(QBĐT) – Thời điểm này, bà con nông dân trên địa bàn tỉnh đang bước vào vụ thu hoạch sắn. Tuy nhiên, giá sắn năm nay giảm so với năm 2023 và tại một số địa phương sản lượng sắn giảm do bệnh khảm lá gây ra.
Bố Trạch là địa phương có diện tích trồng sắn nguyên liệu lớn nhất tỉnh với trên 4.500ha, giống sắn chủ lực là KM94. Tính đến nay, diện tích đã thu hoạch ước khoảng 1.950ha, năng suất ước đạt 194,46 tạ/ha, so với năm 2023 giảm 15,5 tạ/ha (7,41%), so với năm 2022 giảm 30,57 tạ/ha (13,61%).
Bà Nguyễn Thị Mân, xã Tây Trạch (Bố Trạch) chia sẻ, gia đình bà trồng hơn 3ha sắn/năm. Những năm trước, khi cây sắn KM94 chưa bị bệnh thì năng suất thu hoạch khá cao, mỗi năm, gia đình thu được hơn 20 triệu đồng mỗi ha. Tuy nhiên, hai năm trở lại đây, cây sắn bị bệnh khảm lá nặng, năng suất giảm mất một nửa. Nếu giá sắn cao thì còn được chứ giá sắn giảm xuống còn 2.000-2.200 đồng/kg như năm nay thì lãi không được bao nhiêu. Gia đình bà cũng đang thấp thỏm chờ giá sắn tăng lên để thu hoạch số diện tích còn lại.
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện Bố Trạch Nguyễn Cẩm Long cho biết: Diện tích sắn KM94 bị bệnh khảm lá ngay từ đầu vụ khiến năng suất giảm từ 20-30%, thậm chí có nơi năng suất giảm trên 50%. Hai vụ sắn gần đây, huyện đã đưa 2 giống sắn mới là HN1, HN5 làm mô hình khảo nghiệm trên vùng đất đồi với tổng diện tích khoảng 40ha. Qua mô hình cho thấy, các giống sắn mới này kháng được bệnh khảm lá, chống chịu hạn và cho năng suất khoảng 30 tấn/ha. Đặc biệt, dù trồng bên cạnh diện tích sắn bị khảm lá nhưng giống sắn mới này vẫn không bị lây nhiễm, chống chịu với bệnh khảm lá rất tốt.
|
Thời gian tới, huyện vẫn tiếp tục xác định giống KM94 là giống chủ lực do ưu điểm về tính chống chịu, hàm lượng tinh bột và sản lượng… Tuy nhiên, huyện đề nghị các xã, thị trấn chủ động tìm nguồn giống sạch bệnh khảm lá ở các tỉnh lân cận để cung ứng giống sắn sạch cho người dân do nguồn giống sắn trên địa bàn huyện hiện không đạt yêu cầu để lấy giống cho niên vụ tiếp theo. Huyện cũng khuyến khích các tổ chức, cá nhân đưa các giống sắn đã được xác định có khả năng kháng bệnh khảm lá (HN1, HN5) về trồng thử nghiệm diện hẹp trên địa bàn để đánh giá, xác định giống phù hợp với điều kiện sản xuất tại địa phương, làm cơ sở để thay dần các giống đang bị nhiễm bệnh khảm lá sắn trong thời gian tới.
Năm 2024, huyện Tuyên Hóa trồng được 607ha sắn. Hiện nông dân đã thu hoạch được hơn 90% diện tích, năng suất bình quân 106 tạ/ha, sản lượng ước đạt 6.434 tấn. Mặc dù năng suất có tăng 0,6% so với năm 2023 nhưng so với các địa phương khác thì Tuyên Hóa vẫn đạt thấp. Theo nhiều hộ dân trồng sắn ở Tuyên Hóa, những năm gần đây, sắn luôn được giá nên phần lớn người dân địa phương đều dành diện tích đất để trồng loại cây này. Ngoài giống sắn đỏ truyền thống để ăn củ, bà con còn trồng thêm nhiều giống sắn khác như KM94 vì đây là những giống sắn cho năng suất cao, thích nghi với mọi điều kiện thổ nhưỡng, lượng tinh bột cao nên nhiều nhà máy thu mua, bao tiêu sản phẩm cho người dân.
Ông Phạm Anh Minh, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Tuyên Hóa cho hay: Mặc dù giá sắn có giảm nhưng so với các loại cây hoa màu khác thì cây sắn dễ trồng, ít công chăm sóc và dễ tiêu thụ. Trước đây, người dân trồng sắn chỉ đơn thuần để lấy củ bán cho nhà máy, nhưng vài năm trở lại đây, một số xã trên địa bàn huyện có thêm nghề nuôi tằm ăn lá sắn, góp phần tăng thu nhập, hiệu quả trên một đơn vị diện tích.
Đối với niên vụ sắn 2025, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh khuyến cáo bà con nông dân chủ động tìm kiếm giống sắn sạch bệnh, rõ nguồn gốc, tuyệt đối không sử dụng hom sắn của cây sắn bị nhiễm bệnh khảm lá để làm giống; mạnh dạn sử dụng các giống sắn mới đã được thử nghiệm phù hợp với điều kiện sản xuất của địa phương. |
Mặc dù cây sắn đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với một số loại hoa màu khác nhưng Phòng NN-PTNT tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn tuyên truyền, hướng dẫn người dân phát triển diện tích trồng sắn theo quy hoạch, không nên chuyển đổi ồ ạt, phá các loại cây trồng khác để trồng sắn, ảnh hưởng đến đất và hệ sinh thái vì trồng sắn dễ gây xói mòn và bạc màu đất, các loại thực bì khó mọc dưới tán cây sắn.
Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hồ Khắc Minh cho biết: Năm 2024, toàn tỉnh trồng được hơn 7.317ha sắn, hiện đã thu hoạch được 3.167ha, năng suất dự ước đạt 166 tạ/ha, bằng 92% so với cùng kỳ. Thời gian qua, chi cục đã phối hợp với các đơn vị, địa phương tập trung chỉ đạo, hướng dẫn bà con nông dân chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh hại sắn. Tuy nhiên, bệnh khảm lá sắn do vi-rút gây ra, không có thuốc đặc trị nên diện tích nhiễm và mức độ gây hại cho sản xuất sắn năm nay vẫn gia tăng, làm giảm khoảng 10% năng suất.
Thời gian tới, để phòng trừ tốt bệnh khảm lá sắn, các địa phương cần khuyến khích, hỗ trợ bà con nông dân chọn nguồn giống sắn KM94 sạch bệnh để trồng cho các niên vụ sau và xác định các giống kháng bệnh phù hợp với điều kiện sinh thái tỉnh Quảng Bình để thay thế các diện tích sắn bị nhiễm bệnh, phấn đấu đến niên vụ năm 2027 cơ bản khống chế được bệnh này. Từ nay cho đến cuối năm là thời kỳ thu hoạch sắn trùng với mùa mưa của tỉnh, các địa phương cần theo dõi thường xuyên diễn biến thời tiết và đưa ra cảnh báo, khuyến cáo kịp thời cho bà con trồng sắn biết để có giải pháp và kế hoạch thu hoạch diện tích sắn còn lại hợp lý, tránh bị ngập úng khi mưa lớn gây thối củ, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cho người trồng sắn.
Thanh Hoa
Nguồn: https://www.baoquangbinh.vn/kinh-te/202410/chuan-bi-giong-san-bao-dam-cho-nien-vu-moi-2221892/