Để bảo đảm nguồn nước không bị ô nhiễm, các phao xốp bằng được thay thế bằng các vật liệu nổi bền vững tại các công trình nổi trên vịnh; thực hiện quan trắc, giám sát định kỳ hàng quý hiện trạng môi trường nước tại 41 điểm quan trắc trên vịnh; đầu tư lắp đặt và vận hành 2 trạm quan trắc môi trường nước thải ven bờ tự động.
Ngoài ra, TP Hạ Long cũng đã thực hiện các dự án: Thành phố thông minh; Xây dựng bộ Quy chuẩn kỹ thuật môi trường của tỉnh Quảng Ninh, đưa vào một số chỉ tiêu môi trường riêng, phù hợp với hệ sinh thái, hoạt động đặc thù tại tỉnh Quảng Ninh và Vịnh Hạ Long. Tăng cường vai trò, trách nhiệm kiểm tra, giám sát và sự phối hợp giữa các địa phương, các ngành trong việc kiểm soát nguồn thải. Hầu hết các khu công nghiệp đều có hệ thống thu gom, xử lý nước thải trước khi thải ra môi trường.
Tỉnh cũng đã triển khai thực hiện Dự án thoát nước và xử lý nước thải sinh hoạt TP Hạ Long, đầu tư nâng cấp các hệ thống thu gom, xử lý nước thải tại các địa phương ven bờ Vịnh Hạ Long từng bước nâng cao tỷ lệ thu gom, xử lý nước thải khu đô thị tập trung ven bờ (Hạ Long, Cẩm Phả, Vân Đồn, Quảng Yên) hiện tại đạt 48%, phấn đấu đến năm 2025 đạt 65%, toàn bộ các đô thị trong khu vực vùng đệm di sản đều có hệ thống xử lý nước thải xả ra môi trường.
100% tàu du lịch hoạt động trên Vịnh Hạ Long đã lắp đặt thiết bị phân ly dầu nước, các tàu du lịch đóng mới trên Vịnh Hạ Long đều có hệ thống xử lý nước thải bảo đảm quy chuẩn. Triển khai dự án xử lý, giảm thiểu ô nhiễm nước thải tại các điểm tham quan trên Vịnh Hạ Long sử dụng công nghệ Jokaso, Uniship.
Thực hiện các giải pháp giảm thiểu rác thải nhựa tại khu di sản, triển khai hiệu quả Chương trình “Vịnh Hạ Long không rác thải nhựa” từ ngày 1/9/2019 với nội dung không sử dụng các sản phẩm từ nhựa dùng một lần trong các hoạt động dịch vụ, du lịch trên vịnh, đã giảm được 90% lượng rác thải nhựa dùng một lần phải thu gom tại các điểm tham quan trên vịnh, thay thế được 94% phao xốp trên các công trình nổi trên vịnh.
Toàn thành phố đã hình thành kết cấu hạ tầng đồng bộ, tạo diện mạo mới cho du lịch Hạ Long, làm tăng tính hấp dẫn của điểm đến Di sản Vịnh Hạ Long, đem đến những trải nghiệm tốt nhất và kéo dài thời gian tham quan của du khách khi đến đây.
Vịnh Hạ Long hiện có 502 tàu du lịch đăng ký hoạt động, trong đó có 323 tàu tham quan, 177 tàu lưu trú, 4 tàu nhà hàng và 7 du thuyền khám phá. Ngoài ra, trên Vịnh Hạ Long hiện có 590 kayak, 100 đò chèo tay, 31 xuồng cao tốc và 134 tender chuyển tải khách tham quan. Hoạt động của tàu du lịch và các dịch vụ du lịch được quản lý chặt chẽ. Năm 2018, Hạ Long áp dụng Bộ tiêu chí Nhãn sinh thái “Cánh buồm xanh” cho tàu du lịch trên vịnh để khuyến khích các tàu du lịch tuân thủ các tiêu chí về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ trên vịnh, từ chỗ phân tán, nhỏ lẻ, thiếu thủ tục pháp lý theo quy định, chất lượng dịch vụ chưa cao, đến năm 2016, các loại hình dịch vụ kayak, đò chèo tay, xuồng cao tốc được tổng rà soát, kiểm tra. Chất lượng dịch vụ của tàu du lịch và tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch trên vịnh được nâng lên.
Không ngừng mở rộng các sản phẩm du lịch đặc sắc, hiện Vịnh Hạ Long có 8 tuyến tham quan, du lịch và 5 cụm, điểm lưu trú nghỉ đêm. Các sản phẩm, dịch vụ du lịch trên vịnh gồm: tham quan hang động, ngắm cảnh; lưu trú nghỉ đêm; vui chơi giải trí, tắm biển; chèo kayak, chèo đò… Các dịch vụ du lịch trên Vịnh Hạ Long ngày càng được đa dạng hóa, hướng đến phát triển du lịch bền vững. Bên cạnh việc chú trọng nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch truyền thống như: tham quan hang động, tắm biển, chèo kayak, nghỉ đêm trên du thuyền…
Ông Vũ Kiên Cường, Trưởng Ban Quản lý Vịnh Hạ Long cho biết, hiện trên vịnh đã và đang phát triển thêm tuyến, điểm và sản phẩm, dịch vụ du lịch mới, thí dụ như đưa vào hoạt động thử nghiệm của du thuyền khám với 3 tuyến tham quan riêng; sản phẩm Phố đêm du thuyền; mở rộng sản phẩm du lịch dựa trên việc bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử văn hóa làng chài, văn hóa khảo cổ, đa dạng sinh học.
“Hiện một số di sản thiên nhiên, văn hóa thế giới như Italia, Tây Ban Nha phải đóng cửa do nguy cơ phá vỡ di sản. Chúng tôi cũng nhìn nhận điều đó với Vịnh Hạ Long. Vì thế, chúng tôi cũng học hỏi kinh nghiệm các nước không chạy theo số lượng khách du lịch một cách đông đúc để khai thác quá mức với di sản mà phải có đánh giá sức chịu đựng, sức tải của di sản xem chịu đựng đến mức độ nào, để từ đó phân tuyến du lịch hiệu quả, không tạo áp lực lên di sản, phá vỡ cảnh quan thiên nhiên hay những di chỉ khảo cổ”, ông Cường giãi bày.
Bên cạnh những giá trị văn hóa vật thể, vùng Vịnh Hạ Long còn chứa đựng những giá trị văn hóa phi vật thể độc đáo của cộng đồng ngư dân thủy cư từng sinh sống trên vịnh. Với cuộc sống đời nối đời gắn bó với biển, những người dân chài chất phác đã tự thích nghi và tìm ra cách ứng xử hài hòa với thiên nhiên bằng vốn tri thức dân gian phong phú của mình. Ngày nay, mặc dù đã di dời lên đất liền sinh sống nhưng những nét văn hóa độc đáo của cộng đồng ngư dân làng chài trên Vịnh Hạ Long như: phong tục tập quán, tín ngưỡng, lễ hội, phương thức kiếm sống… vẫn được gìn giữ, bảo tồn, phục dựng và phát huy, tạo thành sản phẩm du lịch độc đáo, góp phần làm nên đặc trưng riêng có của di sản thiên nhiên thế giới này.