(QBĐT) – Ngày 22/12/2024, nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, Đảng ủy, UBND, Ủy ban MTTQVN xã Quảng Thủy (TX. Ba Đồn) sẽ tổ chức lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích cấp tỉnh, thành phố “Trận chống càn làng Lâm Xuân…”.
Làng Lâm Xuân nay là xã Quảng Thủy, là một trong những xã vùng Nam TX. Ba Đồn. Quảng Thủy là địa phương có truyền thống văn hóa-lịch sử, truyền thống cách mạng (làng khoa bảng, làng chiến đấu, đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang…).
Theo lịch sử Đảng bộ huyện Quảng Trạch và Lịch sử Đảng bộ xã Quảng Thủy, thì trận chống càn làng Lâm Xuân diễn ra vào những năm đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Sau khi chiếm được Thừa Thiên Huế, Quảng Trị…, thực dân Pháp mở cuộc hành quân lớn đánh chiếm Quảng Bình. Ngày 28/3/1947, chúng đánh chiếm TX. Đồng Hới, tiếp tục đánh chiếm các huyện Bố Trạch, Quảng Trạch… Ngày 3/4/1947, nhằm ngày 12/2/ (nhuận) Đinh Hợi, ngay từ sáng sớm, một toán lính Pháp được trang bị súng máy tiểu liên, súng trường cá nhân,… sử dụng ca nô từ Thanh Khê (Bố Trạch) ngược dòng Gianh đổ quân lên bến Chợ Nấp, Tiên Lệ (Quảng Tiên) thực hiện cuộc truy tìm, càn diệt Việt Minh nhằm chiếm đóng vùng Nam Quảng Trạch (nay là TX. Ba Đồn). Khi càn qua Tiên Lệ (Quảng Tiên), Biểu Lệ (Quảng Trung), lực lượng dân quân, tự vệ hai làng này đã tổ chức chặn đánh nhưng bất thành, chúng tiếp tục càn về Lâm Xuân… Tại đây (Lâm Xuân), chúng bất ngờ vấp phải trận địa mai phục của lực lượng dân quân, tự vệ do ông Nguyễn Huyến và Nguyễn Đại chỉ huy.
|
Theo ông Nguyễn Ngọc Toản (Đại tá Quân đội) và một số bậc cao niên kể lại, thì khi địch vừa càn vào đồng làng Lâm Xuân (Giếng Mả), các chiến sỹ dân quân tại chốt công sự này (ông Trần Đởm, ông Hoàng The, ông Hoàng Đấu, ông Hoàng Tấu,…) đã từ công sự vọt lên giáp lá cà làm bị thương một số lính Pháp trước khi bị bắn hy sinh. Sau khi bắn giết các chiến sỹ dân quân chốt công sự Giếng Mả, chúng đốt công sự, quẳng thi thể những người hy sinh vào đống lửa! Vượt qua điểm mai phục Giếng Mả, chúng chia thành các toán nhỏ, tiếp tục băng đồng, càn vào làng mạc và các điểm bố phòng công sự của ta. Chúng sử dụng các ngôi mộ làm điểm cao đặt súng máy nả đạn xối xả vào những điểm nghi vấn có quân ta mai phục (Miếu Thành hoàng, Đám Ràn, Nghĩa Trũng…). Sau đó, chúng xông vào làng mạc đốt phá nhà cửa, bắn giết thường dân, gia súc, gia cầm,…
Với vũ khí thô sơ (đại đao, giáo mác…), với lối đánh mai phục, giáp lá cà… những người lính nón lá, áo nâu, chân đất… đã bất chấp hy sinh, lao vào đội hình địch, găm giáo mác vào lính Pháp đang lăm lăm tay súng, quyết sống mái với quân thù… Trận chiến không cân sức cả về lực lượng và vũ khí, diễn ra trên toàn bộ Đồng trên và làng mạc, mỗi lúc một ác liệt. Địch bắn giết nhiều cán bộ chiến sỹ nhưng họ không run sợ, nhụt chí, quyết bám trận địa tiêu diệt địch… Các chiến sỹ Trần Nghiêng, Trần Yển, Lê Chí Cà… khi hy sinh tay còn nắm chặt cây mác lào…
Suốt ngày trời chiến đấu trong điều kiện địa hình trống trải, vũ khí thô sơ (giáo, mác…), đói khát…, lực lượng dân quân, tự vệ Lâm Xuân buộc phải lui quân nhằm hạn chế thương vong… Khi địch rút khỏi trận địa, Lâm Xuân hoang tàn, tiêu điều, thảm khốc: 74 ngôi nhà bị thiêu rụi, 49 người hy sinh, tử trận, nhiều người bị thương, hàng chục trâu bò, lợn gà… bị bắn… Đến giờ đã hàng chục năm trôi qua nhưng mỗi khi đến ngày 12/2 âm lịch, trong ký ức của nhiều bậc cao niên vẫn không thể nào quên những hình ảnh đau thương của làng xã, những hành động man rợ của lính Pháp…
|
Đánh giá về trận chống càn này, Lịch sử Đảng bộ xã Quảng Thủy-Tập I ghi: “Trận chiến đấu tuy còn hạn chế nhưng cũng đã ghi vào lịch sử rất đỗi tự hào của nhân dân Quảng Bình, Quảng Trạch nói chung, Lâm Xuân nói riêng…”. Trong cuốn “Quảng Bình ơn Bác” cũng ghi nhận: “Những trận chiến đấu đầu tiên vô cùng dũng cảm của tiểu đoàn Lê Trực, của quân dân tự vệ Võ Xá, của làng Cự Nẫm, Hoàn Lão và làng Lâm Xuân đã ngăn chặn bước tiến của địch, biểu thị tinh thần đánh địch rất cao, một quyết tâm vô song để bảo vệ chính quyền cách mạng”…
Trận chống càn làng Lâm Xuân, biểu tượng tinh thần yêu nước và lòng quả cảm đã đi vào lịch sử địa phương như một trang sử vàng chói lọi trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ quê hương của Đảng bộ và nhân dân Quảng Thủy. Tinh thần đó còn thấm đẫm trong ý chí, hành động bao thế hệ con em Lâm Xuân-Quảng Thủy.
Năm 2024 với kinh phí được cấp, bằng thiện tâm tri ân các anh hùng liệt sỹ, UBND xã đã thi công, hoàn thiện “Nhà bia tưởng niệm” khang trang…
Tinh thần “Trận chống càn làng Lâm Xuân” vẫn mãi là điểm tựa để nhân dân Quảng Thủy đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, quyết tâm đưa xã nhà trở thành xã “Nông thôn mới kiểu mẫu”.
Xuân Lâm
Nguồn: https://www.baoquangbinh.vn/dat-va-nguoi-quang-binh/202412/tran-chong-can-lang-lam-xuan-2223162/