(QBĐT) – Bẵng đi 50 năm (1974-2024) tôi bất ngờ nhận lại được bức hình này từ một người đồng đội, lòng bỗng dâng trào cảm xúc: Tuổi thất tuần thương nhớ tuổi đôi mươi sôi nổi của chính mình!
Bức hình được chụp ngoại cảnh tại một tiệm ảnh nhỏ ở thị trấn Xuân Mai (nay thuộc Hà Nội), tính đến nay đã tròn nửa thế kỷ, biết bao nước chảy qua cầu. Người ngồi cầm đàn là Phạm Công Vân, quê tỉnh Hà Bắc (nay ở tỉnh Bắc Giang); người đứng là tôi, cầm trong tay tập giáo trình Tự học đàn guitar của Phạm Ngữ. Sự thật về hậu trường bức ảnh là chúng tôi đang cố gắng diễn “sâu” nhất có thể để ghi hình kỷ niệm sự kiện hai đứa vừa mua được cây đàn và bộ giáo trình thôi, còn “trình” chơi classical guitar lúc này của chúng tôi đang là con số 0 tròn trĩnh!
Câu chuyện nảy sinh ý tưởng và hành trình đi mua sắm cây đàn ngày ấy, nay nghĩ lại thấy thật… khác thường! Năm 1974, nhập học Trường Sĩ quan Đặc công, tôi và Công Vân tâm đầu ý hợp vì cùng sở thích tự học đàn guitar, chơi classic, nhưng đàn thì giá đắt, phụ cấp học viên hàng tháng lại không đủ chi tiêu, thậm chí ngay cả khi hai đứa góp tiền mua chung một cây đàn cũng không biết bao giờ có đủ. Ham chơi quá, tôi đánh liều viết thư về Đồng Hới xin tiền mẹ, mặc dù biết lương giáo viên của mẹ chỉ 37 đồng (ba mươi bảy đồng)/tháng, lương ba bộ đội ở xa, do chiến tranh thường được chuyển về chậm và không đều, trong khi nhà đang nuôi 4 em nhỏ ăn, học. Không ngờ gần hai tuần sau, mẹ gửi theo đường bưu điện ra cho 20 đồng, thật bùi ngùi thương mẹ. Đây sẽ là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng tôi trực tiếp xin tiền mẹ, lòng tự dặn lòng! Phía Công Vân cũng phải nhờ thêm sự viện trợ của gia đình, nên hai đứa cộng lại vừa đủ số tiền ngang giá niêm yết cây đàn guitar thời điểm đó tại bách hóa Tràng Tiền Bờ Hồ: 45 đồng và cuốn giáo trình tự học đàn.
|
Nhưng chúng tôi lại thiếu tiền mua vé tàu, xe từ thị trấn Xuân Mai đi Bờ Hồ và ngược lại, quãng đường chừng 30-35km gì đó, mỗi chiều. Rất nôn nóng, hai đứa quyết định chọn chủ nhật được nghỉ trọn ngày để đi bộ… toàn thời gian cho kịp, bởi bất luận tình huống nào cũng phải có mặt ở đơn vị lúc 21 giờ cùng ngày để điểm danh, đó là quân luật! Rất may, chiều đi, hai chúng tôi được ô tô đơn vị cho đi nhờ đến gần TX. Hà Đông thì dừng lại. Không có tiền mua vé tàu, xe đi tiếp, ứng dụng bài học đi góc phương vị theo đường chim bay, tôi và Công Vân “băng đồng chí sá” theo nghĩa đen, với lộ trình ngắn nhất, vừa đi vừa chạy từ ngoại ô vào thành phố, đến Bờ Hồ Hoàn Kiếm và cũng theo cách đó đã quay về đơn vị vừa kịp giờ điểm danh tối! Cứ “quân lệnh như sơn” thì không ai trách cứ/dèm pha được mình!
Đứng trong Bách hóa Tràng Tiền choáng lộn, nhìn những cây đàn guitar mới tinh phủ vecni màu cánh gián, có đường cong mỹ miều như hình hài cô gái, thật mãn nhãn, lòng chúng tôi khấp khởi mừng thầm vì cầm chắc là sắp được sở hữu một cây đàn trong số đó, thật thỏa ước mơ. Nhưng, khi nhìn vào bảng giá gắn bên dưới, cả tôi và Công Vân đều thất vọng vô bờ bến: “Giá: 45 đồng (đúng dự toán), bán theo giấy giới thiệu (ngoài dự tính)”! Sự mệt mỏi trong suốt hành trình từ đơn vị ra đến đây đang lẩn khuất trong người bỗng dưng trỗi dậy, cộng hưởng với sự chán chường, khiến hai chúng tôi gần như sụp đổ! Thôi, sang phố Hàng Ngang (hoặc Hàng Đào gì đó, lâu ngày quá không nhớ rõ) vậy! Và ở đây, tại một tiệm đàn tư nhân, hai đứa đã mua được cây đàn guitar ưng ý đúng giá 45 đồng, không cần giấy giới thiệu, nhưng có lẽ thấp cấp hơn bên Bách hóa Tràng Tiền. Có được cây đàn, thêm động lực mới, hai chúng tôi thay nhau nâng niu vác báu vật trên vai như Tôn Ngộ Không vác cây quạt ba tiêu thu gọn, nhưng không thể “đằng vân”, mà lại vẫn theo công thức cũ: Phơi phới đi, chạy theo góc phương vị để trở về đơn vị, không quản những bụi bặm, gập ghềnh, mệt nhọc…
Tôi và Công Vân phân công nhau mỗi người luân phiên sở hữu cây đàn một tuần để tự học. Gọi là “một tuần”, nhưng thực sự chỉ có ngày chủ nhật mới trọn vẹn, nếu ngày đó không bị đơn vị trưng dụng. Các ngày còn lại trong tuần chỉ có chút buổi trưa và ban đêm, sau 21 giờ, nhưng phải lén lút “tập chui”, vì đây là khoảng thời gian phải ngủ, nghỉ, theo điều lệnh nội vụ. Ở nhà trường, thời gian biểu mỗi ngày rất bận rộn, căng thẳng, đều như vắt chanh: Ngoài các hoạt động phụ trợ “sáng thể dục, chiều thể thao, tối cất cao tiếng hát”, khối lượng học tập trên lớp, huấn luyện trên thao trường kéo dài từ 7 giờ đến 21 giờ, với phương châm “thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu” vô cùng vất vả, vô cùng mệt nhọc.
Có lần, tại một thôn nhỏ nơi đơn vị đồn trú dã ngoại, sau 21 giờ, như thường lệ, tôi xách cây đàn xuống căn bếp nhà dân tập bài về trường độ: “Nốt nhạc có chấm dôi”, với bài tập mẫu “Múa quạt” để luyện. Đêm đông giá rét, một mình bên cạnh đống rấm, dưới cây đèn dầu mờ tỏ được che chắn kỹ vì sợ trực ban phát hiện, tôi vụng dại “đi” những nốt nhạc trên đầu những ngón tay đau buốt. Đang dấm dúi tập luyện hăng say, tôi bỗng nghe thoảng như có hơi ấm và hương bưởi phả vào lưng mình. Quay lại, trời ơi, cô con gái mới lớn của gia chủ đang lặng lẽ ngồi ngay phía sau lưng tôi từ bao giờ, tay bó gối, lưng thẳng băng như pho tượng! Hồn bay phách lạc, tôi thì thào hỏi: “Cô ngồi đây làm gì?”. “Anh đàn tiếp đi”. “Không, tôi đang tập kỹ thuật, chưa thành bài, nghe như tiếng bật bông chán lắm, cô lên nhà ngủ đi”. “Em ngồi nghe thôi mà, không ảnh hưởng gì anh đâu”…
Trời không nghe đất thì đất phải chịu trời vậy. Tôi đành phải hủy buổi tập, lặng lẽ quay về giường ngủ trong tiếc nuối. Bởi nếu để trực ban đơn vị hoặc ông chủ nhà nhìn thấy vào giờ này mà hai người cùng ở đây, một nam (thanh) một nữ (tú) nơi bóng tối, thì vô cùng khó xử! Nào là vi phạm kỷ luật dân vận, nào là vi phạm điều lệnh quân đội, nào là quan hệ nam nữ không lành mạnh…, toàn những cấm kỵ “khổng lồ” đương thời, nếu bị coi là vi phạm, chẳng những không còn được tập đàn nữa, mà còn có thể phải nhận những mức kỷ luật không hề nhẹ!
Sau một thời gian tự học “thành tài”, chi đoàn đơn vị mặc nhiên thừa nhận tôi và Công Vân là hai nhạc công chính thức, được tham gia đệm hát hoặc trình tấu một số các bản nhạc, đặc biệt các bản dân ca quan họ Bắc Ninh do nhạc sĩ Tạ Tấn chuyển soạn cho guitar, tại các buổi sinh hoạt văn nghệ, các cuộc hội diễn nghệ thuật của đơn vị, trong các đám cưới của thanh niên chi đoàn địa phương kết nghĩa… Tuy ngón đàn bập bẹ cây nhà lá vườn thôi, nhưng vui phết! Một hôm, sau buổi sinh hoạt văn nghệ, khi chúng tôi sửa soạn ra về, cô gái con ông chủ nhà từ đâu xuất hiện: “Hôm nào em cưới chồng, anh giúp em nhé”. “Cưới ai vậy?”. “Hihi. Chưa biết ạ!…”.
Cô gái đưa tay che miệng, quay đầu ù té chạy… Tôi ngô nghê đứng nhìn theo chỏm tóc đuôi gà ngoe nguẩy trong nắng vườn xoan đến khuất tận đầu ngõ, mà vẫn chẳng hiểu mô tê chi cả. Con gái Khu Ba phức tạp hết chỗ nói…! Chắc phải hỏi Công Vân, chàng trai quan họ tinh tế xứ Kinh Bắc thôi, may ra mới giải mã được hành vi này, chứ dân Khu Bốn như tôi thì chịu, dù đã nhác thấy có gì đó rất gần gũi với các giai điệu huê tình dân ca quan họ Bắc Ninh quen thuộc trong các bài tập guitar của mình, nhưng thực tế sao lại mơ hồ đến lạ: “Cô kia búi tóc đuôi gà/Nắm tay giật lại hỏi nhà cô đâu/Nhà em ở dưới gốc cau/Ở trên cây khế biết đâu mà tìm…”.
Thế đấy! Bức hình kỷ niệm được chụp giữa những ngày đạn bom gian khó, liên quan bao việc, bao người, liên quan đến một thời thanh niên sôi nổi đã qua của chính mình: Hồn nhiên sống hết mình cho những đam mê, và cả cho lý tưởng của thời đại, không hề toan tính…; bây giờ mới có cơ may được nhìn thấy lại, không xao xuyến sao được cơ chứ!…
Trần Hùng
Nguồn: https://www.baoquangbinh.vn/van-hoa/202411/buc-hinh-thuong-nho-2222170/