(QBĐT) – Những ai đã từng có dịp gặp tác giả Phạm Phú Thép một lần, đều chung một nhận định, anh yêu và yêu rất nhiều mảnh đất Ba Đồn. Nghe Phạm Phú Thép kể về Ba Đồn thì ai dù khó tính đến mấy chăng nữa cũng không thể không đôi lần dừng lại mà ngẫm nghĩ về cái hay, cái đẹp, cái trầm tích lắng sâu của Ba Đồn. Tập sách “Ký ức & khát vọng từ Ba Đồn” chính là một lời kể như thế, nhưng rộng mở và phóng khoáng hơn, như một “làn gió hứng khởi”.
Ngay trong lời tựa của cuốn sách, ông Nguyễn Cảnh Bình, Chủ tịch HĐQT, người sáng lập Công ty CP Sách Alpha và Omega Việt Nam đã không ngần ngại nhận định: “… Tôi nhận ra rằng trong anh luôn có một ngọn lửa nhiệt huyết dành cho sự phát triển của cộng đồng. Thép không chỉ là một người kể chuyện mà còn là người sống trong chính những câu chuyện ấy, một người kết nối quá khứ và hiện tại, làm cầu nối để đưa những giá trị truyền thống đi xa hơn…”.
Có lẽ vì vậy, với vai trò của một “người kể chuyện”, anh dành những trang viết đầu tiên của cuốn sách cho “Mảnh ghép ký ức”. Để rồi qua đó, từng câu chuyện, nhân vật của Ba Đồn xưa và nay được trở về theo một cách kể chân phương, mộc mạc nhất. Phải chăng vì thế nên cho dù Phạm Phú Thép kể chuyện về những lát cắt thân phận trong gia đình mình, nhưng độc giả, nhất là người Ba Đồn khi đọc đều phảng phất cảm giác như có cả câu chuyện của mình, gia đình mình, thế hệ mình hiện hữu ở trong đó. Vẹn nguyên.
Trong “Mảnh ghép ký ức”, qua từng câu chuyện nhỏ về ba, ông nội, bà nội, mẹ… của tác giả, rồi về những nhân vật “rất Ba Đồn, chỉ Ba Đồn mới có”…, cả một Ba Đồn thời gian khó đã được tái hiện qua từng “mảnh ghép” mộc mạc, tinh khôi, đủ để bạn đọc hình dung về những năm tháng ác liệt đó. Cái hay của tác giả Phạm Phú Thép chính là “kể mà như không kể”, rất đời, để bạn đọc dù ở lứa tuổi nào, trình độ ra sao, cũng đều có thể hiểu từng “lát cắt”, “mảnh ghép” thời cuộc. Không chỉ vậy, Ba Đồn còn hiện hữu với những câu chuyện hiện tại với “Đình làng Phan Long”, “Chiều, mưa, văn nhân, nhậu, và sông Gianh”… Để từ đó, ký ức được nối dài giữa quá khứ với hiện tại, giữa hiện tại và tương lai, thôi thúc bạn đọc tiếp tục lần giở thêm từng trang của cuốn sách.
|
Ba Đồn ngày nay đang đứng trước những thời cơ, vận hội mới, vì lẽ đó, với một người gắn bó và yêu mảnh đất này như Phạm Phú Thép, anh vẫn luôn mong chờ, khao khát một ngày thị xã ven dòng Linh Giang sẽ vươn mình, đổi thay. Có lẽ vì vậy mà ở phần “Mở ra những ô cửa”, cách nhìn của tác giả Phạm Phú Thép đã mang màu sắc tươi mới, hiện đại hơn rất nhiều, từ Ba Đồn, anh mạnh dạn hướng góc nhìn về nhiều phía để so sánh, đối chiếu và tự ngẫm, đúc rút được nhiều điều qua chính thế giới quan của mình, dễ dàng bắt gặp điều đó ở: “Hội An”, “Một thoáng Nha Trang” hay “Mong một lần lên Tây Nguyên”. Đó có thể chính là những kinh nghiệm hay, cách làm sáng tạo, phù hợp để những nhà quản lý có tâm, có tầm tham khảo và biết đâu sẽ có những “lối đi mở” không chừng.
Tác giả Phạm Phú Thép, sinh năm 1974, sống ở làng Phan Long, TX. Ba Đồn. Anh là hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh. Các tác phẩm đã xuất bản: Cội nguồn nước mắt (tập truyện ngắn in chung, 2001); Cháo canh Ba Đồn (tập truyện ngắn và ký, 2020). |
Bên cạnh đó, Phạm Phú Thép vẫn không quên một Ba Đồn đang rất cần “cú hích” để bắt kịp xu thế thời đại. Anh trăn trở: “… Mảnh đất ân tình thủy chung nên lắm người tài. Mảnh đất đó xứng đáng được hưởng những tiến bộ của nền văn minh, chứ không thể mãi đối chọi với cảnh lầy lội, chật hẹp của những con đường, lũ lụt, triều dâng hay cách trở đò giang…” (Vùng nam) hay thổn thức: “ Có những người chỉ ao ước một lần đến sông Gianh để cảm nhận dòng sông từng chứng kiến những cuộc nội chiến đau thương của dân tộc, chứng kiến trận đánh cuối cùng giữa nhà Tây Sơn và Nguyễn Ánh… Gió sông Gianh thổi về mang theo hơi thở của lịch sử đưa vùng đất này vươn ra biển lớn. Những bi ai của ngày hôm qua sẽ tạo nên sự tiến bộ của ngày hôm nay” (Sách).
Ba phần sau của cuốn sách: “Cảo thơm lần giở”, “Đối thoại” và “Trong bước đi hôm nay” lại cho bạn đọc thấy một góc nhìn rất khác về tác giả Phạm Phú Thép. Khác bởi từng câu chuyện, từng lát cắt anh lựa chọn để “soạn” cho bạn đọc thưởng thức không đơn thuần bó hẹp trong lòng thị xã ven sông, nó đã thoát ra khỏi sự hữu hạn của không gian, tầng nhận thức để sẵn sàng tiếp nhận cái mới, cái hay, cái đẹp. Đó có thể là những câu chuyện về thời vua Tây Sơn, Minh Mạng, Tự Đức… hay những trăn trở về thời cuộc, về những vấn đề thời đại cần chiêm nghiệm, tư duy theo hướng mới… Dù với đề tài khó hay vĩ mô, nhưng chính cách viết tinh tế, dễ hiểu, nhẹ nhàng nhưng sâu sắc của tác giả Phạm Phú Thép giúp người đọc không khó để nắm bắt, thấu hiểu.
“Phạm Phú Thép là nhà báo đã dành tiếng lòng tâm huyết cho vùng đất Ba Đồn-vùng đất đôi bờ sông Gianh nhiều dấu ấn lịch sử, lưu giữ những ký ức gia đình mà anh luôn trân trọng xem như một phần máu thịt của mình. Từ miền quê nhỏ bé, đậm chất nhân văn ấy, anh mở rộng tầm nhìn ra khắp bốn phương, sẵn sàng lật trở, đối thoại và giải thiêng những vấn đề quá khứ lẫn hiện tại. Những trang viết của anh chứa đựng triết lý sâu sắc, hơi thở nóng hổi của cuộc sống đời thường, được truyền tải qua ngòi bút thẳng thắn, tinh tế mà ấm áp, có sức hút, lay động lòng người”, nhà thơ Hoàng Vũ Thuật. |
Khép lại cuốn sách, điều đọng lại lớn nhất chính là tình yêu mãnh liệt của anh dành cho mảnh đất Ba Đồn nói riêng và quê hương, đất nước nói chung. Từ đó, góp phần gửi thông điệp thôi thúc người trẻ tiếp tục cống hiến, vì tương lai tươi đẹp hơn. Anh chia sẻ, toàn bộ tiền bán sách “Ký ức & khát vọng từ Ba Đồn” sẽ được anh sử dụng để mua máy chạy thận hỗ trợ Bệnh viện đa khoa Bắc Quảng Bình. Một nghĩa cử của một người con Ba Đồn đúng nghĩa!
Mai Nhân
Nguồn: https://www.baoquangbinh.vn/van-hoa/202501/co-mot-nguoi-ba-don-nhu-the-2223855/