(QBĐT) – Ở các tỉnh phía Bắc, dụng cụ này được gọi là chơm, còn ở quê tôi gọi là nơm. Đây là dụng cụ đánh bắt cá khá quen thuộc của người dân ở xã Lý Ninh trước đây (nay là phường Nam Lý và Bắc Lý) và xã Đức Ninh ngày nay.
Nơm được làm từ các vật liệu quen thuộc, sẵn có ở địa phương. Răng nơm được làm từ các cây tre đực già, thẳng, cứng và thường được xông trên gác bếp ít nhất 3 tháng mới đem đan nơm. Một đầu răng được vót nhọn, đầu kia được vót nhỏ dần đến như đầu chiếc đũa và được kết vào đầu nơm. Hai vành nơm tròn lớn ở thân nơm cũng được làm từ các thanh tre già và đủ dẻo để uốn thành một vòng tròn cứng. Các răng nơm được thắt chặt (bện) vào các vành nơm.
Cách chân nơm khoảng 15cm các răng nơm cũng được liên kết với nhau bằng sợi mây nhưng không có vành. Đầu nơm tròn cũng được làm bằng tre già hoặc thân cây mây “trâu” lớn chẻ đôi. Răng nơm được bện vào đầu nơm, vành nơm bằng các sợi mây tắt vót mỏng và rất dai. Các đường mây bện nơm theo một kiểu rất khéo tạo thành các hoa văn nổi rất đều và đẹp. Người đi nơm thì nhiều nhưng người làm được nơm thì ít, họ thực sự là các nghệ nhân. Sau này, một số người dùng các dây nhựa để bện nơm nhưng không đẹp và bền như các dây mây như người xưa thường dùng.
Nơm ở xã Lý Ninh có cấu tạo giống nơm ở xã Đức Ninh nhưng khá khác nhau về kích thước và hình dáng do khác nhau loại cá và nơi đánh bắt. Nơm ở xã Lý Ninh có đường kính thân từ 60-80cm có hình như một cái chuông chùa, còn nơm ở xã Đức Ninh có đường kính thân chỉ từ 30-40cm, giữa đầu nơm và đuôi nơm độ khum ít hơn nơm ở xã Lý Ninh. Chiều cao nơm ở xã Lý Ninh từ 70-85cm, còn nơm ở xã Đức Ninh chỉ khoảng 60-70cm.
|
Người Đức Ninh thường “nơm xăm” với bước đi ngắn ở những nơi nước cạn, mặt nước có cỏ, rạ che phủ là những nơi thường có nhiều cá lóc, cá trê, cá rô, cá chạch… Bước nơm ngắn giúp người đi “nơm xăm” dày hơn để khỏi “sót” cá. Người Lý Ninh thường nơm bước dài ở những nơi nước sâu, rộng là nơi sinh sống của các loại lớn như chép, trắm cỏ, trôi…
Khi nơm nghe “cá đóng” người đi nơm có kinh nghiệm biết được đã nơm được con cá to hay nhỏ. Nằm trong lòng nơm, con cá lao nhanh về một phía nào đó để hòng thoát thân đụng đầu vào thành nơm tạo thành tiếng “cục” và tay người đang cầm nơm cảm nhận được độ rung của chiếc nơm. Một tay nhấn mạnh chiếc nơm cắm sâu hơn vào bùn, một tay đưa vào lòng nơm nắm chặt đầu con cá rồi từ từ đưa con cá ra khỏi đầu nơm bỏ vào chiếc oi đeo bên mình. Đôi khi nơm được cá chép nặng 4-5kg. Có khi chiếc nơm bị gãy 3-5 răng do răng nơm đụng vào thân con cá to, thường khi đó con cá quẫy mạnh, chạy thoát. Có người nơm được cả rái cá nhưng không dám bắt vì sợ hàm răng sắc nhọn của nó.
Một số người thường đi nơm một mình và nơm rất giỏi, oi khi nào cũng đầy cá.
Phần lớn nơm cá theo nhóm, đông vui nhất là nơm cá nhiều người trên sông Cầu Rào mà người Lý Ninh gọi là “nơm làng” hay “nơm rào”. Nơm làng thường được tổ chức vào buổi trưa, sau buổi sáng đi làm đồng về, cơm trưa xong. Có thể có một nhóm nhỏ hẹn nhau trước, hoặc từ một người phát động. Các tay nơm lưng mang nơm từ các xóm Làng, xóm Nam Lớn, xóm Nam Nhỏ theo các đường làng đi về phía bờ sông nhập thành một đội.
Các tay nơm chọn một đoạn sông đứng hàng ngang hoặc vòng cung sát nhau từ bờ này sang bờ kia của con sông với những miệng nơm hướng về phía trước tạo thành một góc từ 30-400 với đáy sông. Khoảng 7-10 tay nơm, nơm mạnh phía trước hàng rào làm nhiều con cá kinh động phi về phía hàng rào. Khi nghe “cá đóng” chiếc nơm nhanh chóng được úp lại, con cá bị tay nơm bắt bỏ vào oi. Nơm xong đoạn sông này thì chuyển sang đoạn sông khác. Nơm làng nhiều người bắt được cá to mà nơm một mình hoặc nhóm ít người khó bắt được.
Ngày nay, sông Cầu Rào đã được cải tạo, không còn nhiều cá tự nhiên như trước đây. Các ao hồ, đồng ruộng nhường chỗ cho các khu đô thị, các hoạt động đánh bắt cá truyền thống trong đó có nơm cá cũng không còn. Nhưng chiếc nơm quen thuộc và những buổi “nơm làng” còn mãi trong ký ức của người Lý Ninh quê tôi.
Nguyễn Lương Cương
Nguồn: https://www.baoquangbinh.vn/van-hoa/202412/nom-ca-2223205/