Giám đốc các sở, ngành trả lời chất vấn của đại biểu tại kỳ họp thứ 19, HĐND tỉnh khóa XVIII:
(QBĐT) – Giám đốc Sở Du lịch Nguyễn Ngọc Quý trả lời nội dung chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh tại kỳ họp thứ 19, HĐND tỉnh khóa XVIII vào chiều ngày 10/12 với việc đưa ra 7 giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động du lịch.
*Đại biểu Phan Thị Lệ Hằng chất vấn: Hoạt động du lịch đã có bước khởi sắc sau đại dịch, lượng khách du lịch tăng trở lại là dấu hiệu đáng mừng. Tuy nhiên hoạt động du lịch của tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập, đề nghị Giám đốc Sở Du lịch cho biết ngành đã có giải pháp gì để nâng cao chất lượng hoạt động du lịch để đạt được các chỉ tiêu đề ra trong thời gian tới.
|
*Trả lời:
Được sự chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh, hướng dẫn nghiệp vụ của các đơn vị Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, sự nỗ lực của các doanh nghiệp du lịch và sự cố gắng triển khai đồng bộ các giải pháp của Sở Du lịch và các sở, ban, ngành, địa phương…, ngành du lịch Quảng Bình đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận trong năm 2024. Tổng số lượt khách du lịch năm 2024 dự ước đạt khoảng 5.200.000 lượt khách, tăng 15,3% so với năm 2023 và đạt 104% so với kế hoạch năm 2024. Trong đó, khách nội địa ước đạt 5.053.900 lượt khách, tăng 15,1% so với năm 2023; khách quốc tế ước đạt 146.100 lượt khách, tăng 23,8% so với năm 2023. Tổng thu từ khách du lịch dự ước đạt khoảng 5.980 tỷ đồng, tăng 17,3% so với năm 2023.
Du lịch Quảng Bình tiếp tục được báo chí, truyền thông quốc tế đánh giá là một trong những điểm đến hấp dẫn, đáng trải nghiệm hàng đầu tại Việt Nam; hình ảnh, sản phẩm du lịch Quảng Bình được các tập đoàn Meta, Google lựa chọn làm tiêu điểm là để giới thiệu du lịch Việt Nam, ứng dụng công nghệ mới và sự hợp tác với Việt Nam. Tuy nhiên, hoạt động du lịch của tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập, do nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan.
|
Thời gian tới ngành Du lịch Quảng Bình triển khai thực hiện đồng bộ 7 nhóm giải pháp chính để phát triển du lịch tương xứng với tiềm năng gồm:
Thứ nhất, tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của xã hội và huy động sự tham gia của các cấp, các ngành về phát triển du lịch.
Sở Du lịch phối hợp các sở, ngành, địa phương thực hiện các giải pháp được đặt ra sau khi sơ kết giữa nhiệm kỳ và tập trung đánh giá, tổng kết thực hiện Chương trình hành động số 01-CTr/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, giai đoạn 2021-2025.
Tiếp tục huy động động sự tham gia tích cực hơn nữa của các cấp ủy, chính quyền, địa phương triển khai sâu rộng các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật, các quy định của Nhà nước về du lịch nhằm nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí của phát triển du lịch, thực hiện hiệu quả chương trình ”Mỗi người dân là một đại sứ du lịch”.
Phối hợp các đơn vị triển khai thực hiện hiệu quả chỉ đạo của Chính phủ, UBND tỉnh về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững trên địa bàn tỉnh Quảng Bình. Trong đó, tập trung đẩy mạnh cơ cấu lại ngành du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, chất lượng, bền vững; tập trung phát triển du lịch với phương châm “Liên kết chặt chẽ-Phối hợp nhịp nhàng-Hợp tác sâu rộng-Bao trùm toàn diện-Hiệu quả bền vững”…
Thứ hai, tập trung huy động các nguồn lực, triển khai công tác đầu tư, hoàn thiện cơ sở hạ tầng du lịch đồng bộ và từng bước hiện đại.
Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT), các đơn vị liên quan tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh các giải pháp cụ thể về đầu tư hạ tầng kinh tế-xã hội, hạ tầng du lịch, bổ sung danh mục các dự án trọng điểm, dự án đầu tư về du lịch, dịch vụ, nghỉ dưỡng giải trí trong kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Quảng Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định 921/QĐ-TTg, ngày 28/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, ưu tiên hệ thống giao thông kết nối các khu, điểm lịch trên địa bàn tỉnh, các khu vui chơi giải trí có khả năng thu hút số lượng lớn du khách, hạ tầng khu du lịch quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng, bảo đảm đáp ứng các tiêu chí được công nhận là khu du lịch quốc gia.
|
Rà soát nhu cầu và hiện trạng các dự án đầu tư về lĩnh vực du lịch, dịch vụ, nghỉ dưỡng trên địa bàn tỉnh để tham mưu UBND tỉnh có các giải pháp quyết liệt để đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các dự án khu du lịch, nghỉ dưỡng tại khu vực ven biển, các trung tâm du lịch lớn của tỉnh. Đồng thời, thực hiện các hoạt động xúc tiến, kêu gọi các nhà đầu tư nhất là các nhà đầu lớn để nghiên cứu triển khai các dự án phức hợp nghỉ dưỡng, giải trí quy mô lớn, mang tính ”động lực” cho sự phát triển du lịch của tỉnh.
Phối hợp với Sở KH-ĐT, Sở Tài chính, các sở, ngành tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành nghị quyết của HĐND tỉnh về ban hành một số chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư, trình tự, thủ tục thực hiện chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh (thay thế Nghị quyết số 19/2017/NQ-HĐND), trong đó có các nội dung về hỗ trợ dự án đầu tư, hỗ trợ phát triển đường bay mới.
Thứ ba, tập trung phát triển đa dạng và nâng cao chất lượng dịch vụ các sản phẩm du lịch.
Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở KH-ĐT, Ban quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị chủ rừng triển khai các đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí đã được phê duyệt và quy chủ; lập, trình phê duyệt đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng giải trí tại các khu vực rừng có tiềm năng, lợi thế về phát triển du lịch… Từ đó, làm cơ sở quy hoạch, thu hút đầu tư thực hiện các dự án, sản phẩm du lịch.
|
Phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng các đề án phát triển các khu du lịch cấp tỉnh, huy động sự tham gia các doanh nghiệp, tổ chức khảo sát, phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng và đẩy mạnh liên kết giữa các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh để hình thành động lực tăng trưởng du lịch theo phương châm “một cung đường-nhiều điểm đến”, hình thành sản phẩm, chuỗi sản phẩm du lịch đa dạng, độc đáo.
Hướng dẫn, phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các đơn vị, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch trên địa bàn tỉnh nghiên cứu, phát triển, nâng cao chất lượng các sản phẩm, dịch vụ du lịch ban đêm, các sản phẩm du lịch tham quan thành phố (city tour), sản phẩm du lịch hàng ngày (daily tour), du lịch M.I.C.E (hội nghị, hội thảo, sự kiện, khuyến thưởng), du lịch đường sông, du lịch gắn với các sự kiện thể thao…
Thứ tư, phát triển và đa dạng hóa thị trường khách du lịch
Phối hợp các đơn vị thực hiện điều tra, nghiên cứu thị trường, nhu cầu và thị hiếu của khách du lịch; xây dựng cơ sở dữ liệu, phân tích thị trường khách du lịch để nắm bắt xu hướng thị trường để đáp ứng kịp thời nhu cầu và thị hiếu mới của khách du lịch nội địa với các phân vùng cụ thể thị trường các tỉnh phía Bắc, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam bộ, các tỉnh Bắc Trung bộ, Nam Trung bộ, Tây Nguyên.
|
Đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các sản phẩm, dịch vụ du lịch để đón khách du lịch quốc tế, tập trung vào thị trường có khả năng tăng trưởng nhanh, có nguồn khách lớn như: ASEAN và thị trường có mức chi tiêu cao và lưu trú dài ngày như Bắc Mỹ, Tây Âu, Đông Bắc Á, Đông Âu. Trong đó, tập trung duy trì sự tăng trưởng của thị trường mục tiêu Bắc Mỹ, Tây Âu, Ốt-xờ-trây-li-a, Thái Lan, Lào và mở rộng, thu hút khách từ các thị trường tiềm năng: Nhật Bản, Hàn Quốc.
Thứ năm, tập trung nâng cao chất lượng nhân lực du lịch
Sở Du lịch phối hợp với các đơn vị nghiên cứu phối hợp triển khai điều tra, khảo sát, đánh giá thực trạng phát triển nguồn nhân lực, số lượng, chất lượng nguồn nhân lực du lịch trên cơ sở khoa học và thực tiễn. Huy động các nguồn lực, đặc biệt là xã hội hóa, phối hợp tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn nâng cao nhận thức về phát triển du lịch bền vững, du lịch có trách nhiệm, khả năng ngoại ngữ, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ theo tiêu chuẩn nghề du lịch Việt Nam (VTOS) đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch trong tình hình mới, hội nhập khu vực và quốc tế.
Đa dạng các hình thức đào tạo, chú trọng đào tạo và nâng cao kỹ năng nghề du lịch và năng lực quản lý du lịch, đủ điều kiện tham gia vào chuỗi cung ứng du lịch toàn cầu. Tăng cường liên kết hợp tác giữa doanh nghiệp và các trường đào tạo nhân lực du lịch, phối hợp thực hiện đào tạo ”theo địa chỉ” trên cơ sở nhu cầu của các đơn vị.
Thứ sáu, đổi mới phương thức, đa dạng hóa nội dung trong công tác quảng bá, xúc tiến du lịch.
Sở phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch quảng bá, xúc tiến và thu hút khách du lịch hàng năm để truyền thông, phối hợp triển khai đồng bộ các sự kiện, lễ hội, sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch, thúc đẩy tăng trưởng khách du lịch. Tổ chức các hoạt động quảng bá, xúc tiến mới mẻ, độc đáo, đa dạng về hình thức, nội dung phong phú, chuyên biệt, phù hợp với từng thị trường khách du lịch. Trong đó tập trung triển khai các hoạt động quảng bá trên các nền tảng số, các hoạt động liên kết quảng bá với các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, các chương trình xúc tiến đầu tư; phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp trong việc xây dựng, thực hiện các hoạt động quảng bá du lịch liên quan đến các sự kiện lớn, famtrip, presstrip, các chương trình quảng bá trên các kênh thông tin, truyền hình quốc tế.
Tăng cường và mở rộng liên kết, hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh, thành phố trong nước và quốc tế: TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh; các tỉnh trong khối liên kết Quảng Trị- Quảng Bình-Thừa Thiên Huế-Đà Nẵng-Quảng Nam; các tỉnh thuộc “Con đường di sản miền Trung”; các tỉnh trên hành lang kinh tế Đông Tây; các tỉnh thuộc 3 nước Việt Nam-Lào-Thái Lan sử dụng chung đường 8 và đường 12….; phát huy có hiệu quả các chương trình hợp tác phát triển du lịch đã ký kết với các địa phương, đơn vị.
Thứ bảy, nâng cao hiệu quả ứng dụng khoa học, công nghệ, thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch
Hoàn thành và đưa vào khai thác Dự án thành phần 4: Đầu tư nâng cấp cổng thông tin du lịch tích hợp phân hệ quản lý nhà nước và số hóa điểm đến du lịch tỉnh (thuộc Dự án chuyển đổi số, chính quyền điện tử và đô thị thông minh tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2021-2025). Phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh; ứng dụng công nghệ số để kết nối nhằm hỗ trợ và tăng trải nghiệm cho khách du lịch; mở rộng năng lực cung cấp dịch vụ kết hợp giữa kênh thực và kênh số; sử dụng tối đa các giao dịch điện tử trong hoạt động du lịch.
|
Phối hợp xây dựng và triển khai vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu ngành du lịch Quảng Bình, kết nối chia sẻ với hệ thống chung của Cục Du lịch Quốc gia và các đơn vị liên quan như Công an tỉnh, Cục Thống kế, cơ quan Thuế…
Đức Thành (thực hiện)
Nguồn: https://www.baoquangbinh.vn/du-lich/202412/giam-doc-cac-so-nganh-tra-loi-chat-van-cua-dai-bieu-tai-ky-hop-thu-19-hdnd-tinh-khoa-xviii-giai-phap-nang-cao-chat-luong-hoat-dong-du-lich-2222947/