(QBĐT) – Giêng hai về, trời đất như chùng lại, lặng lẽ đón những đợt gió lạnh cuối mùa. Ở quê tôi, những cánh đồng mướt mát còn vương chút hơi ẩm của mùa đông đang khẽ rùng mình đón ánh nắng đầu xuân. Làng như bừng tỉnh sau giấc ngủ dài, mang theo hương vị của đất, của nước, của lòng người khao khát một khởi đầu mới. Giêng hai về, trời đất như chùng lại, lặng lẽ đón những đợt gió lạnh cuối mùa.
“Tháng giêng rét đài, tháng hai rét lộc” cái lạnh không còn cắt da cắt thịt như những ngày đông giá buốt, nhưng vẫn đủ để khiến người ta phải co ro trong tấm áo bông. Buổi sáng tháng giêng, mặt trời trễ nải ló rạng, những tia nắng đầu tiên mỏng manh như dải lụa vắt qua những ngọn cây. Làn sương vẫn lơ đãng giăng đầy mặt ao, quấn quanh từng mái nhà, ôm lấy những hàng cau cao vút. Cái rét đài của tháng giêng như người khách cuối cùng của mùa đông, còn luyến tiếc chưa muốn rời đi, nhưng cũng không quên khẽ khàng nhường bước cho sắc xuân len lỏi về làng.
Sang tháng hai, trời đất dần ấm lên, nhưng cái rét lộc lại làm đôi tay, đôi chân lạnh buốt mỗi khi chạm vào sớm mai còn đọng đầy sương. Những chồi non, lộc biếc bắt đầu nhú lên, như dấu hiệu của sự sống mới. Trong cái rét lộc ấy, mẹ thường bảo: “Rét thế này mới là lúc cây cối bật mầm, người làng ta cũng chăm chỉ thêm phần”. Giữa cái rét còn sót lại ấy, quê hương tôi khoác lên mình một vẻ đẹp thanh khiết, nhẹ nhàng mà đầy sức sống.
|
Những ngày ấy, từ tờ mờ sáng, cả làng đã rộn rã tiếng người gọi nhau í ới, tiếng trống hội từ đình làng vang vọng khắp nơi, thôi thúc những đôi chân háo hức chạy về phía bãi hội. Tôi vẫn nhớ cái cảm giác hồi hộp khi được mẹ mặc cho bộ quần áo mới tinh, đi theo bà nội đến lễ hội làng. Mùi khói nhang nghi ngút hòa với mùi của đất trời khiến không khí vừa thiêng liêng vừa gần gũi.
Ngày hội làng thường mở màn bằng lễ rước long trọng. Những lá cờ ngũ sắc tung bay trong gió, từng đoàn người mặc áo dài, khăn xếp nối nhau bước đi trang nghiêm. Tôi lẽo đẽo theo chân bà, mắt háo hức nhìn từng chiếc kiệu lấp lánh được trang trí công phu. Đoàn rước đi qua những cánh đồng xanh ngát, men theo con đường làng quanh co, và trở về đình làng-nơi các cụ cao niên đang kính cẩn làm lễ, dâng hương cầu an.
Nhưng điều tôi mong chờ nhất không phải là nghi lễ, mà là hội. Khi tiếng trống dứt, cả sân đình bỗng chốc biến thành một sân khấu sống động. Những trò chơi dân gian như cướp cờ, kéo co, đua thuyền hay đấu vật thu hút đông nghịt người đứng xem, tiếng reo hò vang cả góc trời. Mấy đứa trẻ chúng tôi thì mê mải với trò bịt mắt bắt dê hay leo cột mỡ, vừa chơi vừa cười ngặt nghẽo.Tôi nhớ nhất những đêm hội, khi cả làng quây quần bên đống lửa lớn, nghe các cụ kể chuyện cổ tích hay những bài hát chầu văn ngân nga. Ánh lửa bập bùng soi rõ từng gương mặt rạng rỡ, tiếng cười hòa lẫn tiếng gió đêm khiến lòng người thêm ấm áp.
Ngày bé, tôi thích nhất những ngày giêng hai. Đó là khi bếp nhà ngoại luôn đỏ lửa, mẹ tất bật gói những chiếc bánh ú, bánh tét nho nhỏ để quay lại chợ đi bán sau thời gian nghỉ Tết. Tôi lẽo đẽo bên mẹ, đôi bàn tay nhỏ xíu còn vụng về quấn dây lạt quanh những chiếc bánh xanh thơm mùi lá chuối. Mỗi lần gói xong, mẹ lại xoa đầu tôi cười: “Lớn thêm chút nữa, con sẽ khéo tay như mẹ.”
Những ngày giêng hai còn là thời khắc ông nội khơi lại lò để nấu mẻ mứt gừng cay ngọt. Cả góc sân nhỏ phủ đầy khói bếp, thơm mùi gừng quyện đường vàng sóng sánh. Mấy đứa trẻ chúng tôi ngồi vây quanh, cầm từng miếng mứt còn nóng hổi, vừa nhai vừa xuýt xoa. Đó là những ngày mà sự ấm áp như ngấm vào lòng, khiến tôi mãi khắc ghi.
Giêng hai nay, tôi lớn hơn, rời xa quê hương để bươn chải giữa thành phố. Nhưng những ngày đầu năm mới, lòng tôi vẫn hướng về miền ký ức ấm áp ấy. Là khung cảnh bà ngồi khâu áo bên hiên, mẹ mỉm cười bên nồi bánh thơm, và tiếng nói cười lanh lảnh của mấy chị em quanh bàn cơm ngày Tết để rồi mỗi lần nhớ về, tim tôi lại dịu dàng đến lạ thường…
Linh Châu
Nguồn: https://www.baoquangbinh.vn/van-hoa/202502/thuong-nho-gieng-hai-2224332/