(QBĐT) – 25 năm trước, khi đặt chân đến vùng đất của người Rục ở Thượng Hóa, PGS.TSKH Trịnh Thị Kim Ngọc, Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam đã có dự cảm tốt lành về một sản phẩm du lịch khám phá sẽ có được nơi mảnh đất này trong tương lai. Những chuyến đi sau này, khi đi giữa mùa lúa chín vàng trên cánh đồng đầy đá tảng Rục Làn xưa kia, hay khi nhìn thấy những mái nhà sàn của bản Dộ-Tà Vờng đẹp như tiên cảnh, bà khẳng định cảm quan của bản thân 25 năm trước là hoàn toàn có cơ sở khoa học. Chính những khó khăn cách trở về địa bàn cư trú, nét văn hóa hoang dã lại là ưu thế để dân tộc Chứt tham gia hoạt động du lịch, tạo ra cơ hội đổi đời.
>>> Bài 1: “Kho vàng” bên dãy Trường Sơn
>>> Bài 2: Hành trình từ vỏ cây đến… sắc vải
Những bước đi đầu tiên
Như khẳng định của PGS.TSKH Trịnh Thị Kim Ngọc, hoạt động du lịch đã bắt đầu manh nha phát triển tại các bản làng của đồng bào Chứt. Làn gió du lịch đã thổi qua những mái nhà sàn nằm nép mình dưới chân dãy Trường Sơn hùng vĩ. Những bước đi đầu tiên trong việc xây dựng sản phẩm du lịch tại đây tuy còn nhiều khó khăn nhưng lại mở ra một cơ hội lớn để những nét văn hóa độc đáo của đồng bào Chứt được tỏa lan, đồng thời góp phần phát triển kinh tế bền vững cho cộng đồng.
Ông Mai Xuân Thành, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao cho biết, thực hiện đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, trong những năm qua, công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Bình nói chung, dân tộc Chứt nói riêng gắn với phát triển du lịch đã được các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh hết sức quan tâm.
Đặc biệt là việc triển khai thực hiện Quyết định số 1719/QĐ-TTg, ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021-2025. Trong đó, triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung Dự án 6 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch”. Các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc Chứt bước đầu đã được khai thác, phát huy giá trị.
|
Những năm gần đây, một số mô hình phát triển kinh tế du lịch đã hình thành, như: “Trải nghiệm thiên nhiên và tìm hiểu văn hóa cộng đồng người Rục ở xã Thượng Hóa” của Công ty TNHH Oxalis Holiday hay “Khám phá thiên nhiên Hóa Sơn-hang Rục Mòn” của Công ty TNHH TMDV Đất Xanh Phong Nha. Với kỳ vọng xây dựng một điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước, huyện Minh Hóa đã chọn bản Dộ-Tà Vờng (xã Trọng Hóa) để xây dựng điểm đến du lịch…
Khi đặt chân đến đây, mỗi chuyến du lịch của du khách không chỉ là hành trình khám phá thiên nhiên hoang sơ, mà còn là cơ hội để du khách trải nghiệm văn hóa đặc sắc của một trong những dân tộc ít người nhất ở Việt Nam. Những nét văn hóa truyền thống hay những tập tục gắn liền với đời sống hàng ngày của người Chứt dần trở thành yếu tố hấp dẫn du khách.
Trong số những tour du lịch đang được triển khai tại địa bàn có đồng bào dân tộc Chứt sinh sống, sản phẩm “Trải nghiệm thiên nhiên và tìm hiểu văn hóa cộng đồng người Rục ở xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa” của Công ty TNHH Oxalis Holiday được coi là sản phẩm ấn tượng, thích ứng thời tiết. Sản phẩm này được khai thác trong mùa ngập nước với thời gian ngắn nên khi trải nghiệm, du khách vừa được khám phá khu rừng bán ngập nước Hung Trâu, rồi đến khu vực bản Mò O Ồ Ồ, tham quan bản làng của người Rục. Travel blogger Quỷ Cốc Tử (TP. Hồ Chí Minh) đánh giá đây là một trong số các tour du lịch ấn tượng, độc đáo nhất trên thế giới mà anh đã từng trải nghiệm.
Đủ vốn liếng nhưng chưa thể sinh lời
Từ thực tế cho thấy, việc triển khai thực hiện các mô hình du lịch tại địa phương sẽ góp phần giải quyết việc làm, tạo thu nhập, cải thiện đời sống, đồng thời nâng cao nhận thức cho người dân về các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình. Tuy nhiên, dù có đầy đủ “vốn liếng” về văn hóa, những giá trị này hiện vẫn chưa được khai thác đúng mức để chuyển hóa thành những sản phẩm du lịch mang lại giá trị kinh tế thực sự. Các sản phẩm du lịch vẫn chưa thực sự có sức hút đối với du khách.
|
Từ kinh nghiệm của các mô hình du lịch cộng đồng ở khu vực Phong Nha (Bố Trạch), Tân Hóa (Minh Hóa)… cho thấy, để phát triển du lịch cần có sự kết hợp hài hòa giữa bảo tồn văn hóa và phát triển kinh tế. Bản thân đồng bào Chứt phải vừa là đối tượng thụ hưởng nhưng đồng thời là chủ thể trực tiếp tham gia vào quá trình tạo dựng sản phẩm du lịch. Muốn vậy, họ cần được tăng cường hỗ trợ về nguồn lực từ các cấp chính quyền, đặc biệt là sự đầu tư rất lớn để hoàn thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu cũng như đào tạo, hướng dẫn và hợp tác.
Tại hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào Chứt ở tỉnh Quảng Bình gắn với phát triển du lịch” do Sở Văn hóa và Thể thao tổ chức vào tháng 11/2024, các nhà nghiên cứu, nhà quản lý và doanh nghiệp du lịch đã mạnh dạn đề xuất một số hướng đi, mô hình khả thi nhằm phát huy nguồn lực tự nhiên và văn hóa của đồng bào Chứt để làm du lịch, như: Xây dựng mô hình làng du lịch sinh thái-văn hóa tộc người; mô hình du lịch trải nghiệm, khám phá cuộc sống trong các hang đá trước đây của người Chứt ở vùng lõi của Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng; tái hiện cuộc sống cổ xưa của người Chứt ở trong hang đá gắn với hoạt động du lịch trải nghiệm…
|
Theo bà
Đặng Thị Na, Giám đốc Công ty TNHH TMDV Đất Xanh Phong Nha, để gắn kết chặt chẽ du lịch, dịch vụ với phát triển văn hóa đồng bào Chứt, cần đầu tư phát triển du lịch dựa trên 3 loại hình: Du lịch văn hóa lịch sử, du lịch nghỉ dưỡng giải trí và du lịch sinh thái mạo hiểm dựa vào cộng đồng, dựa trên thế mạnh tài nguyên sinh thái rừng, văn hóa bản địa.“Điều quan trọng nữa là cần nâng cao năng lực cho cộng đồng, đào tạo kỹ năng đón tiếp và phục vụ du khách. Đặc biệt, theo tôi, cần chú trọng việc truyền dạy nâng cao nhận thức cho thế hệ trẻ kế thừa, bảo tồn, gìn giữ, từ đó để họ có tâm huyết trong việc phát triển các giá trị ấy thành sản phẩm du lịch tại địa phương”, bà Na khẳng định.
Một khi có chiến lược bài bản, dài hạn, có sự hợp tác giữa cộng đồng và doanh nghiệp, khi đó, những sản phẩm du lịch từ “vốn liếng” văn hóa sẽ là cách để “mở cửa” tương lai cho đồng bào Chứt, mang lại sự phát triển bền vững và tạo dựng những giá trị mới từ chính di sản văn hóa của mình.
Diệu Hương
Nguồn: https://www.baoquangbinh.vn/van-hoa/202412/bao-ton-va-phat-huy-gia-tri-van-hoa-dong-bao-chut-bai-3-mo-cua-tuong-lai-2223288/