(QBĐT) – Trong chuyến đi công tác TP. Hồ Chí Minh, tình cờ tôi được gặp PGS. TS. Ngô Minh Oanh (quê ở Cam Thủy, Lệ Thủy, Quảng Bình), giảng viên Trường đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh. Vui hơn, khi biết nhà khoa học sử Ngô Minh Oanh còn là một nhà thơ. Ông đã xuất bản 4 tập thơ: “Đêm nằm nghe ký ức” (năm 2022), “Đất hóa miền thương” (năm 2023) và năm 2024 là cặp “song sinh”: “Tổ quốc mình đất biển mãi hòa nhau”, “Dấu cát trong nhau”.
Biển là nhà, đảo là quê hương
Giở 3 tập thơ gần đây của nhà thơ Ngô Minh Oanh, tôi thấy người lính và biển, đảo là đề tài lớn trong thơ ông. Ở tập thơ “Đất hóa miền thương” có 7/50 bài thơ, ông viết về biển, đảo. Nói đến biển, đảo là nói đến người lính hải quân và ngược lại. Là nhà khoa học sử nên trước biển, nhà thơ Ngô Minh Oanh nhớ đến người lính đội Hoàng Sa thời nhà Nguyễn vượt biển xác lập chủ quyền cho đến anh Bộ đội Cụ Hồ ngày nay.
“Hành trang người lính đội Hoàng Sa/Bảy chiếc nẹp tre một chiếc chiếu/Bảy sợi dây mây, cùng một vật không thể thiếu/Là chiếc thẻ tre khắc ghi họ tên người” (Chiếc thẻ tre người lính đội Hoàng Sa).
Bài thơ của Ngô Minh Oanh gợi trong lòng người đọc những trang lẫm liệt của tiền nhân. Theo sử liệu ghi chép lại, vào thế kỷ XVII, triều đình nhà Nguyễn đã tổ chức tuyển chọn những trai tráng khỏe mạnh, giỏi bơi lội của đảo Lý Sơn để sung vào Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải để ra quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thu lượm sản vật, đo đạc hải trình, vẽ bản đồ, cắm mốc khẳng định chủ quyền.
|
“Trước họ Nguyễn đặt đội Hoàng Sa gồm 70 suất, lấy người xã An Vĩnh sung vào, đi bằng những chiếc thuyền câu nhỏ ra biển…” (Phủ biên tạp lục năm 1776 của Lê Quý Đôn).
Tương truyền rằng do mỗi chuyến đi của đội Hoàng Sa dài 6 tháng. Biển cả đầy rủi ro bất trắc nên mỗi người lính trước khi đi ra Hoàng Sa phải chuẩn bị sẵn cho mình 1 đôi chiếu, mấy sợi dây mây, 7 cái đòn tre và 1 thẻ tre. Rất nhiều người đã hy sinh trong hành trình xác lập chủ quyền biển, đảo. “Người lính đội Hoàng Sa tuổi còn rất trẻ/Hòa thanh xuân vào biển mẹ hiền hòa/Thẻ tre như tấm bia mộ trên biển cả/Lưu danh người hy sinh cho đất nước thanh bình”.
Trong suốt mấy trăm năm hoạt động, đã có hàng vạn người lính thủy quân Hoàng Sa vượt qua biết bao sóng gió, bão tố để thực thi nhiệm vụ giữ gìn chủ quyền lãnh thổ ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Và không phải ai cũng có may mắn trở về.
“Người đàn bà ở Lý Sơn” là bài thơ xúc động về những người mẹ mất con, người vợ mất chồng vì nhiệm vụ thiêng liêng ấy.
Từ lâu nay ở đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) đã hình thành những câu hát dân gian: “Hoàng Sa lắm đảo nhiều cồn/Chiếc chiếu bó tròn mấy sợi dây mây”. Đội Hoàng Sa sau này được củng cố thành Thủy quân Hoàng Sa (kiêm quản “Đội Bắc Hải”, có nhiệm vụ khai thác vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa).
Tâm hồn nhà thơ Ngô Minh Oanh lúc nào cũng cảm thức về biển, đảo. Vốn là giáo viên ở Đắk Lắk, những ngày gian khó, nhớ đến bạn đang làm nhiệm vụ ở quần đảo Trường Sa, ông nhận thấy: “Gian khó của bạn mình đã thấm gì đâu”. Nhìn cây rừng ở Tây Nguyên, ông nhớ đến cây phong ba, bão táp trên quần đảo Trường Sa.
…
Ở trên này những cơn gió tháng ba
Gió hú giật như là có bão
Bazan bụi nhuốm hồng sắc áo
Gió trên này có giống gió Trường Sa
(Gửi bạn ở Trường Sa)
Trước biển, dù là ở Đồ Sơn, Thái Bình, Phan Thiết, Vũng Tàu, Côn Đảo…, tâm hồn nhà thơ Ngô Minh Oanh như có sóng vỗ. Đó là những lớp sóng từ quá khứ, hiện tại… Ông tri ân người lính đội Hoàng Sa, những chiến sĩ ngã xuống trên những đoàn tàu không số (Viết ở bến tàu không số), cho đến những chiến sĩ hôm nay. Trong tâm thức của Ngô Minh Oanh có một dòng chảy liên tục.
Ở bài thơ “Trước cửa biển Ba Lạt”, cho thấy nhà thơ có một giấc mơ. Giấc mơ được hóa thành hạt phù sa, từ đất liền trôi ra biển hội tụ lại thành những đảo chìm, đảo nổi, hóa thành cột mốc Tổ quốc trên biển.
…
Hạt hồng nào khao khát nơi xa
Hãy theo ngọn sóng trào thẳng tiến
Đảo nổi, đảo chìm thành đội hình phía biển
Góp mỏ neo cắm mốc Tổ quốc mình
(Trước cửa biển Ba Lạt)
Bài thơ “Đảo chìm ở Trường Sa” gần như là một cuộc đối thoại từ vô thức của nhà thơ Ngô Minh Oanh với đảo chìm, đảo nổi. “Ẩn sâu lòng biển dậu phên/Nguyện làm nền móng vững bền tuổi tên/Đảo chìm ẩn sóng ngàn niên/Nâng cao phần nổi đất thiêng nước mình”.
Nặng lòng trắc ẩn
Đọc thơ Ngô Minh Oanh, tôi mới nhận ra rằng, tâm hồn ông dào dạt cảm xúc, tấm lòng nhân hậu, sẻ chia. Thơ ông vừa trữ tình, vừa ưu tư, suy tư cùng thân phận. Đời sống khúc xạ qua tâm hồn Ngô Minh Oanh thành nỗi buồn, đến lượt có nỗi buồn cất lên thành thơ.
Ngô Minh Oanh sinh ra và lớn lên ở xã Cam Thủy (Lệ Thủy, Quảng Bình). Quê hương ấy hiển thị trong thơ ông viết về tuổi thơ lấm láp cùng cánh đồng, bơi lội trên bến sông thật thú vị. “Gáo nước mẹ tắm cho tôi đầu đời/Được múc lên từ bến sông quê/Tôi mầm cây non bắt đầu cắm rễ/Vào mạch nguồn đất mẹ để sum suê” (Trĩu nặng sông quê).
Lệ Thủy, nơi có dòng sông Kiến Giang nổi tiếng; “Sông quê muôn đời hồn hậu/Nuôi lớn vĩ nhân nuôi lớn thi nhân” và “dòng sông văn hóa” là hò khoan Lệ Thủy chảy mãi trong tâm hồn nhà thơ Ngô Minh Oanh.
Sông Kiến Giang là con sông hiện thực, trong thơ Ngô Minh Oanh trở thành ẩn dụ cho quê hương. Trong ký ức nhà thơ luôn hiện lên, ông luôn thấy mắc nợ dòng sông, mắc nợ quê hương.
….
Ôi Kiến Giang muôn đời lặng lẽ
Ta vô tâm cứ vậy lớn khôn
Ta đâu biết sông tự phân thân mà chảy
Một tinh khiết hạ nguồn qua biết mấy đớn đau
(Kiến Giang sông)
Ngô Minh Oanh lớn lên, trưởng thành từ làng, mang theo làng suốt hành trình cuộc đời, dẫu ở Tây Nguyên, đi công tác nước ngoài hay hiện lập nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh. Hay nói cách khác, rộng hơn, cánh đồng, dòng sông quê hương “mọc rễ” trong tâm hồn ông, không ai bứng ra được. Điều này cắt nghĩa vì sao, trong 4 tập thơ đã xuất bản, đề tài về quê hương Quảng Bình là một trong những mảng lớn nằm trong “tâm hồn” thơ Ngô Minh Oanh.
Ngô Minh Oanh viết về quê hương từ ký ức tiếng gà, từ cây khế, bát cơm tấm của mẹ… đến những đề tài vạm vỡ như truyền thống, lịch sử mà ông tự hào. “Quảng Bình quan xưa lũy trấn nằm ngang/Quốc lộ nay chạy dọc thành dấu cộng/Cộng bốn trăm năm dồn mạch sống/Cân hai đầu đất nước Quảng Bình ơi” (Trước Quảng Bình quan).
Nhà thơ Nga I-li-a Ê-ren-bua từng nói về lòng yêu nước: “Dòng suối đổ vào sông, sông đổ vào đại trường giang Von-ga, con sông Von-ga đi ra biển. Lòng yêu nhà, yêu làng xóm, yêu miền quê trở nên lòng yêu Tổ quốc”. Đúng vậy, không yêu kính người thân, bố mẹ, khó sẻ chia trắc ẩn với người dưng, không yêu làng xóm khó lòng yêu đất nước.
“…Tiếng gà đồng vọng đơm đầy/Đã nghe lúa chín hương bay thơm mùa”, “Người quê chân chất thật thà/Tình người hòa lẫn tiếng gà và quê” (Tiếng gà quê). Quê hương hiện hữu thơm tho từ tiếng gà, hương lúa trong thơ Ngô Minh Oanh.
PGS.TS Ngô Minh Oanh là người thầy mô phạm, nghĩa tình, thủy chung với đồng nghiệp bạn bè. Là một trí thức nhưng phẩm giá người nhân hậu, rất Quảng Bình. Với tư cách là nhà thơ, Ngô Minh Oanh tiếp tục khám phá, thử nghiệm ngôn ngữ. Ông làm cả thơ tứ tuyệt, thơ lục bát, thơ tự do và cả thơ văn xuôi. Dù dùng thi pháp nào đi nữa, thơ ông luôn là giai điệu của một tâm hồn thơ dung dị, chân thành.
“Thơ tôi một kiếp chơi vơi/Cung ngân cao vút cung rơi vực trầm”, “Tôi người phu chữ âm thầm/Giọt đời nhặt nhạnh ươm mầm cây con” (Thơ tôi). Đó có thể coi là “tự bạch”, xác tín bản ngã và văn bản thơ.
Ngô Đức Hành
Nguồn: https://www.baoquangbinh.vn/van-hoa/202501/ngo-minh-oanh-phu-chu-am-tham-2223844/