(QBĐT) – Những ngày cuối năm 2024, trong hành trình theo dấu chân tướng Hoàng Sâm, một người con ưu tú của quê hương Quảng Bình, người đội trưởng đầu tiên của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944-22/12/2024) trên vùng đất Cao Bằng, chúng tôi đến thăm Khu di tích quốc gia đặc biệt Pác Bó (xã Trường Hà, huyện Hà Quảng). Nơi đây vẫn lưu giữ nguyên vẹn những hình ảnh về Bác Hồ cách đây 83 năm về trước, khi Người trở về Tổ quốc trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam.
Người lính già ở Pác Bó
Khu di tích quốc gia đặc biệt Pác Bó chưa lúc nào vắng bóng du khách trong nước và quốc tế đến tham quan và trải nghiệm. Dọc theo lối đi dưới rừng cây cổ thụ men theo suối Lê-nin, chúng tôi ngược lên phía đầu nguồn. Cảm giác dường như hình bóng người cha già dân tộc vẫn trường tồn mãi mãi: Đây là nơi Bác ngồi câu cá, kia là bộ bàn đá Bác làm việc, sâu hơn một chút, hang Cốc Bó-nơi Bác nghỉ ngơi.
Năm 1961, Bác Hồ trở lại thăm Cao Bằng, Bác dành trọn thời gian một ngày về với Pác Bó. Đến hang Cốc Bó, nơi mình từng sinh sống và làm việc, Bác để lại dòng lưu niệm: “Hai mươi năm trước ở hang này/Đảng vạch con đường đánh Nhật-Tây/Lãnh đạo toàn dân ra chiến đấu/Non sông gấm vóc có ngày nay”.
Cách bộ bàn ghế đá Bác Hồ ngồi làm việc không xa, chúng tôi bắt gặp một cây kim giao thân thẳng đứng, hiên ngang đâm thẳng lên trời. Dưới gốc cây có tấm biển ghi: “Cây kim giao Đại tướng Võ Nguyên Giáp trồng năm 1975”.
|
Khi chúng tôi đang cùng nhau trò chuyện vui vẻ bên gốc cây kim giao thì có một người đàn ông trong bộ quân phục cũ đến gần rụt rè hỏi: “Các chú hình như từ xa đến?”. “Dạ, chúng cháu từ Quảng Bình ra”. Người đàn ông reo lên khe khẽ: “A! Quảng Bình… quê hương Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tôi là một người lính của bác Giáp đây”. Hỏi ra, ông tên Nông Thanh Bằng, dân tộc Tày (SN 1959), nhà ở bản Pác Bó, xã Trường Hà. Ông Nông Thanh Bằng tham gia quân ngũ, từng chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc. Sau khi trở về địa phương, ông nhận một phần diện tích đất rừng trong khu vực di tích lịch sử Pác Bó để trồng rừng, phát triển kinh tế trang trại.
Ông Nông Thanh Bằng nhớ lại: “Năm 1994, Đại tướng thăm Pác Bó. Lúc đó tôi cũng có mặt. Gặp gỡ, trò chuyện với đồng bào, Đại tướng Võ Nguyên Giáp hỏi thân mật bằng tiếng Tày: “Bại pỉ noọng mì rèng bấu?” (Đồng bào có khỏe không?). Xa cách lâu ngày thế, bác Giáp vẫn không quên tiếng nói của bà con. Cũng ngay tại gốc kim giao này, Đại tướng nói chuyện thân mật với bà con. Bác Giáp bảo, đồng bào cố gắng giữ gìn thật tốt khu di tích lịch sử Pác Bó, vì đây là nơi khởi nguồn của cách mạng, gắn liền với Bác Hồ kính yêu. Đại tướng động viên đồng bào chăm lo làm ăn, phát triển kinh tế, chú ý vươn lên thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Rồi Đại tướng dặn dò: Để di tích lịch sử Pác Bó giữ nguyên giá trị lịch sử, phát huy truyền thống cách mạng của vùng đất Cao Bằng anh hùng, đồng bào cố gắng trồng rừng, chăm sóc, bảo vệ rừng thật tốt hơn nữa. Vâng lời Đại tướng, sau này, tôi mạnh dạn tiên phong, nhận đất rừng để trồng rừng, làm trang trại. Cuộc sống bây giờ nhờ thế ổn định”.
Vui chuyện, ông Nông Thanh Bằng biếu chúng tôi mấy cân cam bản địa trang trại ông trồng được. Những quả cam mát lành, ngọt lịm, nặng nghĩa tình.
Quê hương thứ hai của Đại tướng
Năm 1994, trở lại thăm Cao Bằng, phát biểu tại hội thảo khoa học-thực tiễn “Bác Hồ với Cao Bằng” do tỉnh Cao Bằng tổ chức, Đại tướng Võ Nguyên Giáp dung dị: “Tôi lên thăm Cao Bằng cũng như là về quê hương thứ hai, cũng như về nhà, bởi vì trong nhiều năm sống và làm việc, chiến đấu bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Cao Bằng, nhân dân Cao Bằng, tình cảm của tôi đối với Cao Bằng cũng như là tình cảm của tôi đối với bản thân quê hương của tôi hay là quê hương Nghệ Tĩnh”.
|
Năm 1975, sau khi nước nhà độc lập, non sông thu về một mối, Đại tướng trở lại Cao Bằng. Đến thăm hang Cốc Bó, Đại tướng trồng cây kim giao và bảo: Trồng để tưởng nhớ Bác Hồ. Nhớ những ngày đầu tiên Bác Hồ trở về nước qua cột mốc 108, cách không xa hang Cốc Bó sau 30 năm tìm đường cứu nước. Nhớ mùa đông trong hang đá lạnh lẽo, hai Bác cháu cùng bàn bạc việc nước, việc quân. Không có Pác Bó thì không có Điện Biên Phủ, cũng không có Chiến dịch Hồ Chí Minh. Bác tâm sự với Đại tướng: Chú Văn ạ! Làm cách mạng thì phải “dĩ công vi thượng”.
Cây kim giao Đại tướng trồng tại hang Cốc Bó bây giờ tròn 49 năm tuổi, vẫn hiên ngang, sừng sững sánh vai cùng muôn vàn gốc cổ thụ xanh tươi giữa rừng Pác Bó.
Như lời Đại tướng Võ Nguyên Giáp tâm niệm: Cao Bằng là quê hương thứ hai của mình. Kể từ khi đất nước thống nhất năm 1975, Đại tướng từng có 5 lần về thăm Cao Bằng, lần cuối cùng vào năm 1994. Với đồng bào các dân tộc Pác Bó, Cao Bằng, tình cảm Đại tướng vẹn nguyên trước sau như một. Và trong trái tim mỗi một người dân Pác Pó luôn tưởng nhớ đến anh Văn-Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp. |
Những ngày ở Cao Bằng, chúng tôi thăm cụm di tích lịch sử nơi thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Nguyên Bình (tháng 11/1935) do đồng chí Dương Mạc Thạch (bí danh Xích Thắng) làm Bí thư tại xã Minh Tâm (huyện Nguyên Bình). Gần địa điểm này có thêm các di tích lịch sử khác, gồm: Nhà ông Dương Mạc Thạch, nơi Bác Hồ sống và làm việc đầu năm 1942; hang Kéo Quảng, nơi anh Văn-Võ Nguyên Giáp cùng một số đồng chí cốt cán hoạt động. Ông Dương Mạc Thăng, con trai đồng chí Dương Mạc Thạch, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng, sau khi nghỉ hưu về sinh sống ngay chính trên mảnh đất bố mẹ mình năm xưa để lại.
Nhớ về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông Dương Mạc Thăng chân thành: “Đại tướng là người chiến sĩ cách mạng tiêu biểu, trung kiên, người anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam… Về góc độ gia đình, tôi gọi Đại tướng bằng bác vì Đại tướng và bố tôi nhận nhau làm anh em kết nghĩa, Đại tướng lớn tuổi hơn bố tôi nên làm anh”.
Theo dòng hồi ức, ông Dương Mạc Thăng kể: “Ngày đầu Đại tướng Võ Nguyên Giáp về nhà tôi, bố tôi chỉ giới thiệu ngắn gọn với mẹ là “Thầy giáo Văn, người dưới xuôi lên dạy học cho đồng bào Tày, Nùng Cao Bằng”. Nhưng, bằng linh cảm người phụ nữ, mẹ tôi biết thầy Văn hoạt động cách mạng như chồng mình. Thầy Văn thông minh lắm, mẹ dạy tiếng Tày cho thầy, chỉ một thời gian ngắn đã có thể giao tiếp bình thường với bà con trong vùng”.
Thầy giáo Văn mở lớp huấn luyện cán bộ cách mạng trên hang Kéo Quảng, cách nhà ông bà Dương Mạc Thạch không xa, mẹ ông Dương Mạc Thăng hàng ngày tiếp tế lương thực, thực phẩm cho mọi người ở hang Kéo Quảng. Cũng tại hang Kéo Quảng, tháng 5/1942, Bác Hồ tiếp tục mở lớp huấn luyện chính trị cho đội ngũ lãnh đạo cách mạng chủ chốt tỉnh Cao Bằng.
Tết Nguyên đán năm 1942, thầy giáo Văn ăn Tết cùng gia đình ông Dương Mạc Thạch. Sau Tết, ông Dương Mạc Thạch và thầy giáo Văn bí mật vào xã Tam Kim theo sự chỉ đạo của Bác Hồ, chuẩn bị tiến tới thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân.
Hồ An
Nguồn: https://www.baoquangbinh.vn/dai-tuong-vo-nguyen-giap/202501/cay-kim-giao-dai-tuong-vo-nguyen-giap-trong-o-hang-coc-bo-2223990/