(QBĐT) – Chẳng còn bao lâu nữa cái Tết sẽ về. Tôi lắng lòng nghe tiếng thời gian đang rơi đều bên khung cửa sổ. Mà chẳng xa lạ gì, thời gian luôn cũ rích, chỉ có hồn người biến động cùng thời tiết với những cơn mưa lạnh giá đang trùm lên vạn vật. Con đường dọc bờ Kiến Giang ngủ đông, những thảm lá vàng úa, mục rã dưới mưa đùn lên những lỗ nhỏ dễ thương. Từ đây, đất đai vỡ vàng sau trận lụt đầu tháng 11 cũng như con người nhận ra bao đổi thay theo tháng năm già muộn.
Những đụn phù sa từ thượng nguồn đến hạ nguồn dòng Kiến Giang tích tụ trong mắt của người già suốt cơn lạnh cuối năm. Phù sa kể chuyện về mùa mưa năm nay đổi khác. Phù sa thầm thỉ cho dòng sông nghe về cánh đồng xanh mướt, bình yên, kể cho cơn mưa nghe về phía các ngôi làng ngập lụt.
Nỗi buồn không hề mới nhưng nó tựa cửa mùa đông, theo gió đi ra biển khơi cùng tâm tư thầm kín. Hàng cây rùng mình, trút những chiếc lá cuối cùng còn sót lại trong cơn mưa giăng mắc gợi trong tôi ngày theo mẹ ra đồng cấy lúa. Cái lạnh lùa vào gương mặt ướt nhèm. Gánh mạ cong cong trên con đường bì bõm ra ruộng. Mẹ với mưa bay và giọt mồ hôi rơi xuống bùn non mới nhú. Thửa ruộng thẳng tắp, hàng lúa mới cấy chao nghiêng trong tấm áo mưa ướt sũng.
|
Mẹ tôi bảo, lúa thẳng hàng vì tay người cấy lúa, ruộng lúa tốt tươi nhờ phù sa. Phù sa làm giàu đồng lúa nhưng lũ lụt khiến niềm vui vơi đi. Mưa nhiều, sông đầy nên đẩy đưa tình người theo con nước mênh mang. Nói rồi, mẹ tôi vốc nắm bùn lên ngắm nghía, mùi phù sa phả đều lên từng thớ thịt, se tròn ký ức xa xăm.
Mà thật lạ, đất đai thơm mùi rạ rơm, mùi bản xứ lan dần vào con đường mùa xuân làm ngất ngây những bờ cỏ dại đang chen chúc dưới con kênh nhiều cá tôm tung quẫy. Đất đai vào mùa này hứng giọt tinh anh của đất trời. Cái rét làm chồi non e ấp, co mình lại nhưng nó là tri kỷ của miền thơ.
Không còn gót chân trắng hồng của các cô thôn nữ ngồi giặt áo bên sông. Đến ngày nào đó cơn mưa sẽ vẽ lại nét quê bằng thứ tình yêu mắc cạn trong trí nhớ. Gió ngả nghiêng theo hơi thở tỏa khói trong đôi mắt huyền bí của câu hò khoan nhân nghĩa: “Mùa xuân về rộn ràng đồng lúa/Nắng lung linh vẽ bức tranh làng/Cánh cò trắng lượn quanh đám ruộng/Gió đẩy mây trôi nhẹ dịu dàng/Phù sa thắm chồi xanh lúa trổ/Bông lúa ngời trong giấc mơ/Người quê ta hát câu yêu đất/Xuân ấm nồng, xuân thắm hân hoan”.
Đó là câu hát xa xưa về mái tranh nghèo cùng những bãi bồi phù sa ngoài lũy tre chống lụt, bảo vệ làng xóm khi mùa mưa bão đến. Giờ đây ký ức xưa thành nốt tiêu sơ trong cái vội vã đất trời vào xuân. Nhưng bức tường bê tông và các nhà xây cao tầng đã thay đổi tất cả. Cũng làng xóm ấy song tìm mùi hương bồ kết, mùi hoa bưởi nguyên sơ không còn nữa. Rồi các vạt hoa dại bên dòng Kiến Giang cũng bay đi đâu mất. Cái bình hoa nhà tôi toàn cắm hoa hồng, hoa ly, hoa cẩm chướng, thậm chí cái ấm trà đất xưa cũng thành vật cổ trang trí để đau đáu hoài niệm.
Chưa đến giao thừa song tôi nghe lưng chừng tiếng của vạn vật đang chuyển giao thời khắc. Dòng người tất bật cuối năm với bao nghĩ vợi về năm cũ, năm mới. Bao tính toan, chộn rộn đều theo gió bay đi. Nhìn người đi sắm Tết, tất bật hết hàng hoa này sang hàng hoa khác mới thấy hết lẽ nhân sinh. Đâu đó những bông cúc vàng tươi ngan ngát trong bàn tay của người em gái đang chúm chím hé nụ như mang Tết về sớm hơn.
Trời cuối năm giá lạnh, gió sông thổi buốt vạt cây ven sông. Ánh nắng giờ đây thật quý, buông mình xuống vạn vật một cách ngắt quãng, hiếm hoi. Nhìn về phía phố xa, em bảo tôi, anh thấy không, nếu để ý một chút sẽ thấy quê mình đẹp như bức tranh. Mà đúng vậy, cái gì ta yêu thương cũng đẹp cả. Cũng như màu nâu của vạt bùn non của trận lũ tháng 11 năm nay, giờ đây đẹp như chứng tính sự mạnh mẽ, bền bỉ của con người…
Tôi hít thật sâu hương vị năm mới đang tràn qua làng xóm. Nghe chộn rộn mùi thơm của hương gừng, hương bánh chưng đang xông lên từ những ngôi nhà đượm khói. Còn nhớ nhiều và rất nhiều đêm, chúng tôi quây quần bên nhau gói bánh chưng, nghe nhạc Tết. Đêm 30 bao giờ cũng da diết, qua thật nhanh, muốn níu thời gian lại nhưng không thể. Mới đó thôi mà tuổi 50 đã gần kề. Năm nay rét đến sớm hơn, cơn mưa cuối năm tỉ tê cả mặt sông, tôi lại nhớ những câu thơ mình viết cho số báo Xuân năm trước: “Tháng năm mỏng dần/cây thời gian trút lá/mẹ sưởi cơn rét/bằng làn khói cuối năm/Những lo toan đứng trước sân nhà/bước chân mẹ lún xuống/con đường thâu lại mùa đông/dài cánh chim ngày nắng/Chiếc chổi năm cũ/sượt mòn đôi bàn tay mẹ/dáng mùa xuân về trong mắt/chấp chới ước mơ/Tờ lịch đã rơi/tất bật khuất sau cơn mưa đầu ngõ/thèm mùi khói/và tiếng mẹ bên hiên”…
Sáng nay, đứng bên dòng sông quê nhìn con nước chảy, tôi nghĩ đến màu xuân đang gõ cửa từng nhà. Những cây mai vàng rực rỡ bung hết sức sống như cố vươn lên trời hít thở bầu không khí cuối năm. Xuân đến rồi xuân đi. Xuân hôm nay cũng là xuân trong ngày hôm qua. Xuân bất tận trong ký ức dịu dàng, trong hiện tại bâng khuâng da diết.
Xuân đến thật rồi, cỏ cây, hoa lá bừng tươi. Mùa xuân hiển hiện trên con đường quê đất đỏ với những hàng chè tàu được cắt tỉa gọn gàng khi Tết đến. Hình như nghe đâu đây bài hát mùa xuân đang vang lên trên loa phát thanh của thôn. Làng quê bình yên đến lạ. Xuân ôm lấy trời đất, trải dài theo dọc bờ sông và nhờ ân điển của gió để gửi những dư ba trầm lặng của bao mùa xuân từ vạn cổ.
Ngô Mậu Tình
Nguồn: https://www.baoquangbinh.vn/van-hoa/202501/xuan-bat-tan-2223883/