Các đại biểu tại Diễn đàn chụp ảnh lưu niệm. (Ảnh: Thuỳ Linh) |
Sáng 29/11, tại Quảng Ninh, Diễn đàn Tài chính Việt Nam 2024 với chủ đề “Chính sách tài chính thúc đẩy tổng cầu hỗ trợ phát triển kinh tế” đã chính thức khai mạc. Sự kiện được Bộ Tài chính tổ chức phối hợp với Liên minh châu Âu (EU), Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ), và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), diễn ra dưới hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Thứ trưởng Bộ Tài chính Bùi Văn Khắng chủ trì và phát biểu khai mạc.
Tham dự diễn đàn có ông Nghiêm Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, ông Patrick Haverman, Phó Trưởng Đại diện Thường trú UNDP tại Việt Nam, ông Gonzalo Serrano De La Rosa, Phó Trưởng Ban Hợp tác Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ngành trung ương, địa phương, các tổ chức quốc tế (IMF, UNICEF, PRI…) và khoảng 200 đại biểu là chuyên gia kinh tế – tài chính trong và ngoài nước.
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Tài chính Bùi Văn Khắng nhấn mạnh rằng, sau gần 40 năm Đổi mới, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu kinh tế đáng kể, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững. Quy mô GDP năm 2023 đạt 430 tỷ USD, tăng gấp 58 lần so với những năm đầu Đổi mới; GDP bình quân đầu người đạt 4.300 USD, đưa Việt Nam vào nhóm 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Thứ trưởng cũng nhấn mạnh về sự chuyển đổi của Việt Nam từ một nền kinh tế khép kín sang nền kinh tế mở, hội nhập sâu rộng với quốc tế. Kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2023 đạt gần 700 tỷ USD, dự kiến chạm mốc 800 tỷ USD trong năm 2024, đưa Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ 22 toàn cầu. Đặc biệt, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong 10 tháng đầu năm 2024 đạt 27,3 tỷ USD, cao hơn mức 23 tỷ USD của cả năm 2023.
“Những thành tựu này là minh chứng cho nỗ lực không ngừng của Việt Nam trong cải thiện môi trường kinh tế, mở rộng quan hệ quốc tế và chuẩn bị bước vào kỷ nguyên phát triển mới,” Thứ trưởng nhấn mạnh.
Dù đạt được nhiều kết quả tích cực, Thứ trưởng Bùi Văn Khắng cũng chỉ rõ rằng Việt Nam đang đối mặt với không ít thách thức. Bối cảnh toàn cầu biến động mạnh mẽ, đặc biệt là ảnh hưởng của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, biến đổi khí hậu, và những bất ổn thương mại, đặt ra yêu cầu đổi mới mạnh mẽ trong chính sách tài chính.
Thứ trưởng nhấn mạnh rằng đây là thời điểm Việt Nam cần tận dụng cơ hội, đón đầu xu thế để bứt phá. Chính sách tài chính không chỉ đóng vai trò hỗ trợ tổng cầu mà còn cần khơi thông nguồn lực, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển chuyển đổi xanh và chuyển đổi số.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Bùi Văn Khắng phát biểu tại Diễn đàn (Ảnh: HT) |
Diễn đàn tập trung vào hai phiên thảo luận chính. Phiên thứ nhất với chủ đề “Chính sách tài chính thúc đẩy tổng cầu” nhấn mạnh vào các giải pháp nhằm kích thích nền kinh tế trong bối cảnh dư địa chính sách tài khóa bị thu hẹp. Các giải pháp được đề xuất bao gồm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng ngân sách, áp dụng các chính sách thuế và phí hợp lý để kích thích tiêu dùng và hỗ trợ doanh nghiệp. Ngoài ra, cải cách quản lý tài chính công, tăng cường tính minh bạch trong lập và thực hiện ngân sách cũng được coi là giải pháp trọng tâm.
Phiên thứ hai với chủ đề “Chính sách tài chính tạo động lực phát triển doanh nghiệp” thảo luận về các chính sách dài hạn nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững. Các chuyên gia tập trung vào việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo và nền tảng số trong quản lý tài chính công, cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy doanh nghiệp trong các ngành kinh tế mũi nhọn như chuyển đổi xanh và chuyển đổi số.
Các tổ chức quốc tế tham dự diễn đàn đã chia sẻ những kinh nghiệm quý báu trong việc sử dụng chính sách tài chính để thúc đẩy phát triển bền vững. Đại diện UNDP Việt Nam, ông Patrick Haverman, nhấn mạnh rằng cải cách chính sách tài khóa là yếu tố quan trọng giúp tăng trưởng toàn diện, giảm nghèo và tăng cường khả năng chống chịu trước các thách thức kinh tế. Ông cam kết UNDP sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong các lĩnh vực chuyển đổi xanh, tài chính bền vững và huy động nguồn lực quốc tế để thực hiện cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Đại diện Liên minh châu Âu, ông Gonzalo Serrano De La Rosa, chia sẻ kinh nghiệm của các nước EU trong việc khôi phục kinh tế sau đại dịch COVID-19 và chiến tranh Nga – Ukraine. Ông nhấn mạnh rằng chuyển đổi xanh và chuyển đổi số đã trở thành trọng tâm để các quốc gia châu Âu vượt qua khó khăn và thúc đẩy tăng trưởng bền vững.
Đại diện GIZ Việt Nam, ông Dennis Quennet, cho biết GIZ đã có hơn 30 năm kinh nghiệm hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực quản lý tài chính công và phát triển bền vững. Ông khẳng định rằng GIZ sẽ tiếp tục đồng hành cùng Bộ Tài chính để xây dựng chính sách tài chính hiệu quả, góp phần đạt được các mục tiêu kinh tế – xã hội của Việt Nam.
Diễn đàn không chỉ là sự kiện thường niên quan trọng mà còn là nơi kết nối các nhà hoạch định chính sách, chuyên gia trong và ngoài nước để thảo luận các giải pháp đột phá trong lĩnh vực tài chính. Thành công của diễn đàn sẽ góp phần hoàn thiện hệ thống chính sách tài chính quốc gia, giải quyết các thách thức kinh tế và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững.
Với các giải pháp được đề xuất, Việt Nam không chỉ có cơ hội thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ngắn hạn mà còn định hướng phát triển toàn diện, bền vững trong dài hạn. Điều này sẽ đặt nền móng vững chắc để Việt Nam nâng tầm vị thế trên bản đồ kinh tế thế giới, đáp ứng kỳ vọng của người dân và cộng đồng quốc tế./.