(QBĐT) – Với mỗi dân tộc, trang phục truyền thống chính là “tấm căn cước tộc người”, ghi đậm bản sắc văn hóa, phản ánh phong tục, tín ngưỡng, cũng như những tri thức về thiên nhiên và xã hội của từng cộng đồng. Riêng đối với đồng bào dân tộc Chứt, việc thiếu trang phục đặc trưng không chỉ khiến họ mờ nhạt hơn trong bức tranh đa dạng văn hóa các dân tộc Việt Nam và làm mất đi nhiều cơ hội thể hiện bản sắc riêng trong các dịp lễ hội, giao lưu văn hóa hay liên hoan cộng đồng.
Bài 1: “Kho vàng” bên dãy Trường Sơn
Khoảng trống
Ngày hội Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2024 vừa được tổ chức tại tỉnh Quảng Trị, thu hút sự tham gia của đồng bào các dân tộc đến từ 16 tỉnh, thành phố trên cả nước. Đây là một dịp đặc biệt để các dân tộc chia sẻ, giao lưu và tôn vinh bản sắc văn hóa riêng biệt của mình. Tuy nhiên, đoàn Quảng Bình lại thiếu vắng sự hiện diện của bà con đồng bào Chứt.
Theo ông Mai Xuân Thành, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, lý do dẫn đến sự vắng mặt này là bởi đồng bào Chứt không có trang phục truyền thống đặc trưng để tham gia trình diễn trong các hoạt động tại ngày hội. Mới đây, trong các sinh hoạt cộng đồng, người Chứt ở một vài nơi còn sử dụng trang phục truyền thống của một số tộc người thiểu số ở miền núi phía Bắc, do họ tự đặt mua tại các khu du lịch hoặc thông qua các trang mạng xã hội.
Tại nhiều sự kiện văn hóa khác, bà con say sưa biểu diễn những làn điệu dân ca truyền thống của dân tộc mình nhưng họ xuất hiện với quần Tây, áo sơ mi hay váy áo phổ thông không khác gì người Kinh đã vô tình làm mất đi sự nhận diện đặc trưng. Anh Đinh Chai, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Trạch (Bố Trạch) cho biết, mỗi dịp dự lễ hội đập trống của người Ma Coong ở xã Thượng Trạch, thấy bà con ở đây được mặc trang phục truyền thống, bà con đồng bào Chứt ở địa phương như anh không khỏi chạnh lòng.
|
Theo các nhà nghiên cứu, người Chứt sống gần gũi với thiên nhiên, văn hóa của họ cũng gắn liền với việc khai thác và tôn trọng các nguồn tài nguyên tự nhiên. Không giống như nhiều dân tộc khác, người Chứt không biết trồng bông dệt vải nên trước đây, trang phục truyền thống của bà con dân tộc Chứt chủ yếu là áo, khố làm bằng vỏ cây rừng. Tuy nhiên, khi đời sống thay đổi, những bộ trang phục này dần không còn phù hợp với nhu cầu thực tế.
Quá trình giao lưu và ảnh hưởng của các dân tộc xung quanh khiến những trang phục truyền thống của người Chứt dần biến mất, thay vào đó là những bộ quần áo phổ thông được vay mượn từ các dân tộc cận cư. Người Chứt là tộc người duy nhất trong 54 dân tộc Việt Nam chưa có trang phục mang bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Theo khảo sát của Viện Dân tộc học thực hiện vào tháng 10/2024, hiện có tới 79,1% số người Chứt đang sử dụng trang phục phổ thông, 12% trang phục người Lào, 4,3% sử dụng trang phục người Khùa…
Đi tìm “căn cước tộc người”
Nhằm giải quyết “bài toán” bảo tồn bản sắc văn hóa qua trang phục, Viện Dân tộc học đang chủ trì đề tài khoa học “Nghiên cứu thực trạng, nhu cầu và định hình trang phục sinh hoạt cộng đồng của dân tộc Chứt ở tỉnh Quảng Bình”.
Tiến sĩ Bùi Thị Bích Lan, chủ nhiệm đề tài khẳng định: “Quá trình khôi phục và định hình trang phục dân tộc Chứt là một hành trình quan trọng trong việc bảo tồn và phát triển di sản văn hóa độc đáo của họ. Điều đó giúp người Chứt khẳng định bản sắc riêng, hình thành một biểu tượng văn hóa cho cộng đồng mà còn tăng cường ý thức tự giác, sự cố kết của một tộc người vốn nhỏ bé nhưng lại bao gồm nhiều nhóm địa phương”.
Nhóm thực hiện đề tài đã tiến hành khảo sát thực tế tại huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa và Bố Trạch, thu thập ý kiến từ đồng bào và các già làng về một bộ trang phục cố định. Theo tiến sĩ Lan, các cuộc khảo sát, thăm dò ý kiến cho thấy, đa phần chủ thể người Chứt thể hiện rõ mong muốn, nhu cầu có được một bộ trang phục bằng vải dệt đặc trưng của tộc người mình như bao dân tộc anh em khác, để qua đó, giới thiệu, khẳng định bản sắc văn hóa của dân tộc mình.
Qua trưng cầu ý kiến, hơn 54% người Chứt được khảo sát mong muốn sử dụng vải công nghiệp cho bộ trang phục, số còn lại muốn dùng vải dệt như các dân tộc cận cư. Những tông màu đen, đất xanh lá cây, đỏ đất và nâu là những màu được bà con đề xuất, lựa chọn nhiều nhất cho trang phục của mình. Đây là những màu sắc phản ánh sự gần gũi với thiên nhiên và mang ý nghĩa bảo vệ, cầu may và liên kết với các nghi lễ tín ngưỡng, thể hiện sự gắn bó chặt chẽ với môi trường sống cũng như quá trình họ trở về bản làng định cư.
|
Cần cẩn trọng
Việc định hình trang phục truyền thống bằng vải dệt cho các dân tộc như dân tộc Chứt, vốn chỉ sử dụng vỏ cây, là một nhu cầu cấp thiết. Tuy nhiên, quá trình này đặt ra câu hỏi lớn: Làm sao để không làm mất đi bản sắc văn hóa của dân tộc và vẫn bảo vệ được những giá trị độc đáo vốn có? Khi đã có sự định hình trang phục mới, việc bảo đảm sự hài hòa giữa bản sắc truyền thống và sự sáng tạo, giữa tính thẩm mỹ và tính thông dụng là một thách thức không nhỏ.
Anh Nguyễn Tiến Hải, người Mã Liềng (thuộc dân tộc Chứt) tại xã Lâm Hóa (Tuyên Hóa), chia sẻ: “Chúng tôi mong muốn có một bộ trang phục cho đồng bào mình nhưng đó phải là sản phẩm đặc trưng, mang đúng bản sắc văn hóa của dân tộc mình, chứ không phải là sự chắp vá, vay mượn từ trang phục của các dân tộc khác”.
Ngày 22/12/2024, trong khuôn khổ của đề tài “Nghiên cứu thực trạng, nhu cầu và định hình trang phục sinh hoạt cộng đồng của dân tộc Chứt ở tỉnh Quảng Bình”, Viện Dân tộc học đã tổ chức hội thảo khoa học “Trang phục dân tộc Chứt: Nhu cầu, cách tiếp cận và định hình”. Các nhà khoa học, nhà quản lý, cộng đồng dân tộc Chứt tại Quảng Bình đã cùng định hình nên 3 bộ trang phục, từ đó lấy ý kiến để chọn 1 bộ trang phục sinh hoạt cộng đồng cho các ngày hội, ngày lễ, Tết cũng như ngày vui của đồng bào.
|
Việc tạo ra trang phục đặc trưng cho người Chứt đòi hỏi sự cân nhắc kỹ lưỡng, cẩn trọng trong lựa chọn chất liệu, kiểu dáng và hoa văn sao cho phù hợp với nhu cầu thực tế và thói quen sử dụng của cộng đồng. Quá trình sáng tạo trang phục này không thể diễn ra đơn lẻ, mà phải có sự đóng góp của cả cộng đồng trong việc tìm ra giải pháp bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa cốt lõi. Mọi sự thay đổi đều phải được cộng đồng chấp nhận và tôn trọng, thay vì là sự áp đặt từ bên ngoài.
Trang phục truyền thống là biểu tượng văn hóa, là nhịp cầu kết nối quá khứ, hiện tại và tương lai của mỗi dân tộc. Đối với người Chứt, việc có một bộ trang phục riêng là giấc mơ về sự tự hào và hiện diện mạnh mẽ hơn trong bức tranh văn hóa đa dạng. Sự chung tay của cộng đồng, chính quyền và các nhà nghiên cứu sẽ là yếu tố quyết định để giấc mơ ấy trở thành hiện thực. Đây không chỉ là món quà dành cho hiện tại, mà còn là di sản quý giá để thế hệ mai sau tiếp tục gìn giữ và phát huy.
Diệu Hương
Bài 3: “Mở cửa” tương lai
Nguồn: https://www.baoquangbinh.vn/van-hoa/202412/bao-ton-va-phat-huy-gia-tri-van-hoa-dong-bao-chut-bai-2-hanh-trinh-tu-vo-cay-den-sac-vai-2223262/