(QBĐT) – Sáng 11/12, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc về giáo dục quyền con người. Các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Phạm Minh Chính, Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương chủ trì hội nghị.
|
Ngày 5/9/2017, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2017-2025”. Đây là sự kiện chính trị, pháp lý đặc biệt quan trọng nhằm thực hiện Chỉ thị số 44-CT/TW, ngày 20/7/2010 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Công tác nhân quyền trong tình hình mới”; cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013 về công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người; đồng thời thực hiện cam kết, trách nhiệm của Nhà nước Việt Nam trước cộng đồng quốc tế về giáo dục quyền con người.
Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh là cơ quan chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng trực tiếp triển khai thực hiện các nhiệm vụ của đề án.
|
Việc triển khai thực hiện đề án đã góp phần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của giáo dục quyền con người; trang bị kiến thức, kỹ năng về quyền con người cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, những người làm công tác thực tiễn của các ban, bộ, ngành, địa phương tham gia vào các hoạt động của đề án, đặc biệt là cho đội ngũ giáo viên, giảng viên và người học trong các cơ sở giáo dục, đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân và một số lĩnh vực khác.
Các cơ quan tham gia đề án đã hoàn thành khối lượng lớn nhiệm vụ thông qua nhiều nội dung hoạt động khác nhau, như: Xây dựng các văn bản triển khai thực hiện đề án; tổ chức khảo sát thực tế; tổ chức các cuộc hội thảo, hội nghị, tập huấn; triển khai các đề tài khoa học; hoàn thiện các khung chương trình đào tạo… Các sản phẩm của đề án đã được xã hội hóa đến với người học và công chúng, góp phần nâng cao nhận thức xã hội và hiệu quả đào tạo về quyền con người trong các các cơ sở đào tạo ở Việt Nam nói chung, đặc biệt là hoạt động đào tạo cao cấp lý luận chính trị và sau đại học tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.
Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo các bộ, địa phương đã phát biểu ý kiến, thảo luận về những thuận lợi, khó khăn và đề xuất giải pháp, kiến nghị nhằm triển khai hiệu quả đề án thời gian tới.
|
Phát biểu kết luận tại hội nghị, đồng chí Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, về quan điểm, bảo vệ quyền con người và giáo dục quyền con người là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn dân; đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước và sự tham gia của người dân. Đây là chương trình chính thức, đặt trong tổng thể nền giáo dục và thực hiện học tập suốt đời. Sắp tới, sẽ ban hành một chỉ thị của Ban Bí thư, xây dựng một đề án mới giai đoạn 2026-2030 và đề nghị các cơ quan liên quan tổng kết theo hướng này.
Về các giải pháp trong thời gian tới, cần tiếp tục triển khai đồng bộ các cơ chế, chính sách, pháp luật bảo vệ quyền con người; thể chế hóa đầy đủ các nội dung về quyền con người đã được Hiến pháp quy định, đưa quyền con người trở thành chỉ tiêu đánh giá; thực hiện tốt an sinh xã hội, hỗ trợ đối tượng yếu thế; tăng cường vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội trong việc tuyên truyền, bảo vệ quyền con người; tham gia các tổ chức quốc tế và Liên hợp quốc liên quan đến bảo vệ quyền con người…. Tập trung hoàn thành các hoạt động của đề án trong năm 2025 và tiến hành tổng kết, trong đó, hoàn thành xây dựng tài liệu hoàn chỉnh; đẩy mạnh truyền thông; tăng cường công tác phối hợp…
Mai Nhân
Nguồn: https://www.baoquangbinh.vn/chinh-tri/202412/trien-khai-dong-bo-co-che-chinh-sach-phap-luat-bao-ve-quyen-con-nguoi-2222955/