(QBĐT) – Sắp đến ngày chạp mả mà ông vẫn chưa cất được khối đá trong lòng. Chạp mả là ngày trọng đại nhất của mọi dòng tộc, của nhất tề thôn xóm hai vùng Nam Bắc sông Gianh. Là ngày con cháu tề tựu đông đủ dẫu ở trong Nam ngoài Bắc, hay đã định cư nước ngoài. Ngày quan trọng hơn cả Tết, quan trọng ngang với ngày cha mẹ nằm xuống. Nên, có rất nhiều việc ông cần trao đổi với bà để cùng lo liệu cho vuông tròn.
Nhưng mà, ông đang giận bà. Cứ thấy bà hớn hở là ông tức anh ách. Đàn bà gì mà thích hát, đàn bà gì mà lúc nào cũng yêu đời. Trời có sập xuống bà vẫn tìm lý do để lạc quan. Giờ biết ông tức, bà vẫn hát, nấu ăn hát, ra chăm vườn rau cũng hát, trốn cả vào nhà tắm hát thu âm vào điện thoại rồi vừa làm việc vừa nghe lại bản ghi âm giọng hát của chính mình, không thèm đếm xỉa đến nỗi bực bội trong lòng ông là sao?
Quê ông ở dưới rặng Hoành Sơn vùng châu thổ sông Gianh, làng ông là một trong 300 ngôi làng quây quần từ cách đây ba bốn trăm năm. Tháng chạp có 30 ngày thì mỗi ngày có ít nhất 10 làng mổ heo cùng các lễ vật để thực hiện nghi thức cúng bái. Làng làng, họ họ, nhà nhà đều tu tạo, sửa sang lăng miếu, mồ mả ông bà tổ tiên.
Có làng chạp mả cho thành hoàng bổn thổ, có làng chạp mả cho các vị tổ khai canh, có làng chạp mả cho nữ nhi dựng làng từ hàng trăm năm trước. Sau ngày chạp mả làng là ngày chạp mộ họ, sau ngày chạp mộ họ lại đến chạp mộ ông bà. Nói như lời cha mẹ ông lúc sống, chạp mả là việc “trên đầu trên cổ” của mỗi nhà, mỗi tộc. Chạp mả làm không đến nơi đến chốn đừng nói gì tới việc đón Tết.
|
Thế nhưng, khác với mọi lần, bà không chủ động làm lành trước, bà phớt lờ ông, bà cứ líu lo như không có chuyện gì xảy ra khiến ông càng u uất.
Chung quy tại cái lão Huy bạn thời chiến trường với hai ông bà sau 50 năm giờ bắt được liên lạc suốt ngày í ới zalo với cả ông cả bà. Lão Huy hồi ấy mê bà, mê cô y tá tóc dài da trắng, vừa dịu dàng vừa chu đáo. Nhưng bà quyết một lòng với ông. Chuyện từ thời tuổi trẻ, giờ cả ba người sắp chẵn tám chục.
Lão Huy khoe lão về làm giảng viên đại học trong miền Nam, có hai cô con gái, vợ chồng lão đều là tiến sĩ. Bà lỡ buột mồm khen lão giỏi, thế mà ông ấm ức với bà, mở miệng ông cứ bóng gió “sao hồi ấy không lấy người ta để bây giờ làm bà tiến sĩ cho sang? Giờ làm y tá làng thua thiệt lắm hả”. Bà thấy ông vô lý, lúc đầu, như mọi bận bà vẫn dỗ dành ông, cốt để qua chuyện. Tuổi này, thở thôi đã mệt, cãi nhau chỉ tổ ốm thêm. Nhưng ông được thể làm già, suốt ngày móc máy, cạnh khóe. Bà là người thích đơn giản hóa tất cả mọi chuyện cho cuộc sống nhẹ nhàng. Nhưng lần này, rõ ràng bà bị oan, bà không đáng để ông đào xắt.
Thời lão Huy và bà còn trẻ, bà còn chưa ưng, giờ già lọm khọm ưng nỗi gì mà ghen với tuông? Bà lẩm bẩm mỗi lần ông kiếm cớ mát mẻ, rồi bà mặc kệ ông với nỗi hờn ghen vớ vẩn. Vốn dĩ chồng bà là người tốt bụng, yêu vợ chiều con. Mỗi tội ông hay làm nũng bà, bà lại cứ chiều chuộng ông, một thương binh còn mảnh đạn trong người. Có lẽ mang ra bình chọn danh hiệu người vợ chiều chồng, bà chiếm luôn giải nhất. Bà luôn nương theo cái thói làm mình làm mẩy của ông, cốt ông thấy đó là điều an ủi, vui thích.
Nhưng lần này, bà quyết không nhượng bộ. Vì nó là thể diện của bà. Lòng bà trong veo như nước, ông đừng hòng đổ oan cho bà. Cả đời bà chỉ biết mỗi mình ông, thương yêu mình ông, đến giờ vẫn vậy, ông còn muốn gì ở bà nữa chứ!
Dầu sao ông không phải trưởng tộc, nên ông chỉ cần làm theo những gì đã được bàn bạc cắt đặt. Nhưng còn việc nhà, con gái con trai trên tỉnh về thường xuyên thì không nói, còn thằng Út ở Đức cũng sẽ về, mà bà vẫn bình chân như vại. Như mọi lần có khi ông sẽ gắt um lên, kiểu như: Hát hò suốt ngày, việc cúng chạp thu xếp đến đâu rồi?, chẳng hạn. Bà sẽ thẽ thọt nọ nọ kia kia, tròn vo vo. Ông sẽ gật gật hài lòng lắm lắm. Có điều, thái độ của bà lần này khiến ông không dám ra oai thét lác nữa. Càng vậy, cục đá trong lòng ông càng nặng.
…
Để bớt bức bối, ông lững thững ra bờ sông Gianh, con sông lẫy lừng suốt dặm dài lịch sử đất nước, chiều nay vẫn xanh ngắt như màu trời, cuồn cuộn đổ ra biển lớn. Tuổi trẻ của ông đi B biền biệt, khi trở về sông vẫn thế, hiền hòa mà dữ dội, màu mỡ mà cũng lắm tai ương. Nhưng nó cũng vun đắp chở che tầng tầng lớp lớp thế hệ hai bờ trù mật, để đi đâu xa ai cũng phải đau đáu nhớ về.
Ông trở về thì con cháu đã tề tựu đông đủ, những thứ giỗ chạp trong nhà cho ngày kia bày la liệt. Ra là bà đã lẳng lặng chỉ đạo các con mua sắm chứ không đích thân soạn sửa như mọi năm nữa. Ông đưa mắt tìm bà, bà vẫn vừa nhặt rau vừa véo von hát, thi thoảng ngừng lại để trả lời con cháu. Có con cháu, ông cảm thấy lòng nhẹ nhõm hơn. Ngày mai cứ ra đình làm lễ rước linh thành hoàng làng trước đã, mọi việc còn lại có con cháu lo lắng cả rồi.
Buổi tối, đám con cháu rủ nhau đi thăm bà con chòm xóm. Đây là lệ tốt của làng. Con cháu đời này sang đời khác vẫn luôn gắn bó, thân thuộc với làng là vì vậy.
Bà chiêu ngụm trà hoa cúc, mở lời:
– Tui nhường nhịn ông cả một đời, vì tui biết ông thương tật khó ở trong người. Lần ni, để con cháu về được vui vẻ, tui vắn tắt thế ni, ông thông thì thông, không thông thì mai tui nói ra cho các con nó phân xử.
Lão Huy có là tiến sĩ, có là ông ni bà nọ chi đi nữa tui cũng kệ, ngày trẻ tui chọn ông, chừ già rồi, tui vẫn sát cánh bên ông, ông trai gái đủ cả, con cháu đỗ đạt. Ông ấm ức cái chi mà cứ nặng nhẹ với tui mãi. Chẳng qua chúng ta là đồng đội cũ thất lạc tin tức mấy chục năm, chừ tìm lại nhau thì vui, cốt chỉ hỏi thăm nhau, ôn lại những năm tháng chiến đấu gian khổ, lão Huy cũng chỉ có ý nớ, vợ lão sờ sờ ra đó, ông thiệt tào lao.
Lần đầu tiên bà mắng ông. Cũng lần đầu tiên ông không lấy uy mắng át lại. Tuổi già lẩm cẩm thật rồi, toàn nghĩ đâu đâu. Ông im lặng một lúc thấy cục đá trong lòng từ từ rời khỏi. Đuối lý lẫn tình, ông giả vờ lấy chuyện chạp mả ngày mai ra kể, bà thấy ông xuôi, cũng yên.
Rồi bà giục ông đi nghỉ sớm. Đến giờ bà phải tập hát để mai còn tham gia tiết mục đơn ca trong phần hội giữa đình.
Ngày mai, sẽ bắt đầu tháng chạp mả quê bà, như một lễ hội kéo dài cả tháng cho đến Tết. Cả làng đông vui náo nức. Nhà nhà tiếng trẻ ríu ran, ấm áp. Lòng người cũng vì thế mà thiết tha hơn. Bà vừa hát vừa hình dung đến lễ hội dân gian quê mình, không rườm rà nhưng bền vững, trường tồn. Lễ hội khiến trong tâm mỗi người luôn biết giữ trọn đạo hiếu, biết kính trọng, hướng về tổ tiên, nguồn cội, sừng sững như dãy Hoành Sơn, bao la như dòng Gianh say đắm…
Nguyễn Hương Duyên
Nguồn: https://www.baoquangbinh.vn/van-hoa/202501/chap-ma-lang-2223482/