(QBĐT) – Niềm tin là thứ vô hình, không dễ dàng có được, nhưng nó cũng rất mong manh. Đáng lo ngại hơn, khi ngày càng có nhiều mối quan hệ ruột thịt, tình mẫu tử thiêng liêng bị lung lay, phai nhạt.
1. Ngày phiên tòa phúc thẩm diễn ra, người mẹ (nguyên đơn) và vợ chồng người con trai (bị đơn) đều vắng mặt, luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của 2 bên đều đề nghị hội đồng xét xử (HĐXX) tạm ngừng phiên tòa để các đương sự tự hòa giải. Những tưởng, rồi đây mâu thuẫn giữa 2 mẹ con đã được hòa giải bởi tình mẫu tử thiêng liêng. Nhưng không, ngày hôm sau, phiên tòa vẫn diễn ra.
Anh Thuận, chị Lan đồng ý để mẹ được tiếp tục ở trong ngôi nhà mà anh chị đã xây trên thửa đất của mẹ. Anh chị cũng hứa sẽ có nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng mẹ cho đến khi mẹ qua đời. Tuy nhiên, bà Bảy vẫn nhất quyết không đồng ý. Bà yêu cầu anh Thuận, chị Lan phải trả lại toàn bộ thửa đất, để sau này bà muốn tặng cho ai là quyền của bà. Đến nước này, HĐXX đã phải giải quyết theo quy định của pháp luật.
Trước đó, tòa án cấp sơ thẩm đã không chấp nhận khởi kiện hủy hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất (QSDĐ) giữa bà Bảy và vợ chồng người con trai; đồng thời yêu cầu trả lại giấy chứng nhận QSDĐ cho bà. Không chấp nhận quyết định của tòa sơ thẩm, bà Bảy có đơn kháng cáo đòi lại đất.
Bà cho rằng vợ chồng con trai lừa dối, dụ dỗ bà ký vào các thủ tục để mượn “sổ đỏ” vay tiền ngân hàng, nhưng thực chất đó là thủ tục tặng cho QSDĐ. Sau khi làm thủ tục công chứng (bà không đọc mà chỉ ký vào các giấy tờ có sẵn), bà mới biết được đó là thủ tục cho tặng. Bà cũng đã có đơn gửi lên UBND xã trình bày sự việc vợ chồng con chiếm đoạt mảnh đất hương hỏa của ông bà để lại.
Ngược lại, vợ chồng anh Thuận cho rằng, mẹ đã làm thủ tục tặng cho vợ chồng anh toàn bộ QSDĐ. Sau khi được mẹ tặng cho, vợ chồng anh đã làm thủ tục xin cấp đổi giấy chứng nhận QSDĐ. Vợ chồng anh cũng đã thế chấp QSDĐ để vay tiền ngân hàng và xây dựng nhà. Tuy nhiên, ngôi nhà chưa kịp hoàn thành thì mẹ anh ngăn cản.
|
Sau khi xem xét hồ sơ, tài liệu, HĐXX cấp phúc thẩm cho rằng, tại thời điểm công chứng, bà Bảy hoàn toàn minh mẫn, đủ năng lực hành vi dân sự, tự nguyện đọc, ký tên vào phiếu yêu cầu công chứng và 3 bản hợp đồng tặng cho QSDĐ, hoàn toàn không có dấu hiệu bị ép buộc, bị đe dọa hay bị lừa dối như trình bày của bà. Bà cũng không có tài liệu, chứng cứ để chứng minh vợ chồng anh Thuận dụ dỗ, lừa dối bà khi thực hiện công chứng hợp đồng tặng QSDĐ.
Vì vậy, yêu cầu kháng cáo của bà không được HĐXX chấp nhận. Những tưởng câu chuyện đến đây kết thúc, nhưng gần cuối phiên xét xử, trên đà thắng lợi, vợ chồng anh Thuận yêu cầu HĐXX buộc mẹ mình tháo dỡ các vật cản, trả lại mặt bằng để anh tiếp tục hoàn thiện ngôi nhà.
2. Bà Thảo, người mẹ già hơn 80 tuổi trong vụ việc này cũng khăng khăng yêu cầu vợ chồng người con trai tháo dỡ toàn bộ tài sản trên đất của mình. Bà kể, trước đó, do thấy vợ chồng con trai làm ăn thua lỗ, cuộc sống gia đình khó khăn, không có chỗ ở, nên bà đã đồng ý cho vợ chồng anh Sâm, chị Phước về ở chung, với điều kiện phải chăm sóc và nuôi dưỡng bà lúc ốm đau, phụng dưỡng khi tuổi già. Gần 1 năm về chung sống, bỗng một ngày, anh Sâm yêu cầu bà làm thủ tục chuyển nhượng đất, nhưng bà không đồng ý. Từ đây, giữa bà và vợ chồng người con trai xảy ra mâu thuẫn.
Anh Sâm cho hay, sau khi lập gia đình, vợ chồng anh làm nhà ở riêng ở cùng thôn. Một thời gian sau, mẹ họp gia đình thống nhất giao nhà và đất cho vợ chồng anh. Để thuận lợi cho việc phụng dưỡng, chăm sóc mẹ, vợ chồng anh đã chuyển toàn bộ tài sản về xây dựng nhà ở bên cạnh. Gần đây, mẹ anh làm đơn đề nghị chính quyền địa phương không cho anh sống chung trên thửa đất và yêu cầu chuyển toàn bộ tài sản đi chỗ khác.
Anh Sâm còn tuyên bố, nếu mẹ mình vẫn quyết tâm đuổi anh đi thì phải tự tháo dỡ toàn bộ tài sản mà vợ chồng anh đã tạo lập chuyển đến nơi trước đây anh đã sinh sống. Không những thế, bà Thảo phải cắt một phần đất cho anh để bảo đảm sự công bằng với những người anh em trai khác. Trước đó, vụ việc đã được tòa sơ thẩm quyết định giao toàn bộ tài sản của vợ chồng anh Sâm cho bà Thảo sở hữu và bà Thảo phải trả lại cho anh Sâm số tiền hơn 250 triệu đồng. Không chấp nhận bản án, anh Sâm có đơn kháng cáo.
Trước HĐXX, bà Thảo rơm rớm nước mắt nói, lúc đầu bà có ý định tặng cho vợ chồng anh Sâm toàn bộ diện tích thửa đất. Tuy nhiên, vì vợ chồng con đối xử không tốt với bà nên bà phải đòi lại. Còn anh Sâm thì bảo, thời gian gần đây do mẹ nghe lời một số anh, chị em trong gia đình, nên gây khó khăn cho vợ chồng anh. Vợ chồng anh vẫn thương yêu và chưa hề có thái độ bất kính với mẹ. Việc mẹ thay đổi ý nguyện là do có sự tác động của người khác chứ không phải xuất phát từ suy nghĩ của mẹ. Tại phiên tòa, anh Sâm còn nhiều lần hạ giọng xin lỗi người mẹ; đồng thời hứa sẽ không cãi nhau và có trách nhiệm chăm sóc, phụng dưỡng mẹ khi tuổi cao, sức yếu. Kết thúc phiên tòa, HĐXX quyết định vợ chồng anh Sâm được tiếp tục sinh sống trên thửa đất của bà Thảo và có nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng bà Thảo theo đúng thỏa thuận.
Một vị luật sư cho biết, người ta thường bảo “luật sư nói ra” (tìm những lý do hợp lý để bảo vệ thân chủ của mình), nhưng với những vụ việc tranh chấp đất đai, tài sản giữa cha mẹ-con cái, anh chị em ruột trong gia đình, không ai nỡ lòng nào “nói ra”, mà đều muốn vun vén vào cho tình nghĩa máu thịt, huyết thống được trọn vẹn, êm ấm. Thế nhưng, tình thế “mỗi cây, mỗi hoa, mỗi nhà, mỗi cảnh” nhiều khi khó mà phân giải rạch ròi, nhất là khi niềm tin giữa 2 bên không còn.
Lê Thy
* Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi.
Nguồn: https://www.baoquangbinh.vn/phap-luat/202411/niem-tin-2222559/