Hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam và 35 năm Ngày hội quốc phòng toàn dân
(QBĐT) – Cựu chiến binh, đại tá Hà Văn Sỹ quê ở xã Tùng Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh. Ông vốn là người lính Trường Sơn năm xưa, chiến đấu và trưởng thành trên đất Quảng Bình khói lửa. Ông là tấm gương về liêm chính, bền bỉ với những việc nghĩa ở cuộc đời. Ông thường tự hào: “Tớ là rể Quảng Bình đấy”.
Người lính đường Trường Sơn huyền thoại
Hà Văn Sỹ sinh ra trong một gia đình nông dân, thuộc dòng họ có truyền thống văn hóa, khoa bảng, yêu nước và cách mạng. Năm 1962, ở độ tuổi 18, ông khoác ba lô lên đường nhập ngũ. Đó là những năm tháng “cả nước hành quân đi đánh giặc”.
Đầu năm 1966, ông được biên chế về Tiểu đoàn vận tải ô tô 90 thuộc Tổng cục Hậu cần, mang mật hiệu “Mũi tên xanh” với nhiệm vụ chở pháo hỏa tiễn ĐKB, thuốc nổ Hexogen và đạn cối 120mm vào chiến trường miền Nam. Từ đó, cuộc đời binh nghiệp gắn bó với tuyến đường chiến lược: Đường Trường Sơn-Hồ Chí Minh huyền thoại.
Hà Văn Sỹ và đơn vị có nhiệm vụ vận chuyển bảo đảm hàng hóa thiết yếu, vũ khí cho Đoàn 559-Bộ Tư lệnh Trường Sơn. Ông đã tham gia nhiều chiến dịch lớn, như: Mậu Thân năm 1968, Đường 9-Nam Lào năm 1971, Xuân-Hè năm 1972, Mùa Xuân năm 1975.
Từ người lính, Hà Văn Sỹ dần dần trưởng thành, được giao nhiệm vụ chỉ huy. Từ 1971, ông là Chính trị viên kiêm Bí thư Đảng ủy Tiểu đoàn ô tô vận tải (D30). Công việc phức tạp, địa bàn hoạt động rộng, hiểm trở, đặc biệt là sự thử thách giữa cái sống và cái chết, ông chia sẻ. Để vượt lên khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ, Hà Văn Sỹ luôn biết mang đến cho chiến sĩ trong đơn vị sự gần gũi, tình thương yêu và sự quan tâm chân tình. Nhờ đồng lòng, quyết tâm, hiệu xuất vận tải của tiểu đoàn luôn đạt 90% trở lên.
|
Đất nước thống nhất, Hà Văn Sỹ được Đảng, Nhà nước, Quân đội cho đi đào tạo và được giao nhiều trọng trách như lãnh đạo Trung đoàn Vận tải ô tô, Phó Cục trưởng kiêm Bí thư Đảng ủy Cục Xăng dầu (Tổng cục Hậu cần). Dù ở cương vị nào trong hoàn cảnh và điều kiện nào ông cũng mang hết tâm sức và trí tuệ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Ông luôn được cấp trên và cán bộ, chiến sĩ đơn vị quý trọng yêu mến và tin tưởng. Ông từng được tặng 3 Huân chương Chiến công các loại, nhiều phần thưởng khác và 3 lần được bầu là chiến sĩ thi đua của Tổng cục Hậu cần.
Là thương binh hạng 3, mỗi khi trái gió trở trời, vết thương cũ lại tái phát, thế nhưng, ông không cho phép mình nghỉ ngơi. Được Đảng bộ phường Phương Mai (Đống Đa, Hà Nội) tín nhiệm, Hà Văn Sỹ tham gia Đảng ủy phường, được phân công làm Trưởng ban Tuyên giáo, sau đó làm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường… Công việc cứ thế cuốn hút ông, cho đến ngày hôm nay, dẫu bây giờ đã bát thập.
Cuộc tìm kiếm hài cốt cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập
Năm 2024 này kỷ niệm 20 năm tìm ra hài cốt cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập. Tổng Bí thư Hà Huy Tập bị Pháp bắt năm 1938 tại Sài Gòn và 3 năm sau, ngày 28/8/1941, ông bị Pháp xử bắn tại Hóc Môn, Gia Định. Năm đó, ông mới tròn 35 tuổi.
Đại tá Hà Văn Sỹ, một hậu duệ của dòng họ Hà Việt Nam, tự hào vì đây là hoạt động có ý nghĩa nhất mà ông được tham gia. Theo ông Hà Văn Sỹ, tìm hài cốt của cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập không chỉ là mong muốn của Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh mà còn là nguyện vọng của con cháu họ Hà. Việc này được đặt ra từ năm 2001, 4 năm sau không có “manh mối” nào khả quan.
Năm 2005, lúc đã nghỉ hưu, tình cờ ông Hà Văn Sỹ gặp một người bạn vừa tìm được hài cốt người thân. Hy vọng được nhen lên. Ông và ông Hà Huy Lợi-một thành viên khác của gia tộc họ Hà bắt đầu vào TP. Hồ Chí Minh, tìm về Hóc Môn để lần theo những vết tích do lịch sử ghi lại.
“Việc đầu tiên của tôi khi tham gia vào việc lớn này là đọc lại lịch sử, tìm tư liệu. Phải nói là rất lờ mờ, dù quyết tâm rất cao”, ông tâm sự. Vừa đọc tài liệu, nghiên cứu lịch sử, vừa tìm đến sự trợ giúp của các nhà ngoại cảm, trong Nam, ngoài Bắc. “Đi lại rất nhiều, toàn tiền túi thôi, đi hết các nghĩa trang ở Hóc Môn, Củ Chi; tới 18 thôn vườn trầu. Tìm dân để hỏi về trường bắn nơi ông Hà Huy Tập và các đồng chí của mình bị Pháp tử hình…”, ông Hà Văn Sỹ kể lại.
Chuyến đi này được người dân tại xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn thông tin có một người đàn ông tên Chín Giỏi-người từng được bà ngoại kể cho nghe chuyện xử tử các chiến sĩ Nam Kỳ. Cả hai ông tìm đến tận nhà ông Chín Giỏi và nhờ ông dẫn đến Bến Tắm Ngựa (thuộc xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn), nơi chôn cất Tổng Bí thư Hà Huy Tập.
Nhờ sự giúp sức của những nhân chứng còn sống tại địa phương, kết hợp với thông tin của một số nhà ngoại cảm, nhất là nhà ngoại cảm ở Quảng Trị, đội tìm kiếm “khoanh vùng” được vị trí cần tìm nằm trong phần công trình phụ của một nhà dân.
Kết thúc đợt 1 giai đoạn tìm kiếm, Hà Văn Sỹ báo cáo với ông Nguyễn Thanh Bình, lúc đó là Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh. Cùng tham gia có GS.TS. Đào Vọng Đức, GS.TS. Phan Thị Phi Phi ở Viện Nghiên cứu tiềm năng con người. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh một mặt báo cáo với Trung ương, một mặt cử ông Đinh Việt, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy tham gia cùng gia tộc họ Hà, cấp giấy giới thiệu để làm việc với các cơ quan, ban, ngành ở TP. Hồ Chí Minh.
“Từ khi xác định được vị trí, chúng tôi đã trực tiếp làm việc với chính quyền xã, huyện và thuyết phục chủ nhà cho khai quật. Thời gian này, đội tìm kiếm nhận được rất nhiều sự hỗ trợ và giúp đỡ từ phía chính quyền địa phương và gia đình có phần đất được xác định có nhiều khả năng sẽ tìm thấy hài cốt cụ Hà Huy Tập”, ông Hà Văn Sỹ cho biết thêm.
Trong suốt thời gian tìm kiếm hài cốt cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập, đội tìm kiếm đã nhận được nhiều tình cảm, sự quan tâm, hỗ trợ và giúp đỡ hết sức nhiệt tình của chính quyền địa phương. Tất cả mọi việc đã sẵn sàng, chỉ chờ ngày bắt tay vào khai quật. Đội tìm kiếm của gia tộc họ Hà quyết định khai quật vào đúng ngày kỷ niệm Nam Kỳ khởi nghĩa.
Đúng 3 giờ 5 phút ngày 22/11/2009, sau khi đã làm lễ, thắp hương, đoàn tìm kiếm đưa máy xúc và bắt đầu đào trong chu vi khoảng 144m2, nơi được cho là “vị trí chính xác”. Ròng rã cả ngày trời, đến khoảng 19 giờ, khi đào xuống độ sâu 2,5m, thì phát hiện hài cốt. 1 giờ 30 phút ngày 23/11/2009, việc tìm kiếm hài cốt cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập kết thúc. Những người có mặt tại hiện trường đều bật khóc.
Sau các nghi lễ ở TP. Hồ Chí Minh, được Đảng và Nhà nước quan tâm, 17 giờ ngày 1/12/2009, chuyên cơ ATR72 của Vietnam Airlines đã chuyển hài cốt của cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập từ TP. Hồ Chí Minh về quê hương ông tại Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh), trong sự chờ đón trang nghiêm và thành kính của người dân nơi đây.
Vĩ thanh
Đại tá Hà Văn Sỹ sống giản dị, thanh liêm, luôn mang trong mình “bầu máu nóng” nhiệt huyết của anh “Bộ đội Cụ Hồ”. Gần 20 năm qua, dẫu được nghỉ hưu ông vẫn hoạt động không ngừng nghỉ, hướng tới cộng đồng. Với ông, đóng góp cho cuộc đời chính là sự trả ân, trả nghĩa.
Những năm tháng trên tuyến lửa Quảng Bình, Hà Văn Sỹ trưởng thành, từ người lính đến chỉ huy. Ông bảo: “Tớ được nhiều huân, huy chương, nhưng phần thưởng lớn nhất có lẽ là gặp được người bạn đời tào khang ở Quảng Bình”. Vợ ông, bà Nguyễn Thanh Vân (khai sinh Nguyễn Thị Vân), vốn là một cô gái làng ở xã Hiền Ninh (Quảng Ninh) sau này là cô giáo ở Tây Trường Sơn, trên đất bạn Lào. Tháng 11/1973, ông bà cưới nhau.
“Tớ vẫn không quên, trong hội trường nơi tổ chức đám cưới có câu khẩu hiệu: Vui duyên mới không quên nhiệm vụ”. Nói rồi ông cười, thơm như mây ngàn, gió núi.
Ngô Đức Hành
Nguồn: https://www.baoquangbinh.vn/van-hoa/202411/huong-toi-ky-niem-80-nam-ngay-thanh-lap-qdnd-viet-nam-va-35-nam-ngay-hoi-quoc-phong-toan-dan-mang-nang-an-nghia-quang-binh-2222432/