(QBĐT) – Sau khi gửi đơn cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy (BTVTU) tự nguyện xin nghỉ hưu trước tuổi theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW, đồng chí Cao Văn Định, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy dành thời gian trao đổi cùng phóng viên (PV) Báo Quảng Bình về những vấn đề liên quan đến quyết định này.
Tất cả vì sự nghiệp chung
PV: Thưa đồng chí Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, đây có phải là một quyết định khó khăn nhất?
Đồng chí Cao Văn Định (cười): Ngược lại… hoàn toàn không một chút khó khăn nào cả. Tôi nhớ, trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” Bác Hồ viết tại chiến khu Việt Bắc năm 1947 với bút danh X.Y.Z có dạy rằng: Người đảng viên, người cán bộ tốt muốn trở nên người cách mạng chân chính, không có gì là khó cả. Điều đó hoàn toàn do lòng mình mà ra. Lòng mình chỉ biết vì Đảng, vì Tổ quốc, vì đồng bào thì mình sẽ tiến đến chỗ chí công vô tư. Mình đã chí công vô tư thì khuyết điểm sẽ ngày càng ít, mà những tính tốt sẽ ngày càng thêm… Khi mọi quyết định đều xuất phát từ tinh thần “chí công vô tư” thì sẽ không còn khó khăn, dù là nhỏ nhất.
|
PV: Nhưng nếu có một quyết định khác. Tôi xin phép nhấn mạnh từ “nếu”. Đồng chí có cho rằng mình sẽ trở thành một “rào cản”?
Đồng chí Cao Văn Định: Hoàn toàn không! Tôi sinh năm 1966, căn cứ theo chế độ, sẽ còn 3 năm nữa mới về hưu. Hiện tại, tôi vẫn còn sức khỏe, lòng nhiệt huyết, giàu kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực tuyên giáo. Nếu chọn ở lại thì vẫn luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ Đảng, nhân dân giao. Nhưng nói đi thì cũng phải nói lại, tôi suy nghĩ sự nghiệp cách mạng là sự nghiệp chung của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, như một dòng chảy không ngừng nghỉ. Là cán bộ, đảng viên, người đứng đầu, tôi xác định rõ vị trí của mình trong dòng chảy đó để biết dừng đúng lúc, tạo cơ hội cho người trẻ, người tài, đức kế thừa, phát triển.
Nhiều cán bộ, đảng viên giống tôi, thời gian công tác hàng chục năm, luôn hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, vẫn còn tâm tư tình cảm muốn cống hiến và sẵn sàng cống hiến, nhưng vì sự nghiệp chung của Đảng, Nhà nước khi thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW tự nguyện viết đơn xin nghỉ hưu trước tuổi với suy nghĩ đơn giản “đặt lợi ích quê hương, đất nước, dân tộc lên trên hết, trước hết” để “cuộc cách mạng” tinh gọn bộ máy tổ chức hệ thống chính trị tỉnh nhà tiến hành thông suốt, đạt kết quả cao.
|
Công tác tuyên giáo luôn đồng hành cùng sự nghiệp đổi mới quê hương, đất nước
PV: Với vai trò là người đứng đầu, đồng chí có thể đánh giá lại những kết quả của ngành Tuyên giáo thời gian qua?
Đồng chí Cao Văn Định: Trong tiến trình cách mạng của quê hương, đất nước, ngành Tuyên giáo luôn đóng vai trò “đi trước mở đường”, “đi cùng phát triển”, “đi sau tổng kết”. Đội ngũ những người làm công tác Tuyên giáo chủ động, tích cực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động tuyên truyền, phổ biến sâu rộng, nâng cao nhận thức, hành động cho cán bộ, đảng viên và sự đồng thuận của nhân dân, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành các nhiệm vụ chính trị. Ngành Tuyên giáo để lại rất nhiều dấu ấn đậm nét, được các cấp ủy đảng, chính quyền, nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.
PV: Đồng chí nhắc đến “dấu ấn” của ngành Tuyên giáo. Chắc chắn từng kết quả đạt được đều gắn với vai trò cá nhân của đồng chí với cương vị là người đứng đầu?
Đồng chí Cao Văn Định: Ở đây, tôi muốn đề cập đến mối quan hệ biện chứng giữa “tập thể lãnh đạo”, “cá nhân phụ trách”, vì vậy, thành tích đạt được là thành tích chung của toàn ngành Tuyên giáo.
Dấu ấn đậm nét nhất, có sức lan tỏa sâu rộng nhất là Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tham mưu cho BTVTU tiếp tục tuyên truyền, vận động toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong Đảng, hệ thống chính trị và nhân dân.
|
Trong thời gian qua, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tham mưu Thường trực Tỉnh ủy tổ chức thành công việc học tập, quán triệt và thực hiện chuyên đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên gương mẫu, tận tâm, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới vì sự phát triển của quê hương, đất nước” cho toàn Đảng bộ tỉnh. Đây là chuyên đề mà ngành Tuyên giáo suy nghĩ, trăn trở, dành nhiều tâm huyết, xuất phát từ thực tiễn và phù hợp với tình hình hiện nay.
Ngành Tuyên giáo cũng để lại nhiều dấu ấn, tạo sự đồng thuận của cán bộ, đảng viên và nhân dân trên các công trình, dự án trọng điểm của tỉnh, quốc gia, như: Thủy lợi Rào Nan, đường bộ cao tốc Bắc-Nam, Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch I, đường ven biển và cầu Nhật Lệ 3, khu công nghiệp cảng biển Hòn La…
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp tổ chức thành công các sự kiện lớn của quê hương, đất nước, như: Triển khai thực hiện phim tư liệu dài tập Lịch sử Đảng bộ tỉnh Quảng Bình. Hoàn thành phim tài liệu tuyên truyền kỷ niệm 420 năm hình thành tỉnh Quảng Bình, 75 năm Ngày Quảng Bình quật khởi và 35 năm Ngày tái lập tỉnh; sưu tầm, khai thác, hệ thống hóa các nguồn tư liệu, tài liệu phục vụ biên soạn Lịch sử Đảng bộ tỉnh Quảng Bình, tập IV, giai đoạn 2000-2020. Đặc biệt, phối hợp tổ chức thành công các cuộc hội thảo khoa học cấp quốc gia, cấp Bộ Quốc phòng về Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp; Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên; Thiếu tướng Hoàng Sâm, Đội trưởng Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân…
Tôi nhấn mạnh và đề cao vai trò của lĩnh vực báo chí tuyên truyền đối với sự phát triển của quê hương đất nước. Ngoài chức năng định hướng, thì Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy trở thành cầu nối “ý Đảng, lòng dân”, gắn kết hoạt động báo chí với thực tiễn đời sống, xã hội của tỉnh nhà. Luôn coi báo chí là lực lượng nòng cốt công tác Tuyên giáo, thường xuyên kết nối giữa cấp ủy đảng các cấp với các cơ quan báo chí trên địa bàn.
Luôn tin tưởng, kỳ vọng vào đội ngũ cán bộ trẻ
PV: Trở lại với câu chuyện sắp xếp, tinh gọn bộ máy hệ thống chính trị “Tinh-Gọn-Mạnh-Hiệu năng-Hiệu lực-Hiệu quả” theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW, tại tỉnh Quảng Bình có rất nhiều cán bộ lãnh đạo thuộc diện BTVTU quản lý tự nguyện xin về hưu trước tuổi trong đó có đồng chí. Đây có phải là một “hiệu ứng” xã hội?
Đồng chí Cao Văn Định: Không phải như vậy! Như tôi đã đề cập, sự nghiệp cách mạng là sự nghiệp chung của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, như một dòng chảy không ngừng nghỉ, thế hệ sau kế thừa, phát huy truyền thống thế hệ đi trước.
|
Ở đây, chúng ta cần nhìn nhận hành động tự nguyện của những cán bộ xin về hưu trước tuổi ở hai phương diện:
Thứ nhất, chúng tôi đã đặt “lợi ích quê hương, đất nước, dân tộc lên trên hết, trước hết”, biết hy sinh lợi ích cá nhân để “cuộc cách mạng” tinh gọn bộ máy tổ chức hệ thống chính trị của tỉnh Quảng Bình tiến hành thông suốt, đạt kết quả cao.
Thứ hai và quan trọng nhất, chúng tôi luôn tin tưởng, kỳ vọng vào đội ngũ cán bộ trẻ có năng lực, trình độ, bản lĩnh chính trị vững vàng, “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm”. Chúng tôi về hưu trước tuổi để tạo ra nhiều cơ hội phát triển cho đội ngũ cán bộ trẻ này và luôn luôn tin tưởng, hy vọng sự kế thừa hiệu quả từ họ, sớm đưa Quảng Bình trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực Bắc Trung bộ và đến năm 2030 trở thành một nền kinh tế năng động của miền Trung, góp phần cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
P.V: Xin chân thành cảm ơn đồng chí Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã dành cho Báo Quảng Bình buổi trò chuyện chân tình, cởi mở này!
Đồng chí Cao Văn Định sinh năm 1966, quê quán xã Trung Hóa, huyện Minh Hóa. Trình độ lý luận chính trị: Cao cấp; trình độ học vấn: Cử nhân Xây dựng Đảng và chính quyền Nhà nước, Tiến sĩ Sử học. Hiện tại là UVBTV, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Bình. Đồng chí Cao Văn Định xin nghỉ hưu trước tuổi thể hiện tinh thần gương mẫu của người lãnh đạo trong thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TWcủa Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, tạo cơ hội cho đội ngũ cán bộ trẻ phát huy năng lực, kế thừa, tiếp nối những nhiệm vụ quan trọng của ngành Tuyên giáo trong giai đoạn mới.
|
Ngô Thanh Long (thực hiện)
Nguồn: https://www.baoquangbinh.vn/chinh-tri/202502/luon-giu-tinh-than-chi-cong-vo-tu-se-khong-con-kho-khan-du-la-nho-nhat-2224293/