(QBĐT) – Bên trong những mái nhà sàn ẩn mình giữa đại ngàn Trường Sơn, đồng bào Chứt sở hữu một kho tàng văn hóa quý giá, đậm đà bản sắc. Từ những làn điệu dân ca thấm đẫm tình yêu thiên nhiên, những nghi lễ linh thiêng đến những tập quán gắn bó bền chặt với núi rừng, mỗi yếu tố trong đời sống của người Chứt đều chứa đựng những tri thức tinh túy về thiên nhiên và xã hội.
Độc đáo và ấn tượng
Tại hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào Chứt ở tỉnh Quảng Bình gắn với phát triển du lịch” tổ chức vào tháng 11/2024 vừa qua, nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu đều khẳng định tính đặc sắc, giá trị quý báu của văn hóa truyền thống mà đồng bào Chứt đang sở hữu. Những lời ca, điệu nhạc, phong tục, tín ngưỡng, lễ hội của người Chứt chính là “kho vàng” cần được khai mở và phát huy giá trị.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh Vân, Trường đại học Văn hóa Hà Nội khẳng định, trong lịch sử tồn tại và phát triển, đồng bào Chứt ở Quảng Bình đã xây dựng cho mình một nền văn hóa mang đậm bản sắc núi rừng với nhiều thành tố văn hóa đặc trưng, độc đáo. Nó phản ánh sự thích ứng, sáng tạo của con người với các điều kiện tự nhiên và xã hội, đồng thời thể hiện những khát vọng vươn lên của người Chứt trong cuộc sống.
Kho tàng văn nghệ dân gian của người Chứt khá phong phú, với nhiều làn điệu dân ca, như: Kà tưm, kà lềnh. Trong những ngày quây quần bên nhau cúng lúa mới, người Chứt hát cho nhau nghe bằng tiếng dân tộc mình trong tiếng đàn chơ ra bon. Đây là loại nhạc cụ duy nhất mà đồng bào còn lưu giữ được qua nhiều biến động của lịch sử.
Nhà của người Chứt có tính đặc trưng, phản ánh điều kiện tự nhiên cũng như phong tục tập quán của họ. Người A Rem, Mã Liềng và người Mày ở trong các nhà sàn thì người Sách, người Rục lại gắn liền với nhà trệt. Người Chứt cũng sở hữu các tín ngưỡng, phong tục tập quán khá phong phú. Hiện, đồng bào Chứt ở Quảng Bình tổ chức định kỳ lễ cúng giang sơn với quy mô bài bản của một lễ hội, với ước mong cầu mưa thuận gió hòa.
|
Các nhà nghiên cứu đều cho rằng, dù đối diện với nhiều thách thức, đặc biệt là làn sóng du nhập của văn hóa hiện đại nhưng một số giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào, ở từng nhóm cộng đồng vẫn ít nhiều được lưu giữ, như: Nhà sàn truyền thống, luật tục, tri thức bản địa, vai trò của già làng, trưởng bản, các lễ hội cúng cơm mới, lễ, Tết, các điệu hát, các loại nhạc cụ…
Để đạt được thành quả này là một hành trình dài, trong đó, đồng bào Chứt qua nhiều thế hệ đã kiên trì gìn giữ, bảo tồn và phát huy những di sản mà cha ông để lại. Càng trân trọng hơn khi họ không chỉ phải đối mặt với những khó khăn, thiếu thốn về vật chất, vượt qua những thử thách khắc nghiệt của cuộc sống nhưng vẫn không quên gìn giữ những di sản tinh thần quý báu. Điều đó phản ánh lòng kiên cường và ý chí bền bỉ, là minh chứng cho sự tôn vinh giá trị văn hóa, truyền thống của một dân tộc trong bối cảnh hiện đại đầy biến động.
Đừng để… “vàng” rơi
Dù vậy, như nhiều giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc khác, văn hóa của đồng bào Chứt cũng đang phải đối mặt với nguy cơ bị mai một. Nguy cơ này càng trở nên rõ rệt khi làn sóng văn hóa hiện đại, với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ và truyền thông, ngày càng tác động mạnh mẽ đến đời sống của đồng bào. Các giá trị truyền thống đang dần bị lu mờ dưới ảnh hưởng của những xu hướng văn hóa toàn cầu, khiến cho thế hệ trẻ ít quan tâm và thiếu nhận thức về sự quan trọng của việc gìn giữ bản sắc dân tộc. Nhiều tập quán, phong tục và kỹ năng truyền thống của đồng bào Chứt có nguy cơ bị lãng quên.
|
Bên cạnh những kết quả bước đầu đạt được, công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc Chứt trên địa bàn tỉnh gắn với phát triển du lịch cũng chưa tương xứng với bề dày lịch sử và các giá trị văn hóa của địa phương. Điều đó đặt ra yêu cầu cấp thiết trong việc bảo vệ, duy trì và phát triển những di sản quý báu.
Dân tộc Chứt gồm 5 nhóm tộc người: Sách, Mày, Rục, A Rem, Mã Liềng. Dân tộc Chứt ở Quảng Bình có khoảng 1.860 hộ với hơn 7.800 nhân khẩu, chiếm khoảng 2,3% dân số của tỉnh. Người Chứt sinh sống chủ yếu ở các xã vùng sâu, biên giới, nơi có điều kiện tự nhiên, kinh tế-xã hội hết sức khó khăn, như: Tân Trạch (Bố Trạch); Thượng Hóa, Hóa Sơn, Dân Hóa, Trọng Hóa… (Minh Hóa); Thanh Hóa, Lâm Hóa (Tuyên Hóa).
|
Cô gái trẻ Cao Thị Hai ở bản Yên Hợp, xã Thượng Hóa, (Minh Hóa) lớn lên bằng chính những làn điệu ru con truyền thống của mẹ, của dì. Nhưng lâu dần, những làn điệu ấy dần vắng bóng trong đời sống tinh thần của đồng bào quê hương cô. Như Hai chia sẻ, đã có lúc cô quên mất sự hiện diện của làn điệu hát ru ngọt ngào ấy. Chỉ đến khi tham gia lớp tập huấn, truyền dạy các loại hình văn hóa phi vật thể của đồng bào Chứt do Sở Văn hóa và Thể thao tổ chức, cô mới lại được nghe và được hát chính điệu hát ru ngày cũ. “Tôi thấy tự hào khi hát bằng tiếng đồng bào mình, dù so với những bài hát khác, hát ru khó hơn rất nhiều”, Hai chân tình.
Cảm giác tự hào ấy không chỉ là của riêng cô, mà của cả một thế hệ, một cộng đồng đang cố gắng giữ gìn những giá trị văn hóa. Đó chính là những “mỏ vàng” quý giá, nếu không hành động kịp thời và cụ thể, những giá trị ấy sẽ dần bị lãng quên. Việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa của đồng bào không phải là trách nhiệm của riêng một cá nhân, mà là nghĩa vụ chung của cả cộng đồng.
Diệu Hương
Bài 2: Hành trình từ vỏ cây đến… sắc vải
Nguồn: https://www.baoquangbinh.vn/van-hoa/202412/bao-ton-va-phat-huy-gia-tri-van-hoa-dong-bao-chut-bai-1-kho-vang-ben-day-truong-son-2223240/