(QBĐT) – Là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và tàn phế trên thế giới và tại Việt Nam, bệnh đột quỵ gần đây đang có xu hướng gia tăng và ngày càng trẻ hóa. Tỉnh Quảng Bình cũng không phải là ngoại lệ, khi số bệnh nhân đột quỵ nhập viện cấp cứu gia tăng.
Gia tăng và trẻ hóa bệnh đột quỵ
Ngày 14/1/2025, chị Nguyễn Thị Th. H. (35 tuổi) ở phường Nam Lý (TP. Đồng Hới) bị ngất và ngã quỵ khi đang làm việc. Ngay khi khởi phát bệnh, bệnh nhân đã nhanh chóng được đưa đến Khoa Cấp cứu, Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới (HNVN-CBĐH), được chẩn đoán là nhồi máu não và chỉ định phương pháp kéo huyết khối cơ học. Rất may, nhờ phát hiện sớm, điều trị kịp thời, bệnh nhân đã phục hồi, ra viện mà không để lại di chứng nào.
Ông Trần H. M. (77 tuổi) ở xã Văn Hóa (Tuyên Hóa) bị suy tim, trước đây đã từng bị tai biến mạch máu não, điều trị ở Bệnh viện đa khoa khu vực Bắc Quảng Bình và có dấu hiệu phục hồi cơ bản, được xuất viện về nhà. Sau đó, ông bị đột quỵ trở lại. “Sau khi vào Bệnh viện HNVN-CBĐH ngày 31/12/2024 khi bị xuất huyết não, tràn máu diện rộng, các bác sĩ chỉ định mổ gấp. Ca mổ thành công và ba em đã có dấu hiệu phục hồi, bắt đầu có thể nhận biết, nói chuyện, đã nuốt được…”, chị Trần Thị Th. H., con gái ông M chia sẻ.
|
Theo thông tin từ Bệnh viện HNVN-CBĐH, năm 2024, có 2.310 bệnh nhân đột quỵ não nhập viện cấp cứu tại bệnh viện, gồm: 1.326 ca bị nhồi máu não (chiếm 57%), 931 ca xuất huyết não (40%) và 53 ca bị xuất huyết do vỡ phình mạch não (3%). Độ tuổi trung bình bị đột quỵ là 70 tuổi. Đặc biệt, những năm gần đây, tỷ lệ người trẻ bị đột quỵ gia tăng, riêng năm 2024 có 162 ca ở độ tuổi dưới 45.
Tại sao còn trẻ khỏe vẫn bị đột quỵ?
Đó là câu hỏi nhiều người đặt ra mỗi lần nghe được thông tin về những ca bệnh đột quỵ, thậm chí là tử vong khi tuổi đời còn rất trẻ. Một vài nguyên nhân cũng được người dân tự phỏng đoán, đưa ra để lý giải cho tình trạng trên. Vậy đâu là nguyên nhân chính?
Bác sĩ CKII. Nguyễn Đại Việt Đức, Trưởng khoa Hồi sức tích cực và Chống độc, Bệnh viện HNVN-CBĐH cho rằng, trước hết phải hiểu đột quỵ hay tai biến mạch máu não là tình trạng lưu lượng máu đến não bị gián đoạn, khiến tế bào não thiếu oxy và glucose, dẫn đến tổn thương và chết tế bào não.
Theo bác sĩ Đức, dù ở người trẻ hay lớn tuổi, đột quỵ luôn có nguyên nhân gây ra, đặc biệt là bệnh nhân mắc các bệnh nền, một người khỏe mạnh không thể tự nhiên mà bị đột quỵ. Các yếu tố nguy cơ chính gây nên bệnh đột quỵ bao gồm: Tăng huyết áp, bệnh tim mạch; đái tháo đường, rối loạn mỡ máu; hút thuốc lá, lạm dụng rượu, bia; béo phì, lối sống ít vận động; tiền sử gia đình có người bị đột quỵ.
Ngoài ra, còn những yếu tố khác, như: Thời tiết thay đổi đột ngột, áp lực công việc, tâm lý,… Đang trẻ mà vẫn bị đột quỵ là do người đó mắc các bệnh nền sớm hơn, có các yếu tố nguy cơ cao hơn. Bởi vậy, ở độ tuổi nào, chúng ta cũng cần quan tâm, kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện các yếu tố nguy cơ gây đột quỵ và duy trì chế độ ăn uống, sinh hoạt điều độ…
Đối với những người có bệnh nền, có nguy cơ đột quỵ cao, có thể điều trị dự phòng: Điều trị dự phòng tiên phát cho những người chưa từng bị đột quỵ lần nào nhưng có bệnh nền và dự phòng thứ phát đối với những người đã từng bị đột quỵ. Cả hai cấp này đều theo cách như nhau là kiểm soát, điều trị các bệnh nền, đưa về trạng thái bình thường và thay đổi lối sống, chế độ ăn, tập thể dục đúng cách,…
|
Phát hiện sớm, điều trị kịp thời
Nếu không điều trị kịp thời, bệnh đột quỵ có thể gây tử vong hoặc để lại nhiều di chứng nặng nề. Bác sĩ CKI. Hoàng Minh Huy, Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc, Bệnh viện HNVN-CBĐH lưu ý có các dấu hiệu để nhận biết nhanh đột quỵ, gồm: Người bệnh bị méo miệng, biểu hiện rõ khi cười, há miệng; bị yếu liệt tay chân; ngôn ngữ bất thường;…
Ngoài ra, có một số dấu hiệu khác, như: Đau đầu dữ dội không rõ nguyên nhân; mất thị lực hoặc nhìn mờ đột ngột; chóng mặt, mất thăng bằng hoặc ngất xỉu… Khi xuất hiện bất kỳ các triệu chứng trên, người nhà cần gọi cấp cứu 115 hoặc nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế có khả năng điều trị đột quỵ.
Với những thành công của đội ngũ y bác sĩ trong cấp cứu điều trị đột quỵ, Bệnh viện HNVN-CBĐH đã được Hội Đột quỵ thế giới trao chứng nhận đạt tiêu chuẩn vàng năm 2022. |
Hiện, Bệnh viện HNVN-CBĐH đã triển khai đầy đủ các phương pháp kỹ thuật cao, hiện đại nhất trong điều trị bệnh đột quỵ hiện nay, như: Tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch và kéo huyết khối cơ học đối với bệnh nhân đột quỵ nhồi máu não; phẫu thuật mở sọ lấy máu tụ, tiêu sợi huyết não thất, phẫu thuật kẹp clip hay nút mạch bằng coil đối với điều trị xuất huyết não, vỡ phình mạch não… Năm 2024, bệnh viện đã thực hiện 115 ca phẫu thuật áp dụng các phương pháp kỹ thuật cao. Cùng đó, Bệnh viện đa khoa khu vực Bắc Quảng Bình cũng thực hiện được kỹ thuật tiêu huyết khối trong điều trị bệnh đột quỵ nhồi máu não.
“Đối với bệnh đột quỵ nhồi máu não, cần đặc biệt lưu ý về “giờ vàng” trong điều trị: 4, 5 giờ từ khi khởi phát triệu chứng đến khi điều trị với phương pháp sử dụng thuốc tiêu huyết khối và 6 giờ với phương pháp kéo huyết khối. Quá các khung giờ đó, các biện pháp điều trị tái thông mạch não không thực hiện được. Bởi vậy, khi phát hiện các dấu hiệu của đột quỵ, cần nhanh chóng đưa bệnh nhân nhập viện cấp cứu càng sớm, càng tốt, không nên mất thời gian vào những việc như bấm huyệt hay chích nặn máu 10 đầu ngón tay,… vì sẽ làm chậm trễ thời gian vàng để bệnh nhân được điều trị kịp thời, hiệu quả, bởi mỗi phút trôi qua, có khoảng 2 triệu tế bào thần kinh bị chết”, bác sỹ Nguyễn Đại Việt Đức khuyến cáo.
Hương Lê
Nguồn: https://www.baoquangbinh.vn/suc-khoe/202502/canh-bao-xu-huong-gia-tang-va-tre-hoa-benh-dot-quy-2224331/