(QBĐT) – Cả nước hiện có hơn 30 di sản liên quan đến ẩm thực được công nhận là di sản văn hóa (DSVH) phi vật thể cấp quốc gia. Quảng Bình có nền văn hóa ẩm thực phong phú cùng không ít làng nghề truyền thống liên quan đến ẩm thực có tiếng vang lâu đời, tuy nhiên, vẫn vắng bóng trong danh sách này. Thời gian qua, phát triển du lịch trong đó có văn hóa ẩm thực đang rất được tỉnh quan tâm, minh chứng qua các lễ hội, hội thi ẩm thực, tuần văn hóa-du lịch… Vậy, bao giờ tỉnh sẽ có một mỹ vị xứng đáng được gọi tên?
Nếu cháo bánh canh là một trong những món ăn được nhiều người biết “tiếng” khi ghé thăm Quảng Bình, thì cháo canh Ba Đồn là cái tên nổi bật trong muôn hình vạn trạng của cháo canh xứ “gió Lào cát trắng”. Cũng từ cá, từ bột gạo, từ các gia vị quê hương, nhưng cháo canh Ba Đồn gói trọn trong đó cả một truyền thống ẩm thực lâu đời truyền qua nhiều thế hệ, để một món ăn giản dị, mộc mạc thời gian khó vẫn có chỗ đứng vẹn nguyên và còn được yêu thích, lan tỏa, trao truyền đến tận ngày nay.
Trong bài ký “Cháo canh Ba Đồn”, tác giả Phạm Phú Thép đã kể câu chuyện xuất xứ của món ăn này nhẹ nhàng, sâu lắng: “Ba Đồn, nơi tôi sinh ra lớn lên là một làng quê trù mật, ôm bờ bắc sông Gianh. Mảnh làng này đã có lịch sử trên ba trăm năm. Làng Phan Long xưa thị trấn Ba Đồn nay có năm “báu vật” làm nên “quốc hồn quốc túy” của vùng đất này. Đó là chợ Ba Đồn, đình làng Phan Long, nước Giếng Cau, rượu Tượng Sơn và cháo canh Ba Đồn”. Món ăn vốn xuất xứ từ người nghèo với nguyên liệu thô sơ chỉ có gạo và cá, mà cá càng tanh cháo lại càng ngon, qua bàn tay chế biến của người phụ nữ tần tảo, không hiểu sao lại thơm ngon, đáng nhớ đến vậy. Phải chăng chính sự tinh túy của đất trời, sự chăm chút, lo toan của người nấu và cả bề dày truyền thống của mảnh đất này đã tạo nên một món ngon khó cưỡng.
|
Cháo canh Ba Đồn cũng phải đi kèm với ram Ba Đồn. Cũng nguyên liệu, cách làm giống như những nơi khác, nhưng ram Ba Đồn ăn kèm cháo canh Ba Đồn vẫn tạo nên sự khác biệt để ai một lần thưởng thức cũng dễ dàng nhận ra ngay nếu có cơ duyên hội ngộ. Đó có thể là do từ hương vị, từ bánh đa nem, từ nguồn nước hay từ chính cách làm, cách rán ram…, hoặc cũng có thể là do món ăn đó từ chính tay người Ba Đồn làm ra? Sắp tới, tác giả Phạm Phú Thép dự định sẽ tập hợp những món ăn ngon, độc đáo của Ba Đồn trong tuyển tập “Món ngon Ba Đồn”, dự kiến sẽ xuất bản trong năm 2025. Kỳ vọng từ đây, nhưng món ngon của vùng đất ven bờ sông Gianh, trong đó, có cháo canh Ba Đồn, sẽ được biết đến nhiều hơn và thêm nhiều cơ hội để được tôn vinh di sản.
Bên cạnh đó, ẩm thực đồng bào dân tộc thiểu số của Quảng Bình cũng là một “ẩn số” khó quên trên hành trình khám phá, trải nghiệm của du khách. Người Bru-Vân Kiều vốn có món bánh truyền thống A-dơ độc đáo, truyền đời từ thế hệ này sang thế hệ khác, nhưng đã bị mai một và dần ít xuất hiện. Nhưng nay, với nỗ lực phát triển du lịch cộng đồng và sự hỗ trợ từ các chương trình, dự án, món bánh này đã “trở lại”. Vừa qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã tổ chức ra mắt mô hình “tổ du lịch văn hóa cộng đồng-phụ nữ Bru-Vân Kiều” tại bản Hà Lẹc (xã Kim Thủy, Lệ Thủy), trong đó, việc giới thiệu cách làm món bánh A-dơ là một hoạt động trải nghiệm đáng nhớ.
Chị Hồ Thị Hà, tổ trưởng tổ du lịch chia sẻ, bánh A-dơ nhìn qua thì cứ tưởng đơn giản, nhưng để ra thành phẩm lại qua nhiều công đoạn, mất không ít thời gian, công sức. Gạo nếp nương được lựa chọn kỹ, ngâm nhiều tiếng đồng hồ qua đêm. Sau đó là đến công đoạn hong xôi chín đều và đưa vào cối giã nhuyễn, giã càng lâu bánh càng dẻo, càng mịn, vừa giã vừa rắc mè đen đã được rang chính. Bên cối giã, phụ nữ Bru-Vân Kiều chuyện trò râm ran, tiếng nói, tiếng cười sáng bừng góc nhà sàn, nhiều bài dân ca của đồng bào cũng được hát lên, vui tươi, hồn nhiên. Sau khi giã xong, bánh được giàn trên chiếc mâm đã rải sẵn mè đen, bánh thành phẩm sẽ được cắt thành từng miếng nhỏ. Còn nếu muốn mang bánh đi xa, sẽ có thêm lá chuối để gói bánh cho du khách.
Theo Chi hội trưởng Chi hội văn nghệ dân gian Việt Nam tỉnh Quảng Bình Đặng Thị Kim Liên, Quảng Bình có nhiều tri thức dân gian, làng nghề về ẩm thực mang bản sắc độc đáo, nhiều tiềm năng để khai thác, nhưng rất cần có sự hỗ trợ kịp thời để nghiên cứu, tìm hiểu và không bỏ lỡ cơ hội bảo tồn, phát huy. Sắp tới, chi hội có dự định thực hiện nghiên cứu tri thức dân gian về các làng nghề truyền thống Quảng Bình, có thể sẽ liên quan đến ẩm thực. |
Theo chị Hồ Thị Hà, bánh A-dơ trước đây chỉ làm vào dịp lễ, Tết, cưới hỏi… hay khi có khách quý đến nhà. Du khách chính là khách quý của bản nên đều được tặng bánh A-dơ ăn thử hoặc mang về. Món ăn này vừa gói trọn những nông sản, tinh túy từ đất trời của bà con Bru-Vân Kiều, cách thức chế biến đơn sơ, mộc mạc vừa gửi gắm tình cảm của đồng bào đối với du khách gần xa. Ngoài cách ăn truyền thống, bánh có thể được rán giòn với vị rất ngon, hấp dẫn thực khách, ăn một lần là nhớ mãi. Câu chuyện văn hóa gói trọn trong mỗi miếng bánh A-dơ chính là “di sản” rất cần được bảo tồn và giới thiệu rộng rãi.
Ngoài những món ăn truyền thống có bản sắc và sức sống bền lâu trong cộng đồng, Quảng Bình còn có nhiều làng nghề truyền thống liên quan đến ẩm thực vẫn còn được bảo tồn vẹn nguyên cho đến ngay nay, như: Làng nghề bánh tráng Tân An, các làng nghề nước mắm ở xã Cảnh Dương (Quảng Trạch), xã Bảo Ninh (TP. Đồng Hới), xã Nhân Trạch (Bố Trạch)… Tỉnh cũng đã có 13 DSVH phi vật thể quốc gia được công nhận. Do đó, cơ hội về các di sản liên quan đến ẩm thực được gọi tên cũng rất rộng mở, quan trọng là chúng ta có được kế hoạch và chiến lược kịp thời, dài hơi cũng như các giải pháp bảo tồn, phát huy hiệu quả. Đây cũng là “chìa khóa vàng” để phát triển du lịch địa phương, nhất là du lịch tìm hiểu lịch sử-văn hóa, du lịch cộng đồng…, bởi “câu chuyện” về ẩm thực luôn có sức hút mạnh mẽ.
Mai Nhân
Nguồn: https://www.baoquangbinh.vn/van-hoa/202501/bao-gio-quang-binh-co-di-san-phi-vat-the-cap-quoc-gia-ve-am-thuc-2223541/