(QBĐT) – Tổ chức thi đấu các trò chơi dân gian, các môn thể thao truyền thống đã tạo sân chơi bổ ích giúp đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) ở các bản làng vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh nâng cao sức khỏe. Đây còn là nét sinh hoạt mang đậm giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng các DTTS.
Ngày hội thể thao đoàn kết
Thời gian qua, cùng với việc chăm lo phát triển kinh tế-xã hội, các địa phương trong tỉnh đã chú trọng phát triển phong trào thể dục thể thao (TDTT) trong ĐBDTTS để nâng cao sức khỏe và đời sống tinh thần. Thực hiện Dự án 6 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch” của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng ĐBDTTS và miền núi, huyện Bố Trạch đã tổ chức ngày hội thể thao các DTTS năm 2024.
Tham gia ngày hội có hơn 200 vận động viên (VĐV) ở 4 xã, thị trấn có ĐBDTTS trên địa bàn huyện, gồm: Xã Tân Trạch, Thượng Trạch, bản Rào Con (thị trấn Phong Nha) và bản Khe Ngát (thị trấn Nông trường Việt Trung) cùng tranh tài ở các nội dung kéo co nam, nữ; đi cà kheo nam và bóng chuyền nam.
Tranh tài tại ngày hội, các vận động viên đã thể hiện sự khéo léo về kỹ thuật, sức bền và có thể bứt phá vào giai đoạn “nước rút” để giành phần thắng cho đội mình. Theo từng nội dung các môn thi khác, như: Kéo co, bóng chuyền, các đội sử dụng thể lực, sức bền và kỹ thuật để ra sức tranh tài trong sự cổ vũ nhiệt tình của đông đảo khán giả và mang tính gắn kết cộng đồng. Huyện Bố Trạch cũng đã tổ chức thành công giải bóng đá nam đồng bào các DTTS. Tham gia giải có 4 đội bóng, thi đấu theo hình thức vòng tròn tính điểm…
|
Để khích lệ ĐBDTTS tập luyện TDTT và tạo sân chơi, nơi tranh tài cho những người yêu thích thể thao ở các xã miền núi, huyện Quảng Ninh cũng tổ chức giải thi đấu thể thao các DTTS năm 2024. Tham gia giải có hơn 300 VĐV là người ĐBDTTS đến từ 2 xã miền núi Trường Sơn và Trường Xuân. Các VĐV tranh tài ở 5 nội dung thi đấu, gồm: Bóng chuyền (nam, nữ), chạy việt dã (nam, nữ), đẩy gậy, kéo co (nam, nữ) và bắn nỏ.
Giám đốc Trung tâm Văn hóa-Thể thao-Truyền thông huyện Quảng Ninh Ngô Đình Hướng chia sẻ: “Tranh tài tại giải, các VĐV đã nỗ lực thi đấu, cống hiến cho khán giả những trận đấu sôi nổi và kịch tính, thu hút đông đảo khán giả đến xem và cổ vũ. Hoạt động góp phần thắt chặt tình đoàn kết giữa các dân tộc anh em, vừa là ngày hội, là sân chơi thể thao trong cộng đồng DTTS sinh sống ở địa phương”.
Bảo tồn môn thể thao của đồng bào
Với ĐBDTTS ở Bố Trạch, đi cà kheo là môn thể thao rất được yêu thích. Bởi đây là hoạt động gắn với tập quán và lối sống của ĐBDTTS từ xa xưa. VĐV Đinh Hương ở bản Chăm Pu, xã Thượng Trạch cho hay: “Đi cà kheo là môn thi đòi hỏi người chơi phải thật khéo léo. Để đi được trên cà kheo, người chơi phải lấy được thế cân bằng, có bước đi chính xác, sức khỏe tốt và phải khéo léo kết hợp nhịp nhàng cả chân lẫn tay”.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch Nguyễn Hữu Hồng, theo tập tục trước đây, ĐBDTTS thường sinh sống trong rừng sâu, hoặc ven các con sông, con suối. Người dân thường sử dụng cây cà kheo đi lại để tránh các loại rắn, rết nguy hiểm. Cà kheo cũng là công cụ để người dân di chuyển qua sông, qua suối hay các con đường đất lầy lội bùn đất, nhất là vào mùa mưa lũ. Lâu dần, cà kheo trở thành một vật dụng quen thuộc của ĐBDTTS ở các vùng miền, trong đó có ở Bố Trạch.
“Ngày nay, cơ sở hạ tầng ở khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa ở huyện Bố Trạch đã được đầu tư, người dân không còn sử dụng cà kheo thường xuyên nữa. Thế nhưng, vật dụng này vẫn được nhiều gia đình gìn giữ như một nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Vì vậy, đi cà kheo trở thành một môn thể thao truyền thống, một hình thức sinh hoạt thú vị trong cộng đồng người ĐBDTTS trong những dịp lễ, Tết, ngày hội truyền thống của các dân tộc. Trong ngày hội thể thao các DTTS huyện Bố Trạch, đi cà kheo đã được chúng tôi tổ chức bài bản, góp phần bảo tồn và phát huy môn thể thao này”, Nguyễn Hữu Hồng trao đổi thêm.
|
Trong khi đó, thông qua tổ chức giải thi đấu thể thao các DTTS, huyện Quảng Ninh đã từng bước bảo tồn và phát huy môn đẩy gậy, bắn nỏ truyền thống. Trước đây, chiếc nỏ là dụng cụ quen thuộc trong đời sống hàng ngày của đồng bào, vừa là vật phòng thân, vừa là vật dụng săn thú khi lên nương rẫy hay vào rừng. Ngày nay, chiếc nỏ không còn dùng để săn bắn hay tự vệ nhưng mỗi khi bản làng có lễ hội hay tổ chức các hoạt động TDTT thì chiếc nỏ được ĐBDTTS ở 2 xã Trường Xuân và Trường Sơn mang ra để thi tài và trở thành môn thể thao truyền thống được nhiều người yêu thích…
Phó Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Quảng Ninh Lê Thanh Thủy cho biết: Ở nội dung bắn nỏ của giải thể thao các ĐBDTTS huyện Quảng Ninh năm 2024 có 32 VĐV nam, nữ tham gia. Tranh tài tại giải, các tay nỏ tham gia rất hào hứng với đường tên rất “thiện xạ”. Chung cuộc giải nhất ở nội dung bắn nỏ nam và nữ đều thuộc về xã Trường Sơn, trong đó, bản Cây Cà giành giải nhất nam và thôn Thượng Sơn giành giải nhất nữ. Để bảo tồn, phát huy các môn thể thao dân tộc, riêng môn bắn nỏ, Ban tổ chức đã trao 26 giải thưởng các loại, trong đó có 6 giải nhất, nhì, ba và 20 giải khuyến khích.
Tập huấn kỹ năng bảo tồn và thi đấu
Để lan tỏa kỹ năng bảo tồn, phát triển các môn thể thao của ĐBDTTS, trong năm 2024, Sở Văn hóa-Thể thao (VHTT) tỉnh đã tổ chức 3 lớp tập huấn bồi dưỡng kỹ năng, phương pháp bảo tồn và thi đấu thực nghiệm các môn thể thao dân tộc cho đồng bào Bru-Vân Kiều, Chứt ở các địa phương trên địa bàn tỉnh.
Trong đó, 2 lớp về bảo tồn và phát triển các môn thể thao dân tộc của người Bru-Vân Kiều diễn ra tại huyện Minh Hóa và Lệ Thủy thu hút 135 học viên người Bru-Vân Kiều tham gia. Lớp tập huấn thứ 3 diễn ra tại huyện Minh Hóa lôi cuốn 90 học viên người dân tộc Chứt đến từ các xã của 3 huyện: Bố Trạch, Minh Hóa và Tuyên Hóa tham gia.
Đại hội TDTT tỉnh Quảng Bình lần thứ X sẽ diễn ra trong 2 năm (2025-2026). Lễ khai mạc đại hội dự kiến tổ chức vào tháng 4/2026 tại TP. Đồng Hới, thi đấu 16 môn, trong đó có 2 môn đẩy gậy và bắn nỏ. Đây là những môn thể thao mang đậm giá trị văn hóa truyền thống của ĐBDTTS. |
Tham gia lớp tập huấn, anh Hồ Văn Thần, người Bru-Vân Kiều ở bản Khe Ngát (thị trấn Nông trường Việt Trung) bộc bạch: “Chúng tôi được phổ biến các văn bản pháp luật, các quy định của Đảng, Nhà nước về chính sách đối với TDTT vùng ĐBDTTS, miền núi. Ở nội dung thực hành, chúng tôi được giới thiệu phương pháp tập luyện, tổ chức trò chơi và thi đấu các môn đẩy gậy, bắn nỏ, cà kheo, kéo co… Từ những bài học kỹ năng, kinh nghiệm của lớp tập huấn đã giúp chúng tôi tổ chức các hoạt động TDTT ở cơ sở trong các dịp lễ, Tết”.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao tỉnh Lê Phú Sơn khẳng định: Công tác bảo tồn, gìn giữ và phát triển các môn thể thao của ĐBDTTS trên địa bàn tỉnh đã và đang được các địa phương quan tâm chú trọng, thu hút đông đảo người dân tham gia tập luyện, thi đấu. Hoạt động này không chỉ giúp nâng cao sức khỏe, đời sống tinh thần của người dân mà còn góp phần nhân rộng Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các DTTS.
Tân Bình
Nguồn: https://www.baoquangbinh.vn/the-thao/202501/bao-ton-cac-mon-the-thao-cua-dong-bao-dan-toc-thieu-so-2223847/