(QBĐT) – Chiến tranh đã qua đi, nhưng dư âm của những chiến công anh dũng, kiên cường của quân và dân Quảng Bình vẫn còn vang vọng, sống mãi trong ký ức của mỗi một người dân vùng “đất lửa”. Và đặc biệt, không ít chiến công đã được “ghi” lại trọn vẹn, hào hùng, cảm xúc trong các tác phẩm của Đoàn Văn công nhân dân Quảng Bình (tiền thân của Đoàn nghệ thuật truyền thống tỉnh ngày nay, gọi tắt là đoàn văn công). Để rồi từ đó, các bản hùng ca tiếp tục được tiếp nối, vang vọng, lan tỏa đến thế hệ mai sau.
Đoàn văn công được thành lập năm 1959 giữa lúc tỉnh nhà còn nghèo, là nơi tuyến đầu của miền Bắc xã hội chủ nghĩa, tiếp ứng cho miền Nam ruột thịt. Vượt qua bao khó khăn, thiếu thốn, hy sinh, mất mát, các văn nghệ sĩ của đoàn đã nỗ lực cống hiến những tiết mục xuất sắc, đi đến các chiến trường, trận địa ác liệt, phục vụ bộ đội, nhân dân hậu phương.
Như cố Bí thư Tỉnh ủy Cổ Kim Thành từng nhận định: “Hình ảnh của Đoàn văn công Quảng Bình trong thời kỳ chống Mỹ đã để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp… Tất cả những âm thanh và giai điệu ấy của anh chị em đoàn văn công cùng với phong trào ca hát các đơn vị địa phương đã tạo thành “Tiếng hát át tiếng bom”. Văn nghệ, văn công Quảng Bình đã đi vào cuộc sống và lẽ sống của quê hương “Hai giỏi” là quê hương tình nghĩa, thủy chung, giàu lòng mến khách”.
Các thế hệ văn nghệ sĩ của đoàn văn công giờ đây đã người còn người mất, nhiều nghệ sĩ đã qua tuổi xưa nay hiếm, sức khỏe không còn như xưa, nhưng trong ký ức của họ, những tiết mục gắn liền với chiến công của quân và dân Quảng Bình vẫn không thể nào quên. Bước sang tuổi 82, mặc dù đang rất mệt sau cơn bệnh, nhưng khi được hỏi, nghệ sĩ Nam Kỷ vẫn cố gắng trao đổi với phóng viên về những tiết mục ấn tượng của đoàn mà theo bà, như vừa mới diễn ra ngày hôm qua.
|
Bà chia sẻ, thời điểm đó, trong chương trình biểu diễn của đoàn, ngoài một số tiết mục thường xuyên, không thể thiếu, đi đến địa phương hay đơn vị nào hoặc có sự kiện lớn nào, các nghệ sĩ sẽ sáng tác nhạc, tổ khúc, hò, vè, tấu, kịch… Còn nhớ thời điểm Quảng Bình bắn rơi chiếc máy bay thứ 100, Bác Hồ đã gửi thư khen quân và dân Quảng Bình. Tác giả Ngọc Thọ đã sáng tác kịp thời tổ khúc dân ca “Lòng son dâng Bác” theo điệu hò mái nhì đổ xuống nam bằng.
“Đây là tổ khúc khó hát nên tôi cùng với hai chị trong đoàn rất tích cực tập luyện. Riêng tôi đã từng ra Thủ đô Hà Nội, được nghệ sĩ Châu Loan tập luyện, uốn nắn nên rất quen thuộc với các làn, điệu của dân ca Bình Trị Thiên. Mấy chục năm đã trôi qua, nhưng tôi vẫn nhớ mãi: “Có ai về Thủ đô, nhờ thưa với Bác Hồ kính mến/Thư Bác gửi khen đã đến Quảng Bình/Những lời Bác dặn, mỗi ý Bác khuyên đã thành những chiến công rực rỡ, nhưng bông lúa vàng trĩu hạt gửi lên kính dâng Người…”. Sau này, khi đoàn được biểu diễn cho Bác Hồ xem, nghe tổ khúc, Bác rất xúc động lấy khăn lau nước mắt”.
Và còn nhiều nữa những chiến công đã được viết lên thành các ca khúc đi sâu vào lòng người. Trong cuốn “Một thời để nhớ” (kỷ niệm 40 năm đoàn văn công, 1959-1999), tác giả Ngọc Tranh đã nhớ lại: “Thanh niên, dân công vận chuyển, bốc vác ban đêm, đầu đội bom lái phà cho xe qua lại, có bài hát “Chuyến phà đêm”, ca cảnh “Chuyến xe đêm”. Ca ngợi chiến công bắt giặc lái thì có “Chiến công bác chăn vịt”, các cụ Đức Ninh bắn rơi máy bay thì có tấu: “Lão dân quân”, trung đội nữ dân quân Ngư Thủy bắn chìm tàu chiến Mỹ thì có tam tấu “Nữ pháo thủ”… Để ca ngợi chiến đấu giỏi của quân dân Quảng Bình có tổ khúc Quảng Bình 5 nhất…
Khi chiếc tàu Hồng Kỳ của Trung Quốc chuyển gạo qua giúp ta. Tàu đậu ở Hòn La, chung quanh là tàu Mỹ bao vây, trên trời máy bay khống chế, muốn lấy gạo viện trợ phải nhiều mưu lược và hy sinh. Đoàn đã cử một mũi ra tận Quảng Đông phục vụ, vậy là có ngay tổ khúc và bài hát: “Ngoài khơi tàu đậu/Trên trời máy bay/Dưới nước hăng say/Chuyển từng bao gạo/Hay thiệt là hay…”. Hai bến phà Gianh và Long Đại là nơi địch bắn phá ác liệt nhất, nhưng quân và dân ta vẫn bám trụ. Đoàn đã về Long Đại hàng tháng trời, đêm diễn phục vụ bộ đội, dân công, ngày tập tiết mục mới. Cũng từ đó vở kịch “Đất cửa ngõ” ra đời….
Nghệ sĩ Nam Kỷ xúc động chia sẻ, trong những năm tháng ác liệt của cuộc chiến, các văn nghệ sĩ của đoàn văn công đã có mặt ở những “điểm nóng”, như tuyến đường 12A. Mỗi người mang từng bao gạo, nhạc cụ, phục trang, đạo cụ… Hành quân mệt đâu nghỉ đấy. Gặp dân và bộ đội ở đâu thì phục vụ ở đó. Và nhiều kỷ niệm xúc động đã được viết lên ở đây… |
Sau đại hội anh hùng chiến sĩ thi đua, Quảng Bình có 5 nữ anh hùng, nhạc sĩ Quách Mộng Lân sáng tác bài hát “Đẹp sao 5 gái quê ta”, còn nhạc sĩ Hoàng Sông Hương sáng tác ca khúc “Tiếng hát đò đưa” ca ngợi mẹ Suốt”.
Nhớ về ca khúc này, nhạc sĩ Hoàng Sông Hương chia sẻ, năm 1960, ông đến với đoàn văn công với một chiếc đàn violin tự làm. Gắn bó với đoàn suốt những năm tháng chiến tranh ác liệt, ông đã sáng tác các ca khúc ấn tượng, trong đó, “Tiếng hát đò đưa” là bài hát không thể nào quên. Ca khúc được sáng tác năm 1966 viết về mẹ Suốt với những câu chuyện giản dị mà lay động lòng người: “Đây rặng dừa soi bóng dòng sông/Bên cây đa giếng nước rừng dương/Nhật Lệ hiền hòa./Chiếc đò mẹ Suốt lại qua/Cả cuộc đời mới có ngày nay…”.
Nhạc sĩ xúc động kể, trước khi viết ca khúc, ông đã từng gặp mẹ Suốt, ngồi trên con đò của mẹ chèo… Vì vậy, ngay dưới một căn hầm ở xã Bảo Ninh (Đồng Hới), chỉ trong một đêm trăn trở, hôm sau ông đã hoàn thành ca khúc: “Quê mẹ hiền cồn cát Bảo Ninh/Biết bao phen lừng danh thắng giặc/Đã ngoan cường chống lũ ngoại xâm/Giờ đây giặc Mỹ hãy tàn/Mẹ rằng cứu nước mình chờ đợi ai/Tay chèo mẹ Suốt sẵn sàng”. Nghệ sĩ Nam Kỷ chính là người đầu tiên hát ca khúc này và trở thành một dấu ấn không thể nào quên đối với bà. Khi Bác Hồ nghe ca khúc, Người đã rất xúc động và nhắn nhủ với các nhạc sĩ của đoàn cần tiếp tục sáng tác nhiều ca khúc hay hơn nữa về tuyến lửa Quảng Bình.
Bên cạnh đoàn văn công, Đoàn văn công của Tỉnh đội cũng có nhiều tiết mục gắn liền với các chiến công oanh liệt của quân và dân Quảng Bình trong những năm tháng khói lửa, đặc biệt là liên ca khúc “Tiếng hát Hòn La”. Dù cho chiến tranh đã lùi xa, nhưng các ca khúc, tiết mục vẫn còn đọng mãi, như mới hôm qua, để nhắc nhớ chúng ta về một thời mà lớp lớp cha ông đã không tiếc máu xương để bảo vệ nền độc lập, tự do của Tổ quốc.
Mai Nhân
Nguồn: https://www.baoquangbinh.vn/van-hoa/202412/nhung-chien-cong-nhu-ban-hung-ca-2223191/