(QBĐT) – Trong 10 tháng năm 2024, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã nỗ lực thực hiện cải cách hành chính (CCHC), cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
Năm 2024, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch CCHC với chủ đề “Sắp xếp, tổ chức toàn bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” trên 7 lĩnh vực và 36 nhiệm vụ cụ thể; đồng thời, ban hành kế hoạch thực hiện với các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; tổ chức các cuộc gặp mặt doanh nghiệp (DN) để đối thoại, giải quyết khó khăn cho các DN trên địa bàn.
Cải cách thể chế và theo dõi thi hành pháp luật, đã ban hành 18 quyết định, trình HĐND ban hành 14 nghị quyết thực hiện chức năng quản lý nhà nước ở địa phương trên tất cả các lĩnh vực. Sở Tư pháp thẩm định 15 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của UBND tỉnh và văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của HĐND tỉnh do UBND tỉnh trình.
Thực hiện cải cách thủ tục hành chính (TTHC), UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành tập trung rà soát TTHC trên tất cả các lĩnh vực, sửa đổi, bổ sung 9 TTHC trong lĩnh vực đất đai; quy định mới, sửa đổi, bổ sung 7 TTHC trong lĩnh vực nội vụ, giáo dục, nông nghiệp và phát triển nông thôn; rà soát, bãi bỏ một số văn bản quy định, bảo đảm hoàn thành rà soát ít nhất 50% TTHC nội bộ thuộc phạm vi quản lý, đề xuất phương án đơn giản hóa tối thiểu 20% TTHC, cắt giảm 20% chi phí tuân thủ TTHC; phê duyệt phương án đơn giản hóa 56 TTHC nội bộ trong hệ thống hành chính nhà nước thuộc thẩm quyền giải quyết của các cấp chính quyền.
Kết quả tiếp nhận, giải quyết hồ sơ TTHC: 228.896 hồ sơ (trong đó 99.458 hồ sơ trực tuyến, trực tiếp và dịch vụ bưu chính 129.438 hồ sơ); đã giải quyết 220.107 hồ sơ, giải quyết đúng hạn và trước hạn 197.340 hồ sơ. UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, ngành tập trung nguồn lực đẩy nhanh số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC, bảo đảm 100% hồ sơ giải quyết phải trả kết quả bản điện tử và số hóa mẫu đơn, tờ khai đầu vào, người dân, DN “chỉ cung cấp thông tin một lần” đối với thông tin đã có trong hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh.
|
Phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số, có 100% trung tâm xã, phường, thị trấn có kết nối cáp quang internet băng thông rộng; mạng 3G, 4G phủ sóng trên 97,68% khu vực dân cư, mạng 5G được Viettel triển khai thí điểm 2 địa điểm; tỷ lệ điểm phục vụ của mạng bưu chính công cộng có kết nối internet băng rộng cố định là 100%; tỷ lệ hộ gia đình có điện thoại thông minh là 87,18% và có kết nối internet băng rộng cáp quang là 75%; 151/151 xã, phường, thị trấn có điểm bưu chính công cộng. Tổng số tên miền Việt Nam (.vn) tại Quảng Bình là 1.174 tên miền. 100% sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện và cấp xã đã thiết lập mạng LAN và kết nối internet.
Trung tâm dữ liệu điện tử của tỉnh triển khai phục vụ chuyển đổi số theo hướng sử dụng công nghệ điện toán đám mây; vận hành cơ bản ổn định phục vụ triển khai, quản trị, vận hành, khai thác, ứng dụng 12 nền tảng, hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu dùng chung của tỉnh, đồng thời hỗ trợ các cơ quan, đơn vị cài đặt, vận hành 18 hệ thống, phần mềm chuyên ngành. Mạng truyền số liệu chuyên dùng của cơ quan Đảng, Nhà nước sẵn sàng kết nối đến 151/151 xã, phường, thị trấn. Hệ thống mạng WAN của tỉnh triển khai đến 21 sở, ngành cấp tỉnh và 8 UBND cấp huyện. Hệ thống hội nghị truyền hình chuyên dùng của tỉnh bảo đảm kết nối thông suốt từ Trung ương đến cấp xã.
Trục liên thông văn bản quốc gia, trục kết nối dữ liệu Cổng dịch vụ công quốc gia, hệ thống hỗ trợ thanh toán quốc gia PayGov, thanh toán nghĩa vụ tài chính TTHC đất đai, cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký kinh doanh, về dân cư… Số lượng dịch vụ dữ liệu số được nền tảng tích hợp, chia sẻ dùng chung cấp tỉnh (LGSP) tỉnh kết nối, khai thác từ nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NGSP) là 8 dịch vụ.
Tỷ lệ văn bản, hồ sơ công việc được xử lý trên môi trường mạng tại cơ quan cấp tỉnh là 96%, cấp huyện là 90%, cấp xã là 80% (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước); tỷ lệ văn bản được ký số đầy đủ, đúng quy định của UBND tỉnh và các sở, ban, ngành thuộc UBND tỉnh là 86,02%, của UBND cấp huyện là 96,16% và của các đơn vị sự nghiệp là 91,74%; tỷ lệ cơ quan cấp sở, cấp huyện, cấp xã khai thác, sử dụng hệ thống thông tin giải quyết TTHC (Cổng dịch vụ công/hệ thống thông tin một cửa điện tử) tập trung của tỉnh đạt 100%.
Số người có chữ ký số hoặc chữ ký điện tử là 29.028 (bao gồm chữ ký số chuyên dùng Chính phủ và chữ ký số công cộng). Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến trên Cổng dịch vụ công tỉnh đạt 42,11%. Trung tâm điều hành thông minh (IOC) tỉnh tiếp tục duy trì, thử nghiệm, thí điểm 10 phần mềm, dịch vụ đô thị thông minh. Các Trung tâm IOC TP. Đồng Hới, TX. Ba Đồn hoạt động ổn định, cung cấp một số ứng dụng đô thị thông minh thiết thực cho người dân, DN.
Tuy nhiên, CCHC vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần nỗ lực khắc phục thời gian tới, như: Công tác chỉ đạo điều hành ở một số sở, ngành, UBND cấp huyện còn bị động, thiếu linh hoạt, chưa đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn, nhất là tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân và DN; cải cách thể chế, theo dõi thi hành pháp luật ở một số nơi còn nợ đọng văn bản, chưa tham mưu xử lý dứt điểm các văn bản chồng chéo, mâu thuẫn, hết hiệu lực, nhất là các văn bản mới; cải cách TTHC vẫn còn chậm, thủ tục còn rườm rà; thực thi phương án đơn giản hóa TTHC còn chậm; một số sở, ngành, UBND cấp huyện tỷ lệ hồ sơ giải quyết trễ hẹn chiếm tỷ lệ còn nhiều; tỷ lệ số hóa hồ sơ đầu ra còn thấp so với kết quả giải quyết hồ sơ TTHC…
Để công tác CCHC đạt được nhiều kết quả hơn nữa, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu chương trình hành động của tỉnh đề ra trong giai đoạn 2021-2025, các cấp, ngành, địa phương phải quyết tâm khơi thông các “điểm nghẽn” trong CCHC gắn với chuyển đổi số.
Tại hội nghị đánh giá công tác CCHC 9 tháng năm 2024, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo CCHC tỉnh Trần Thắng yêu cầu các cấp, ngành, địa phương khẩn trương rà soát, xác định rõ những “điểm nghẽn” đang cản trở hoạt động CCHC, đề xuất các giải pháp cụ thể để tháo gỡ; ưu tiên giải quyết những vấn đề nóng, cấp bách, khó khăn, vướng mắc của người dân và DN; giám sát chặt chẽ việc thực hiện TTHC; thường xuyên theo dõi tiến độ để đôn đốc các cơ quan, đơn vị; rà soát, đơn giản hóa TTHC trong các ngành, lĩnh vực; triển khai các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho DN, tổ chức các cuộc đối thoại với DN để nắm bắt tình hình, cắt giảm các thủ tục, rào cản… |
Đặng Trần
Nguồn: https://www.baoquangbinh.vn/chinh-tri/202411/cai-cach-hanh-chinh-gop-phan-thuc-day-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-2222204/