(QBĐT) – Thời gian qua, tình hình tội phạm công nghệ cao diễn biến phức tạp, với phương thức thủ đoạn ngày càng tinh vi, gia tăng về số vụ, gây nhiều thiệt hại, bức xúc trong quần chúng nhân dân. Để góp phần nâng cao nhận thức và tinh thần cảnh giác cho người dân khi tham gia mạng xã hội, ngoài đấu tranh mạnh với các loại tội phạm, Công an Quảng Bình đã và đang có nhiều biện pháp, giải pháp để giúp nhân dân hiểu rõ hơn các phương thức, thủ đoạn lừa đảo trên không gian mạng.
Chị Phan Thị Mai Huê, ở xã Đồng Trạch (Bố Trạch) rất vui khi được Công an xã đến tận nhà phát tờ rơi tuyên truyền về phòng, chống tội phạm trên không gian mạng, các quy định của pháp luật về việc sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông và buôn bán, tàng trữ, sử dụng các loại pháo. Những phương thức, thủ đoạn, cách thức lừa đảo của các đối tượng trên không gian mạng đã được lực lượng Công an thống kê, in ấn rõ ràng, dễ đọc, dễ hiểu, dễ nhớ và được cảnh sát khu vực, công an địa bàn đến phát tận tay cho người dân, qua đó, nâng cao tinh thần cảnh giác cho bà con trong việc đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm trên không gian mạng.
Chị Phan Thị Mai Huê cho biết: “Tôi thấy nội dung trong tờ rơi mà lực lượng Công an xã cấp phát cho gia đình khá đầy đủ, các nội dung, như: Đã uống rượu, bia-không lái xe, không buôn bán, tàng trữ, sử dụng trái phép các loại pháo nổ, pháo hoa nổ, các phương thức, thủ đoạn lừa đảo trên không gian mạng, các biện pháp phòng ngừa… Tôi thấy rất bổ ích và hiểu hơn để nâng cao tinh thần cảnh giác cho bản thân và gia đình”.
Trước đó, thực hiện đợt cao điểm tấn công, trấn áp các loại tội phạm, bảo vệ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Công an xã Đồng Trạch đã phối hợp với các thôn, đi “từng ngõ, gõ từ nhà”, phát gần 2.000 tờ rơi cho người dân để tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho nhân dân.
|
Thiếu tá Nguyễn Thế Anh, Trưởng Công an xã Đồng Trạch cho hay: Các vấn đề “nóng” trong giai đoạn trước, trong và sau Tết, như: Tham gia giao thông sau khi uống rượu, bia hay mua bán tàng trữ, sử dụng trái phép các loại pháo và đặc biệt là vấn đề lừa đảo trên không gian mạng, tội phạm sử dụng công nghệ cao đã được thống kê ngắn gọn, in ấn dễ nhìn và phát trực tiếp tận hộ gia đình người dân. Từ đó, các hộ dân tuyên truyền lại với người thân trong gia đình mình, giúp mọi người có thể hiểu được các phương thức thủ đoạn trong những tờ rơi mà Công an xã đã tuyên truyền.
Việc tuyên truyền, cảnh báo và nhắc nhở người dân bằng nhiều hình thức để không trở thành nạn nhân của các đối tượng lừa đảo trên mạng xã hội là một trong những việc làm thường xuyên, liên tục của lực lượng Công an Quảng Bình thời gian qua, đặc biệt là dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Công an tỉnh đã in ấn gần 250 nghìn tờ rơi cấp phát cho công an cơ sở trên địa bàn toàn tỉnh để tuyên truyền đến từng người dân, nhằm chuyển tải các thông điệp, như: “Đã uống rượu, bia-không lái xe”, “nghiêm cấm mua bán, tàng trữ, sử dụng các loại pháo nổ”, đặc biệt là chỉ rõ các phương thức thủ đoạn, cách thức thực hiện hành vi lừa đảo trên không gian mạng của các đối tượng và biện pháp phòng ngừa cho nhân dân.
Đại úy Trương Văn Châu Loan, Công an phường Nam Lý, TP. Đồng Hới cho biết: “Các tờ tuyên truyền mà chúng tôi đã phát cho người dân thể hiện các nội dung rất rõ ràng, cụ thể. Mọi người dân có thể xem đó như cẩm nang để tuyên truyền cho các thành viên trong gia đình và nâng cao tinh thần cảnh giác, tinh thần tự bảo vệ tài sản của mình khi tham gia mạng xã hội. Và chúng tôi cũng hướng dẫn người dân, sau khi xem xong thì dán những nơi thuận tiện, dễ nhìn, dễ thấy, không chỉ các thành viên trong gia đình mà bạn bè, anh em, người thân của mình khi vào nhà cũng thấy được những nội dung rất thiết thực”.
Có thể nói, tình hình tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường, liên tục xuất hiện nhiều thủ đoạn mới, tinh vi, khó phát hiện. Cùng với công tác tuyên truyền, nâng cao cảnh giác cho người dân đề phòng với các loại tội phạm nói chung và tội phạm trên không gian mạng nói riêng, Công an tỉnh cũng đã và đang đấu tranh quyết liệt có trọng tâm, trọng điểm với các loại tội phạm này.
Chỉ tính riêng trong năm 2023, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm công nghệ cao, Công an tỉnh đã chủ trì phối hợp với các cơ quan điều tra các cấp khám phá thành công, khởi tố 11 vụ với 33 bị can, trong đó có 6 vụ với 15 bị can về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Mới nhất là vụ bắt giữ nhóm 7 đối tượng chuyên hack tài khoản mạng xã hội để lừa đảo chiếm đoạt tài sản đối với nhiều người trên phạm vi toàn quốc, ước tính tổng giao dịch trong các tài khoản ngân hàng mà đối tượng sử dụng khoảng 8 tỷ đồng…
Để công tác đấu tranh, phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng có hiệu quả, mỗi một người dân phải thường xuyên cập nhật, nắm bắt phương thức, thủ đoạn mới của các đối tượng, nâng cao ý thức tự phòng ngừa để tránh không bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Ngô Quang Văn