(QBĐT) – Đưa người lao động (NLĐ) đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (xuất khẩu lao động-XKLĐ) là một trong những hướng đi hiệu quả giúp NLĐ có việc làm với mức thu nhập cao, qua đó góp phần phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững cho các địa phương. Xác định đây là giải pháp không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế mà còn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thời gian qua, Quảng Bình tập trung đẩy mạnh công tác XKLĐ, quyết tâm thực hiện từ đạt đến vượt chỉ tiêu đề ra. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác XKLĐ vẫn gặp phải không ít khó khăn, trở ngại.
Năm 2024, Quảng Bình đặt mục tiêu đưa 5.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Để đạt mục tiêu đề ra, tỉnh đã tích cực chỉ đạo các cấp, ngành, cơ quan chức năng triển khai đồng bộ nhiều giải pháp và tính đến ngày 30/9, toàn tỉnh có 6.095 lao động được tuyển chọn đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng, đạt trên 100% so với kế hoạch. Như vậy, tỉnh đã sớm vượt kế hoạch XKLĐ trong năm 2024. Đây là tín hiệu đáng mừng.
Trước đây, gia đình ông Nguyễn Văn Hoàn ở thôn 5 Thiết Sơn, xã Thạch Hóa (Tuyên Hóa) thuộc diện khó khăn, kinh tế eo hẹp. Quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” nhưng vẫn không khấm khá hơn, ông Hoàn quyết định vay vốn cho con trai là anh Nguyễn Xuân Hải XKLĐ. Mang theo khát vọng đổi đời rời quê hương đến đất nước Angola, anh Hải chăm chỉ làm việc. Sau 2 năm, anh trở về quê, tiếp tục làm hồ sơ XKLĐ tại Nhật Bản. Một thời gian dành dụm, tích cóp, tạo được nguồn vốn, anh hỗ trợ cho 4 người em của mình đi làm việc ở Nhật Bản, Đài Loan.
“Cuộc sống gia đình tôi đã có nhiều thay đổi sau khi các con XKLĐ. Kinh tế gia đình khấm khá hơn, chúng tôi cũng sửa sang nhà ở, sắm sanh được nhiều thứ. Cho các con XKLĐ là quyết định đúng đắn, sáng suốt!”, ông Hoàn chia sẻ.
|
Ở Thạch Hóa, gia đình ông Nguyễn Văn Hoàn không phải là gia đình duy nhất có nhiều thành viên XKLĐ. Theo thống kê của địa phương, hiện toàn xã có 515 người XKLĐ, trong đó, nhiều hộ gia đình có 3-4 thành viên, thậm chí có hộ gia đình 5-6 thành viên. Chủ tịch UBND xã Thạch Hóa Trần Văn Bằng cho biết: XKLĐ đã góp phần đưa đến những đổi thay tích cực trong phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) của địa phương. Từ chỗ là xã nghèo, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao, đến nay, công tác giảm nghèo của Thạch Hóa có nhiều biến chuyển, tỷ lệ hộ nghèo giảm chỉ còn 3,38%, hộ cận nghèo còn 1,96%, thu nhập bình quân năm 2024 ước đạt 53 triệu đồng/người/năm.
Nhờ XKLĐ, nhiều địa phương khác ở huyện Tuyên Hóa, như: Tiến Hóa, Mai Hóa, Phong Hóa, Đồng Hóa, Thuận Hóa, Kim Hóa, Thanh Thạch… cũng đang từng ngày “thay da đổi thịt”. Để tạo bước chuyển trong XKLĐ, thời gian qua, huyện Tuyên Hóa có những giải pháp quyết liệt, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng ngành, địa phương. Huyện tập trung chỉ đạo các xã, thị trấn đưa công tác XKLĐ vào chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH hàng năm của địa phương; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về chính sách đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài thông qua nhiều kênh, hình thức khác nhau nhằm hỗ trợ NLĐ, nhất là lao động ở các địa phương có điều kiện KT-XH khó khăn, vùng sâu, vùng xa tiếp cận thông tin chính sách một cách thuận tiện, dễ dàng hơn.
Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) huyện Tuyên Hóa Lương Công Đức cho biết: Giai đoạn từ năm 2022 đến nay, công tác XKLĐ ở Tuyên Hóa có bước chuyển biến mạnh mẽ, số lượng hàng năm đều vượt chỉ tiêu đề ra, năm sau cao hơn năm trước, góp phần nâng cao chất lượng nguồn lao động, tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập cho NLĐ, đặc biệt là lao động trẻ, đã giảm áp lực về các vấn đề xã hội trên địa bàn, giúp các hộ gia đình có con em XKLĐ thoát nghèo nhanh và bền vững.
Tính đến nay, toàn huyện có trên 4.200 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng, riêng trong 9 tháng năm 2024 là 465 người, đạt hơn 100% so với kế hoạch. Phần lớn lao động đi xuất khẩu có việc làm và thu nhập khá, nhờ đó sớm thu hồi chi phí xuất cảnh, trả nợ vay ngân hàng và phát triển kinh tế gia đình, góp phần giảm nghèo bền vững cho địa phương.
Thực hiện Nghị quyết số 17/2021/NQ-HĐND, ngày 10/12/2021 của HĐND tỉnh về quy định chính sách hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho NLĐ trên địa bàn tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2022-2025, tính đến nay, toàn tỉnh đã hỗ trợ kinh phí đào tạo để đi làm việc ở nước ngoài cho 138 NLĐ với tổng số tiền hơn 494 triệu đồng. |
Bố Trạch cũng là một trong những địa phương đi đầu toàn tỉnh trong công tác XKLĐ. Từ năm 2022 đến nay, toàn huyện có 3.725 người XKLĐ, riêng 8 tháng năm 2024 có 975 người, nâng tổng số người đi lao động, học tập, sinh sống tại nước ngoài trên 20.600 người.
Trưởng phòng LĐ-TB-XH huyện Bố Trạch Nguyễn Văn Phương cho biết: Để công tác XKLĐ đạt kết quả cao, bên cạnh việc ban hành các văn bản chỉ đạo, lãnh đạo, triển khai công tác giải quyết việc làm, đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, huyện tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm, giao chỉ tiêu cho các xã, thị trấn; đồng thời tạo điều kiện để NLĐ tiếp cận với các doanh nghiệp uy tín trong lĩnh vực XKLĐ, hướng dẫn NLĐ các quy trình, thủ tục, hồ sơ, chính sách, hỗ trợ thông tin về tuyển dụng lao động XKLĐ. Hầu hết những NLĐ sau khi đi làm việc ở nước ngoài đều có cuộc sống ổn định, có vốn, kiến thức nên có thể tiếp tục XKLĐ hoặc giới thiệu cho người thân cùng tham gia XKLĐ. Không ít người sử dụng vốn tích lũy đầu tư vào sản xuất, kinh doanh mang lại hiệu quả kinh tế cao.
XKLĐ là chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước nhằm giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho NLĐ, đồng thời góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và hội nhập quốc tế, xóa đói giảm nghèo… Thời gian qua, công tác quản lý nhà nước về XKLĐ tại Quảng Bình luôn được chú trọng. Tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 20-CT/TW của Ban Bí thư, Kế hoạch số 101-KH/TU, ngày 13/3/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Kế hoạch số 774/KH-UBND, ngày 25/4/2023 của UBND tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài trong tình hình mới.
Cùng với việc đẩy mạnh hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật về đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài cho doanh nghiệp và các đơn vị tham gia XKLĐ trên địa bàn, tỉnh cũng có chính sách hỗ trợ NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; duy trì, mở rộng các thị trường XKLĐ tiềm năng, phù hợp với thực lực của NLĐ Việt Nam nói chung và Quảng Bình nói riêng. Năm 2023, toàn tỉnh có trên 9.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, đạt 180% kế hoạch; 9 tháng năm 2024 có 6.095 lao động, đạt trên 100% kế hoạch năm.
Điều đáng ghi nhận là thị trường lao động ở nước ngoài không ngừng được mở rộng, nhất là các thị trường có mức thu nhập cao và điều kiện lao động tốt, như: Đức, Ba Lan, Séc… Còn những thị trường truyền thống, như: Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Nhật Bản…, số lượng NLĐ của tỉnh đi làm việc ở nước ngoài đều gia tăng hàng năm sau đại dịch Covid-19…
Tâm An
>>> Bài 2: Được nhiều, mất cũng không ít
Nguồn: https://www.baoquangbinh.vn/xa-hoi/202410/buc-tranh-xuat-khau-lao-dong-bai-1-nhung-gam-mau-tuoi-sang-2221891/