(QBĐT) – Sáng 18/9, dưới sự chủ trì của đồng chí Trần Thắng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TCCN) kiêm Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự (PTDS) tỉnh (gọi tắt là Ban Chỉ huy) và đồng chí Đoàn Ngọc Lâm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ huy PCTT-TKCN kiêm Ban Chỉ huy PTDS tỉnh, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp để rà soát công tác chuẩn bị, sẵn sàng PCTT, TKCN mùa mưa bão năm 2024. Cuộc họp được kết nối trực tuyến đến các điểm cầu cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh.
|
Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Quảng Bình, mùa mưa bão năm 2024 có khoảng 7-9 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Đông và có khoảng 5-7 cơn bão ảnh hưởng đến đất liền nước ta, ở mức xấp xỉ với trung bình nhiều năm, trong đó, khoảng 1-2 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến Quảng Bình.
Từ ngày 16/9, một vùng thấp ở phía Đông Philippines đã mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới, di chuyển theo hướng Tây, có khả năng mạnh lên thành cơn bão số 4, dự báo sẽ ảnh hưởng đến đất liền các tỉnh từ Quảng Bình đến Đà Nẵng.
|
Hiện nay, toàn tỉnh có 164 điểm sạt lở và nguy cơ sạt lở núi, khu dân cư, bờ sông, bờ biển, trong đó, 10 điểm có nguy cơ cao, đặc biệt nguy hiểm. Qua kiểm tra hiện trạng an toàn đập của 151 hồ, hiện có 35 hồ chứa hư hỏng, xuống cấp, cần nâng cấp, sửa chữa, trong đó, có 2 hồ không được phép tích nước là hồ Dạ Lam và hồ Hóc Chọ.
Các hồ chứa còn lại cơ bản bảo đảm an toàn. Hiện nay, đang triển khai thi công xây dựng, sửa chữa, nâng cấp 16 đập, hồ chứa nước. Mực nước hiện tại của các hồ chứa đạt khoảng 28% dung tích thiết kế.
|
Đối với hơn 280km đê với 220 cống và 10 cống tràn qua đê, qua kiểm tra các điểm xung yếu đã được xử lý tạm thời, không có các điểm xung yếu có tính nguy cơ cao. Có 9 công trình đê, kè đang thi công, trong đó, có 2 công trình kè biển.
Về sản xuất nông nghiệp và thủy sản, hiện, lúa hè-thu đã thu hoạch xong, còn 2.990ha diện tích nuôi trồng thủy sản đang thả nuôi và hơn 2.340 lồng, bè nuôi trên sông. Toàn tỉnh có 7.313 phương tiện tàu, thuyền với 18.979 lao động.
|
Về công tác chuẩn bị trước mùa mưa bão, theo kế hoạch, các sở ngành, địa phương, đơn vị, người dân chủ động phòng, chống thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”, sẵn sàng lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, lương thực, thực phẩm, nước uống để phòng, tránh, ứng phó các tình huống thiên tai. Riêng cấp tỉnh, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Công thương xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hóa thiết yếu phòng, chống thiên tai…
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thắng nhấn mạnh, ảnh hưởng của cơn bão số 3 vừa qua cho thấy biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, thiên tai, bão lũ ngày càng diễn biến khó lường, gây thiệt hại lớn về người và tài sản của Nhà nước, của nhân dân.
|
Vì vậy, các cấp, ngành, địa phương cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, sớm triển khai công tác chuẩn bị, ứng phó, PCTT-TKCN, quán triệt phương châm “4 tại chỗ” với mục tiêu giảm thiểu thiệt hại, bảo vệ tính mạng, ổn định đời sống cho người dân.
Đối với nhiệm vụ trước mắt là chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão số 4, ảnh hưởng đến tỉnh Quảng Bình, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thắng yêu cầu: Ban chỉ huy PCTT-TKCN kiêm Ban Chỉ huy PTDS tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương quán triệt, thực hiện nghiêm túc các công điện của Chính phủ, của UBND tỉnh về công tác PCTT.
|
Nâng cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác chỉ huy, điều hành ứng phó, PCTT, đặc biệt ở các thôn, bản vùng sâu, vùng xa. Các công việc ứng phó phải hoàn thành chậm nhất vào chiều 18/9.
Kiên quyết kêu gọi tàu thuyền, xà lan vào nơi tránh trú an toàn, hướng dẫn neo đậu, không để xảy ra thiệt hại do va đập, cháy nổ. Rà soát các khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ ống, lũ quét, chủ động sơ tán, di dời sớm người dân đến nơi an toàn…
|
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu các sở, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương chủ động triển khai phương án sơ tán người dân ở những nơi nguy hiểm đến nơi an toàn theo từng kịch bản, cấp độ thiên tai.
Thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, giảm thiệt hại đối với lồng bè nuôi trồng thủy, hải sản vùng ven biển, cửa sông. Sẵn sàng phương án bảo đảm an toàn các công trình, hệ thống đê, kè, cầu cống; chủ động bố trí lực lượng, phương tiện, vật tư tại chỗ để ứng phó khi cần thiết.
|
Tiếp tục làm tốt công tác truyền thông, kịp thời phản ánh tình hình thiên tai, mưa lũ, công tác chỉ đạo, ứng phó thiên tai, cứu hộ, cứu nạn. Đồng thời, có các phương án để chủ động khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định đời sống của người dân sau thiên tai.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng giao trách nhiệm cụ thể cho các sở, ngành, cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, UBND các huyện, thành phố, thị xã, UBND các xã, phường, thị trấn nghiêm túc thực hiện các chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh trong công tác PCTT, TKCN.
|
Anh Tuấn
Nguồn: https://www.baoquangbinh.vn/thoi-su/202409/chu-dong-phong-chong-thien-tai-va-tim-kiem-cuu-nan-theo-phuong-cham-4-tai-cho-2221050/