thần hợp tác và liên kết giữa các hộ sản xuất hoặc hợp tác xã (HTX) còn yếu, dẫn đến khó khăn trong việc mở rộng quy mô sản xuất. Sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn xuất khẩu còn hạn chế, nên đến thời điểm này, Quảng Bình vẫn đang trên hành trình xây dựng sản phẩm đạt chuẩn OCOP 5 sao.
|
Để bảo đảm yêu cầu thực chất, hiệu quả của sản phẩm OCOP, những tồn tại, hạn chế nêu trên cần phải được khắc phục. Các giải pháp cần xem xét là thúc đẩy sự hợp tác và liên kết, mở rộng vùng nguyên liệu, phát triển sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của khách hàng; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, hỗ trợ các HTX và hộ sản xuất để duy trì chất lượng ổn định cho sản phẩm.
Các cơ quan chức năng cũng cần vào cuộc để quy hoạch sản phẩm OCOP bảo đảm phù hợp, bám sát điều kiện thực tế và tiềm năng của từng địa phương cũng như nhu cầu thị trường, tránh nguy cơ bão hòa và cạnh tranh thiếu lành mạnh. Bên cạnh đó, cần tăng cường đầu tư vào công nghệ chế biến, nâng cấp sản phẩm để xuất khẩu ra nước ngoài, góp phần tạo nên hình ảnh Quảng Bình trên thị trường quốc tế.
Để OCOP tự tin ra “biển lớn”
Cùng với mở rộng thị trường trong nước, nhiều sản phẩm đã tham gia xuất khẩu. Bên cạnh quy định đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và nhãn hiệu cho sản phẩm OCOP trong nước, đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở thị trường nước ngoài là việc cần làm để sản phẩm OCOP tự tin hội nhập đồng thời bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp, tránh được những rủi ro.
Dự kiến đến hết năm 2024, toàn tỉnh sẽ có 3 sản phẩm đầu tiên được nâng cấp đạt tiêu chuẩn OCOP 5 sao, mở ra hành trình mới của OCOP. HTX Sản xuất nấm sạch và kinh doanh nông nghiệp Tuấn Linh (HTX Tuấn Linh), xã Sơn Lộc (Bố Trạch) hiện có 2 sản phẩm đang được xây dựng để công nhận sản phẩm 5 sao là nước mắm chay Tuấn Linh và nấm mộc nhĩ Tuấn Linh.
Tại cuộc khảo sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh về tình hình, kết quả triển khai thực hiện chương trình OCOP, những khó khăn, bất cập của OCOP đã được đoàn khảo sát cập nhật, nắm bắt. Bên cạnh đó, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Minh Tâm đã tiếp thu các kiến nghị, đề xuất của các HTX, hộ gia đình và tổng hợp, lựa chọn những nội dung phù hợp để kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh, từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả sản phẩm OCOP. |
2 sản phẩm này cùng nhiều sản phẩm khác của HTX Tuấn Linh hiện có mặt tại những kênh bán lẻ cao cấp như Big C, Co.opmart. Anh Nguyễn Quốc Hương, Giám đốc HTX cho biết, nhiều sản phẩm của Tuấn Linh đã “vượt biên giới” ra thị trường các nước Thái Lan, Singapore, Nhật Bản, Nga… Hiện sản phẩm của Tuấn Linh chủ yếu xuất khẩu qua kênh của các hệ thống siêu thị nêu trên, hoặc qua các hội nghị xúc tiến thương mại trong khu vực. Có một kênh nữa là xuất khẩu tại chỗ cho khách hàng khi họ tham quan, trải nghiệm và mua về nước theo “đường xách tay”!
Khi được hỏi về việc đăng ký bảo hộ quyền SHTT ở thị trường nước ngoài, anh Hương cho biết, qua tham gia các hội nghị xúc tiến thương mại, tập huấn về OCOP, anh cùng nhiều chủ doanh nghiệp hiểu rằng, đăng ký bảo hộ quyền SHTT chính là bảo vệ sản phẩm, bảo vệ chính mình.
“Quá trình xây dựng sản phẩm OCOP, chúng tôi cũng đã được sự quan tâm giúp đỡ của các sở ngành liên quan, trong đó có nội dung đăng ký bảo hộ quyền SHTT trong nước. Đối với sản phẩm xuất khẩu, mỗi thị trường sẽ có những quy định riêng. Hiện tại, có thể việc đăng ký bảo hộ quyền SHTT ở thị trường nước ngoài chưa quá cấp bách, nhưng đã tham gia thị trường quốc tế thì đây nhất định là việc phải làm, do đó, chúng tôi sẽ cố gắng và mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của các sở, ngành liên quan”, anh Hương chia sẻ.
Trên thực tế, nhiều mặt hàng xuất khẩu, bao gồm các sản phẩm OCOP, do nhiều khó khăn hoặc tâm lý chủ quan, chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc đăng ký bảo hộ quyền SHTT ở thị trường nước ngoài vẫn còn bị bỏ ngỏ. Điều này đồng nghĩa với việc sản phẩm phải đối mặt với nhiều rủi ro mà câu chuyện của một số nhãn hiệu, đặc sản trong nước… thời gian qua là bài học lớn. Lựa chọn đúng thời điểm, đúng sản phẩm tiềm năng để đăng ký bảo hộ quyền SHTT nói chung, tại thị trường nước ngoài nói riêng, là việc cần làm, tránh tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng”.
Ngọc Mai
Nguồn: https://www.baoquangbinh.vn/kinh-te/202412/chuyen-cua-ocop-2222924/