(QBĐT) – Trước thực tế tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia còn thấp so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra, ở phiên thảo luận tại kỳ họp thứ 19, HĐND tỉnh khóa XVIII (kỳ họp thường lệ cuối năm 2024) diễn ra vào sáng 10/12, đại biểu Trần Thị Thanh Phượng đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm nâng cao số lượng và chất lượng trường đạt chuẩn quốc gia.
Đại biểu Trần Thị Thanh Phượng khẳng định: Xây dựng trường chuẩn quốc gia là chủ trương quan trọng mang tính chiến lược lâu dài của ngành giáo dục-đào tạo (GD-ĐT) và phải có sự tham gia của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội. Xây dựng trường chuẩn quốc gia là tạo bước chuyển mạnh mẽ trong chất lượng giáo dục toàn diện, góp phần phát triển giáo dục theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa.
|
Nhiều năm qua, công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh quan tâm, chỉ đạo sát sao và được quán triệt sâu sắc đến các cấp ủy, chính quyền, các đơn vị, nhà trường và toàn thể nhân dân; cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, các tổ chức kinh tế-xã hội (KT-XH) và nhân dân vào cuộc.
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Bình lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đặt ra chỉ tiêu đến năm 2025, toàn tỉnh có 70% trường mầm non (MN), 100% trường tiểu học (TH), 75% trường trung học cơ sở (THCS) và trung học phổ thông (THPT) đạt chuẩn quốc gia.
Xuất phát từ yêu cầu trên và để thực hiện đạt mục tiêu về xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2021-2025, ngày 26/8/2021, UBND tỉnh có Quyết định số 2764/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án xây dựng trường MN, phổ thông đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2021-2025 của tỉnh Quảng Bình. Mục tiêu cụ thể của đề án đến năm 2025, công nhận 442 trường đạt chuẩn quốc gia, nâng tổng số trường MN, phổ thông đạt chuẩn quốc gia lên 481/567 trường, đạt 84,8%. Trong đó: 135/183 trường MN, đạt 73,7%; 185/185 trường TH, đạt 100%; 17/30 trường TH-THCS, đạt 56,7%; 116/137 trường THCS, đạt 84,7%; 28/32 trường THPT, đạt 87,5%.
UBND tỉnh cũng có nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc, đẩy mạnh thực hiện đề án; chỉ đạo các địa phương, các cơ sở giáo dục triển khai thực hiện và định kỳ báo cáo kết quả thực hiện. Các địa phương đã quan tâm, chú trọng đầu tư, chất lượng các trường đạt chuẩn quốc gia ngày càng được nâng cao, quy mô mạng lưới trường, lớp được quy hoạch hợp lý, ổn định; cơ sở vật chất (CSVC), thiết bị dạy học được đầu tư theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa. Các nhà trường đã triển khai thực hiện đầy đủ, có chất lượng các hoạt động giáo dục và phong trào thi đua.
Trong báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch năm 2024 và kế hoạch phát triển KT-XH năm 2025 đã nêu: Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt 58.41%; trong đó MN 52.84%, TH 62.28%, THCS 58.43%, THPT 68.75%. Như vậy, tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia còn thấp so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra (tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia năm 2024 là 58,41%, trong khi đó chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội năm 2024 là 74,3%, năm 2025 là 81,2%.)
|
Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia còn thấp so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra. Đại biểu Trần Thị Thanh Phượng đã viện dẫn báo cáo của Sở GD-ĐT về những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân.
Trong đó, nguyên nhân cơ bản dẫn đến chưa đạt được mục tiêu đề ra là do để thực hiện đổi mới GD-ĐT, Bộ GD-ĐT đã ban hành Thông tư số 13 và 14/2020/TT-BGDĐT, ngày 26/5/2020 quy định tiêu chuẩn CSVC trường MN, TH, THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học có những yêu cầu cao hơn so với trước đây về số lượng phòng học bộ môn, khối phòng hỗ trợ học tập, khối phòng hành chính quản trị, số lượng bệ xí nhà vệ sinh học sinh, quỹ đất… trong khi nguồn vốn có hạn tại các địa phương nên không đáp ứng kịp thời theo quy định mới của Bộ GD-ĐT quy định tiêu chuẩn CSVC trường học.
Từ đó, dẫn đến nhiều trường đã quá thời hạn công nhận đạt chuẩn quốc gia nhưng không được đầu tư xây dựng đáp ứng với bộ tiêu chuẩn mới về tiêu chuẩn CSVC để được đánh giá công nhận lại. Tính đến hết tháng 9/2024, có 129/542 trường quá hạn chuẩn quốc gia, chiếm tỷ lệ 23,80%.
Tiến độ thi công công trình ở một số địa phương còn chậm, một số địa phương có trường học số lượng lớp tăng cao, một số trường lại có quy mô nhỏ so với quy định; một số địa phương quỹ đất hạn hẹp, không đủ diện tích để mở rộng khuôn viên, xây dựng các phòng học bộ môn, khối phòng chức năng; nhiều trường trong lộ trình sáp nhập nên phải lùi thời gian thực hiện, một số trường đã sáp nhập nên mất chuẩn. Do áp lực về tinh giản biên chế nên một số trường học tại các địa phương có số lượng học sinh/lớp vượt quá quy định.
Một số cán bộ cấp ủy, chính quyền địa phương và cán bộ quản lý giáo dục chưa xác định công tác xây dựng trường chuẩn là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục; chưa có giải pháp quyết liệt, hiệu quả để chỉ đạo, điều hành. Công tác xã hội hóa chưa được quan tâm đúng mức, một số địa phương có biểu hiện trông chờ vào nguồn đầu tư của nhà nước. Do đó, nguồn lực xã hội hóa mới chỉ đáp ứng được một phần nhỏ so với nhu cầu của các đơn vị.
|
Trước thực tế trên, để nâng cao số lượng và chất lượng trường đạt chuẩn quốc gia, đại biểu Trần Thị Thanh Phượng đề nghị ngành GD-ĐT cần phối hợp tốt với chính quyền các địa phương kịp thời tháo gỡ hiệu quả các tồn tại, hạn chế trong thực hiện công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia theo quy định mới của Bộ GD-ĐT.
Sở GD-ĐT và phòng GD-ĐT các huyện, thị xã, thành phố cần chỉ đạo, đôn đốc các trường học rà soát CSVC theo Thông tư số 13 và 14/2020/TT-BGDĐT của Bộ GD-ĐT về tiêu chuẩn CSVC trường học để xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia; kịp thời đề xuất các hạng mục bị xuống cấp hoặc còn thiếu lên các cấp để xin đầu tư xây dựng.
Đối với các địa phương, cần có sự vào cuộc, sự quan tâm đúng mức và đầu tư nghiêm túc của các địa phương cho công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia; cần tăng cường sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt hơn nữa của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và các ban, ngành, đoàn thể. Gắn mục tiêu xây dựng trường chuẩn quốc gia với mục tiêu xây dựng nông thôn mới.
Đại biểu Trần Thị Thanh Phượng cũng kiến nghị Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và các cơ quan, ban, ngành trong tỉnh tiếp tục quan tâm ưu tiên bố trí ngân sách đầu tư cho ngành GD-ĐT để xây dựng CSVC bảo đảm yêu cầu tối thiểu theo Thông tư số 13 và 14/2020/TT-BGDĐT của Bộ GD-ĐT về tiêu chuẩn CSVC trường học để xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia.
Giao đủ biên chế kịp thời theo sự phát triển quy mô trường, lớp của cho các nhà trường đáp ứng số lượng giáo viên dạy học theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, bảo đảm tỷ lệ giáo viên/lớp và học sinh/lớp theo đúng quy định của Bộ GD-ĐT.
Bùi Thành (thực hiện)
Nguồn: https://www.baoquangbinh.vn/giao-duc/202412/nang-cao-so-luong-chat-luong-truong-dat-chuan-quoc-gia-2222930/