(QBĐT) – Đó là ý kiến của đại biểu Ngô Thị Nhung, Tổ đại biểu huyện Quảng Ninh tại phiên thảo luận kỳ họp thứ 19, HĐND tỉnh khóa XVIII (kỳ họp thường lệ cuối năm 2024) diễn ra vào sáng 10/12.
Đánh giá về công tác chuyển đổi số (CĐS), đại biểu Ngô Thị Nhung nhấn mạnh: Năm 2024, tỉnh Quảng Bình đã đạt được một số kết quả nổi bật trong công tác CĐS, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế và cải cách hành chính. Hạ tầng viễn thông tiếp tục phát triển mạnh mẽ; 100% trung tâm xã, phường, thị trấn đã có kết nối cáp quang internet băng rộng; mạng 3G, 4G đã phủ sóng trên 97,7% khu vực dân cư, mạng 5G được triển khai tại 15 địa điểm ở TP. Đồng Hới; tỷ lệ hộ gia đình có kết nối internet băng rộng cáp quang đạt 72,2%.
Các nền tảng, hệ thống thông tin chính quyền số đã được xây dựng, nâng cấp và vận hành ổn định. Cổng dịch vụ công tỉnh cung cấp 964 dịch vụ công trực tuyến, với tỷ lệ hồ sơ trực tuyến đạt 76,2%. Hệ thống văn bản điện tử, quản lý công việc cũng được triển khai mạnh mẽ, giúp các cơ quan, đơn vị xử lý công việc nhanh chóng và hiệu quả. Tỷ lệ văn bản xử lý trên môi trường mạng tại cấp tỉnh đạt 99%, cấp huyện đạt 98%. Kinh tế số tiếp tục phát triển mạnh mẽ, tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số đạt 58,5%; 100% doanh nghiệp đã thực hiện nộp thuế điện tử, hỗ trợ tối đa cho việc quản lý thuế và giảm chi phí cho doanh nghiệp.
|
Cùng với các lĩnh vực kinh tế số khác, CĐS trong ngành Du lịch đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao sức hấp dẫn và hiệu quả quản lý du lịch tại Quảng Bình. Tỉnh đã đẩy mạnh ứng dụng, triển khai các phần mềm ứng dụng mới, như: Cổng thông tin du lịch thông minh, ứng dụng “Quang Binh Tourism”, ứng dụng trải nghiệm thực tế ảo “Quang Binh Tourism VR Tour” trên thiết bị di động. Các doanh nghiệp đã khai thác các nền tảng số như tiktok, facebook… để quảng bá sản phẩm du lịch. Chú trọng ứng dụng công nghệ để giới thiệu di sản thiên nhiên, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách và hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch chuyển đổi số, qua đó tăng cường sức cạnh tranh của du lịch Quảng Bình trên bản đồ quốc tế.
Đặc biệt là ra mắt ứng dụng bản đồ số du lịch Quảng Bình với các nội dung thuyết minh, hình ảnh, video trực quan, sinh động gắn liền với các điểm du lịch đặc trưng, tái hiện không gian 2D/3D chung quanh các điểm tham quan du lịch nhằm đưa đến những trải nghiệm tương tác mới lạ cho du khách, tăng cường sự kết nối giữa các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực du lịch, người dân và khách du lịch.
|
Theo đại biểu Ngô Thị Nhung, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác CĐS tại tỉnh ta vẫn đối mặt với một số thách thức, như: Hạ tầng viễn thông chưa đồng bộ, một bộ phận người dân, nhất là các hộ nghèo, hộ cận nghèo một số địa bàn khó khăn chưa có điều kiện sở hữu, sử dụng thiết bị máy tính, điện thoại thông minh và kết nối internet băng rộng để tiếp cận công nghệ, dịch vụ số, nâng cao kiến thức, kỹ năng số. Ứng dụng công nghệ số trong ngành Du lịch còn thiếu tính liên kết. Nhiều khu vực du lịch trọng điểm, đặc biệt là ở các vùng sâu, vùng xa, vẫn chưa được phủ sóng internet tốc độ cao, gây khó khăn cho việc triển khai các ứng dụng công nghệ thông minh và tiếp cận dịch vụ số của du khách.
Một số nền tảng hoặc ứng dụng số phục vụ du lịch chưa thực sự thân thiện với người dùng hoặc thiếu tính năng hữu ích, gây ảnh hưởng đến trải nghiệm du khách. Nhiều địa phương khác trong nước đã áp dụng CĐS mạnh mẽ trong du lịch, tạo nên áp lực cạnh tranh lớn đối với du lịch Quảng Bình trong việc thu hút du khách.
Hiện, thói quen của khách du lịch đã thay đổi, nhu cầu sử dụng sản phẩm và trải nghiệm điểm đến của du khách cũng thay đổi đáng kể, thì sự chuyển dịch trong thị trường du lịch ngày càng mạnh mẽ, quyết liệt hơn. Do đó, cần phải có sự chuyển dịch từ mô hình kinh doanh và tiếp thị dịch vụ du lịch nhằm tập trung vào nâng cao trải nghiệm khách du lịch, đưa điểm du lịch tới gần với du khách hơn. Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 cũng đã nêu rõ nhiệm vụ cần đẩy nhanh quá trình CĐS, hình thành và phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh.
Để thực hiện được các mục tiêu đã đề ra trong thực hiện đề án CĐS, đặc biệt là CĐS trong lĩnh vực du lịch. Đại biểu Ngô Thị Nhung đề xuất thêm một số giải pháp sau:
|
Thứ nhất, tăng cường công tác lãnh đạo và nâng cao nhận thức về CĐS; nâng cao nhận thức của người dân toàn xã hội về vai trò, ý nghĩa và lợi ích của CĐS. Các cơ quan, đơn vị cần gắn trách nhiệm người đứng đầu về hiệu quả CĐS trong công việc của cơ quan, đơn vị mình. Đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao nhận thức về CĐS cho các cấp, ngành, cán bộ, công chức, viên chức và cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Tổ chức các chương trình đào tạo kỹ năng số phù hợp cho từng nhóm đối tượng, đặc biệt tập trung vào người dân vùng sâu, vùng xa. Thúc đẩy sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hành động đồng bộ ở các cấp và sự tham gia của toàn dân bảo đảm sự thành công của CĐS.
Thứ hai, hoàn thiện cơ sở hạ tầng số trong du lịch, đẩy mạnh phủ sóng internet tốc độ cao tại các khu vực du lịch trọng điểm và vùng sâu, vùng xa để hỗ trợ cả du khách và hoạt động quản lý. Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nền tảng du lịch thông minh với các tính năng như chatbot tư vấn du lịch, bản đồ số, ứng dụng đặt phòng, đặt vé trực tuyến. Áp dụng AI để phân tích dữ liệu hành vi du khách, tối ưu hóa chiến lược quảng bá. Phát triển nội dung số, sản xuất video, hình ảnh và trải nghiệm thực tế ảo giới thiệu các điểm đến, quảng bá di sản Quảng Bình trên các nền tảng số.
Thứ ba, cập nhật kiến trúc công nghệ thông tin của tỉnh, bảo đảm tính đồng bộ và kết nối chia sẻ dữ liệu hiệu quả giữa các cơ quan, đơn vị trong tỉnh. Tập trung triển khai và khai thác có hiệu quả dự án đầu tư nâng cấp cổng thông tin du lịch tích hợp phân hệ quản lý nhà nước và số hóa điểm đến du lịch tỉnh với các nội dung, như: Nâng cấp cổng thông tin và App du lịch Quảng Bình tích hợp phân hệ quản lý nhà nước (thống kê lưu trú, số lượng khách tại các điểm du lịch, báo cáo thống kê trực tuyến…); số hóa dữ liệu các địa điểm du lịch trên địa bàn tỉnh, hệ thống quảng bá, giới thiệu du lịch điểm đến bằng công nghệ thực tế ảo VR3D/360; triển khai trợ lý du lịch ảo và thuyết minh tự động đa ngữ, ứng dụng công nghệ tương tác mã QR.
Tiếp tục rà soát, cập nhật để hoàn thiện dự án “Xây dựng tài liệu số về quảng bá du lịch tích hợp hệ sinh thái du lịch thông minh”; sửa đổi, bổ sung các nội dung mới lạ, hấp dẫn về du lịch Quảng Bình nhằm gia tăng sức hấp dẫn cho các sản phẩm du lịch, cải thiện hiệu quả quảng bá du lịch.
Thứ tư, kết nối các doanh nghiệp du lịch với sàn thương mại điện tử, tạo điều kiện để các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong ngành du lịch tiếp cận thị trường rộng lớn thông qua các nền tảng số. Tổ chức các khóa đào tạo kỹ năng số cho đội ngũ cán bộ quản lý du lịch và các doanh nghiệp lữ hành nhằm nâng cao năng lực khai thác nền tảng công nghệ.
Thứ năm, tăng cường hợp tác chặt chẽ giữa các đơn vị trong ngành Du lịch và ngành công nghệ thông tin để thiết kế giải pháp, mô hình công nghệ đáp ứng nhu cầu quản lý, kinh doanh du lịch.
Từ việc đề xuất các giải pháp trên, đại biểu Ngô Thị Nhung đề xuất HĐND, UBND tỉnh cần ban hành nghị quyết chuyên đề để thúc đẩy CĐS toàn diện, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch. Tăng cường giám sát việc thực hiện các chỉ tiêu chuyển đổi số tại các địa phương, bảo đảm tính minh bạch và hiệu quả trong triển khai chính sách.
UBND tỉnh đẩy mạnh việc hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin tại các khu vực khó khăn, ưu tiên các xã miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đẩy mạnh hợp tác công-tư để triển khai các dự án chuyển đổi số hiệu quả. Xây dựng cơ chế hỗ trợ tài chính và khen thưởng cho các tổ chức, cá nhân có sáng kiến xuất sắc trong CĐS.
CĐS không chỉ là xu thế tất yếu mà còn là giải pháp mang tính chiến lược. Với sự chỉ đạo quyết liệt của tỉnh, sự đồng lòng của các cấp, ngành và nhân dân, tôi tin tưởng rằng năm 2025, tỉnh nhà sẽ hoàn thành xuất sắc các mục tiêu đề ra, đại biểu Ngô Thị Nhung nhấn mạnh thêm.
Bùi Thành (thực hiện)
Nguồn: https://www.baoquangbinh.vn/kinh-te/202412/thuc-day-chuyen-doi-so-trong-phat-trien-du-lich-2222931/