(QBĐT) – Ngày 22/12/1944, tại khu rừng Trần Hưng Đạo (xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng) đánh dấu sự ra đời Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân (VNTTGPQ), tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam ngày nay. Trong 34 đội viên Đội VNTTGPQ ngày ấy có 29 chiến sĩ người dân tộc thiểu số và 5 người kinh. Ngoài đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy chung, Quảng Bình có thêm hai đội viên gồm đội trưởng Hoàng Sâm và ông Võ Văn Dảnh (1905-1991), quê quán thôn Đồng Lâm, xã Đức Hóa (Tuyên Hóa).
“Bụi trường chinh phai bạc áo hào hoa”
Có lẽ những câu thơ trong bài thơ “Ngày về” của nhà thơ Chính Hữu viết năm 1947 gắn chặt với những con người lịch sử như tướng Hoàng Sâm hay ông Võ Văn Dảnh: “Những chàng trai chưa trắng nợ anh hùng/Hồn mười phương phất phơ cờ đỏ thắm/Rách tả tơi rồi đôi giày vạn dặm/Bụi trường chinh phai bạc áo hào hoa…”.
Lịch sử Đảng bộ xã Đức Hóa tập 1 (1930-2015) dành những dòng trang trọng viết về ông Võ Văn Dảnh: Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo ở thôn Đồng Lâm. Bố mẹ ông có 7 người con thì 6 người bị nạn đói cướp mất. Năm 12 tuổi, ông cùng người làng phiêu bạt sang Lào rồi qua Thái Lan.
Tại Thái Lan, Võ Văn Dảnh may mắn gặp ông Đoàn Hồng, người Quảng Trạch, một cơ sở cách mạng của ta ở Thái Lan cưu mang nuôi ăn học. Sớm giác ngộ cách mạng, lúc 18 tuổi, Võ Văn Dảnh tham gia rải truyền đơn, bị cảnh sát Thái Lan bắt giam. Ở trong tù, ông khai mình có bố người Tàu, mẹ An Nam nên khi ra tù (năm 1938), chính quyền Thái Lan trả ông về Trung Quốc. Ở Trung Quốc, Võ Văn Dảnh được các đồng chí Lê Thiết Hùng, Nguyễn Sơn dìu dắt, giúp đỡ.
|
Năm 1943, Võ Văn Dảnh về nước hoạt động tại vùng Lục Khu (Cao Bằng). Khi Đội VNTTGPQ thành lập, Võ Văn Dảnh vinh dự chiến đấu bên cạnh những người đồng hương Quảng Bình là các đồng chí Võ Nguyên Giáp và Hoàng Sâm.
Cuộc đời của ông Võ Văn Dảnh đúng như câu thơ “Bụi trường chinh phai bạc áo hào hoa”. Theo cách mạng, ông lấy chữ “Nhẫn” làm đầu như những lời căn dặn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và tướng Hoàng Sâm. Khi thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta lần thứ hai, năm 1947, mặt trận Tây Tiến mở đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Chiến khu II do đồng chí Hoàng Sâm làm Khu trưởng.
Trên hành trình Tây Tiến, Võ Văn Dảnh tháp tùng Khu trưởng Hoàng Sâm đến Hòa Bình. Nghe danh Hoàng Sâm, Liên trưởng Tàu đang đóng quân tại đây thách đấu Hoàng Sâm uống rượu, giải thưởng là 300 khẩu súng. Bữa tiệc rượu gần trọn đêm, phần thắng thuộc về Hoàng Sâm. Thực hiện đúng lời hứa, Liên trưởng Tàu giao cho phía ta đúng 300 khẩu súng. Nhận thấy tình hình ở Hòa Bình còn khá phức tạp, Khu trưởng Hoàng Sâm quyết định cử Võ Văn Dảnh ở lại giúp tỉnh xây dựng, củng cố lực lượng vũ trang.
Cuối năm 1947, sau hơn 30 năm ly hương, Võ Văn Dảnh mới có dịp trở về quê hương. Hiện tại, ở xã Đức Hóa người dân vẫn kể cho nhau nghe chuyện ông Dảnh: Về quê, ông không theo đường thiên lý Bắc-Nam mà vượt biên giới, vòng qua Lào rồi vào Việt Nam. Đến đầu làng, ngay bãi đất trống gọi là Bến Vụng dưới lèn chợ Gát, ngồi trên lưng ngựa, súng Pạc-hoọc đeo trễ bên hông, một bên là thanh kiếm Nhật, rất oai phong. Cảm xúc dâng trào, ông rút súng bắn lên trời mấy phát chào mừng. Người dân hiếu kỳ kéo nhau ra xem… Rốt cuộc, Võ Văn Dảnh bị dân quân bắt giam vì không biết ông là “ta” hay “địch”. Để tự minh oan cho mình, Võ Văn Dảnh một mình bắt tên Việt gian khét tiếng Võ Cảnh ngay tại chợ Ba Đồn giao cho đồng chí Nguyễn Văn Đồng (tướng Đồng Sỹ Nguyên) ở chiến khu Trung Thuần.
Bà Nguyễn Thị Hương (SN 1959), vợ ông Võ Văn Nhuận (SN 1956, đã mất), nguyên Phó Bí thư Đảng ủy xã Đức Hóa, con trai cả cụ Võ Văn Dảnh nhớ lại: Sau khi được minh oan, ba tôi quyết định ở lại quê, tham gia hoạt động phong trào cơ sở như làm xã đội trưởng xã Đại Đồng (gồm 3 xã Thạch Hóa, Đức Hóa, Phong Hóa), đội trưởng đội sản xuất nông nghiệp… và lập gia đình. Câu chuyện về cuộc đời lưu lạc ở nước ngoài rồi sớm giác ngộ cách mạng, tham gia Đội VNTTGPQ, từng được anh Văn-Võ Nguyên Giáp, Trần Văn Kỳ-Hoàng Sâm quý trọng… ông chỉ kể cho con cháu nghe lúc làm đất, cày đồng, trồng lúa, trồng ngô.
|
Thủy chung tình đồng chí, đồng đội, đồng hương
Bà Nguyễn Thị Hương cho biết thêm: Năm 1951, Trung ương gọi ông Võ Văn Dảnh ra Hà Nội để trở lại hoạt động tại Lào. Được một năm thì bệnh sốt rét rừng quật ngã ông, vì lý do sức khỏe, ông Dảnh rời quân ngũ. Trở về quê hương Đức Hóa, ông sống cuộc sống thanh bạch. Ông Võ Văn Dảnh và vợ là bà Lê Thị Diêu sinh được hai người con gồm Võ Văn Nhuận và Võ Văn Nhì (SN 1958, mất năm 1979).
Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, ông Võ Văn Dảnh có thêm hai bí danh khác: Khi ở Trung Quốc, ông lấy tên Võ Văn Trung. Trở lại Cao Bằng, gặp anh Văn, anh Văn quý mến bảo: “Từ giờ trở đi, mình gọi là Luận. Đồng chí Luận nhé!”. Võ Văn Luận, bí danh Đại tướng Võ Nguyên Giáp đặt, gắn chặt lấy cuộc đời ông Võ Văn Dảnh đến khi mất, năm 1991, hưởng thọ 86 tuổi.
Chủ tịch UBND xã Đức Hóa Võ Xuân Trường kể: Tháng 3/1985, Đại tướng Võ Nguyên Giáp về thăm quê hương, khi làm việc ở huyện Quảng Trạch, Đại tướng nhớ đến người đồng hương, đội viên Đội VNTTGPQ Võ Văn Luận của mình năm nào. Thế rồi Đại tướng nhờ người dò hỏi và tìm gặp được ông Võ Văn Dảnh. Tháng 12/1989, nhân kỷ niệm 45 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, ông Võ Văn Dảnh cùng đoàn Hội Cựu chiến binh tỉnh Quảng Bình ra thăm Thủ đô và tái ngộ Đại tướng.
Trong cuộc gặp này, Đại tướng dễ dàng nhận ra “đồng chí Luận” thân thương của mình. Còn ông Dảnh thì xúc động, trìu mến gọi Đại tướng bằng hai từ “Anh Văn!”. Đại tướng tặng cho ông Võ Văn Dảnh một chiếc áo măng tô rồi cùng nhau chụp chung tấm hình tại 30 Hoàng Diệu. Cũng trong dịp này, hồ sơ, tiểu sử của “đồng chí Luận” được Đại tướng Võ Nguyên Giáp giao cho các cơ quan, ban ngành liên quan bổ sung đầy đủ-ghi vào lịch sử là một đội viên Đội VNTTGPQ!
Với những đóng góp cho sự nghiệp cách mạng và Quân đội từ những ngày đầu tiên, ông Võ Văn Luận được Chủ tịch nước truy tặng Huân chương kháng chiến hạng Ba; Huy chương kháng chiến hạng Nhì. Tháng 6/2024, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Tuyên Hóa quyết định tôn tạo nơi thờ tự ông Võ Văn Dảnh, để ngay chính nơi ngôi nhà năm xưa ông từng sinh sống trở thành một “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ sau này. |
Ngô Thanh Long
Nguồn: https://www.baoquangbinh.vn/phong-su/202412/bui-truong-chinh-phai-bac-ao-hao-hoa-2223234/