(QBĐT) – Gia đình, với vai trò là tế bào của xã hội, góp phần giữ gìn và lan tỏa những giá trị văn hóa, đạo đức cốt lõi. Nhận thức sâu sắc về điều này, tỉnh Quảng Bình đã xác định công tác gia đình là một nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược xây dựng đời sống văn hóa và phát triển xã hội bền vững. Tuy nhiên, quá trình thực hiện vẫn gặp phải không ít thách thức, đòi hỏi sự nỗ lực và sáng tạo để vượt qua những rào cản trước mắt.
Mạnh từ cơ sở
Được thành lập từ năm 2018, Câu lạc bộ (CLB) gia đình hạnh phúc thôn Phan Xá (xã Xuân Thủy, Lệ Thủy) trở thành điểm tựa tinh thần, góp phần xây dựng mối quan hệ gia đình tại địa phương thêm bền vững, gắn kết. Ngoài các hoạt động quyên góp, ủng hộ, chia sẻ khó khăn với nhiều đối tượng yếu thế trong xã hội, CLB trở thành địa chỉ tin cậy để các gia đình cùng sẻ chia, hỗ trợ nhau trong cuộc sống.
Chị Hoàng Thị Hương, Chủ nhiệm CLB chia sẻ: “Chúng tôi tổ chức nhiều buổi sinh hoạt với các chủ đề như kỹ năng làm cha mẹ, cách đối phó với xung đột gia đình. Các buổi họp mặt giúp các thành viên CLB hiểu rõ vai trò, tầm quan trọng của từng cá nhân trong gia đình, từ đó, thấu hiểu nhau, hạnh phúc và hòa thuận hơn”.
|
Công tác gia đình trên toàn tỉnh Quảng Bình trong những năm gần đây đã có những bước tiến vững chắc, nhờ vào sự phát triển từ cơ sở của các mô hình, CLB gia đình hạnh phúc. Theo số liệu từ Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, toàn tỉnh hiện có 240 mô hình, CLB “Xây dựng gia đình hạnh phúc”, “Nuôi con khỏe dạy con ngoan”, “Phòng, chống bạo lực gia đình”… Từ những hoạt động nhỏ lẻ, các CLB dần trở thành điểm tựa cho các thành viên gia đình và cộng đồng trong xây dựng gia đình văn hóa, nuôi dưỡng những giá trị truyền thống tốt đẹp.
Việc xây dựng mô hình gia đình kiểu mẫu “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền” trên địa bàn tỉnh cũng là một minh chứng cho sự phát triển từ cơ sở của công tác gia đình. Đây còn là nỗ lực thực tiễn nhằm thay đổi nhận thức, nâng cao trách nhiệm của mỗi thành viên trong gia đình đối với sự phát triển bền vững của cả cộng đồng. Với sự lan tỏa mạnh mẽ, đến nay, đã có 5 huyện và thành phố phát động thành công mô hình này, với tổng số 41 CLB gia đình kiểu mẫu được thành lập và hoạt động. Những CLB này trở thành một phần không thể thiếu trong việc xây dựng giá trị đạo đức, văn hóa truyền thống cho thế hệ trẻ, đồng thời tạo điều kiện cho các thành viên trong gia đình phát huy vai trò, trách nhiệm gìn giữ, bảo vệ hạnh phúc chung.
Đa dạng hình thức tuyên truyền
Năm 2024, công tác tuyên truyền về gia đình đã được đẩy mạnh với nhiều hình thức sinh động và đa dạng. Điểm nhấn đáng chú ý trong các hoạt động này là hội thi CLB gia đình hạnh phúc. Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao Mai Xuân Thành, hội thi không chỉ là sân chơi cho các gia đình giao lưu, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau mà còn là cơ hội tôn vinh các giá trị truyền thống của gia đình Việt Nam. Đồng thời, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng gia đình văn hóa trong thời đại mới, khi mà vai trò của gia đình ngày càng được đề cao trong sự phát triển xã hội.
|
Hiện, Sở Văn hóa-Thể thao cũng đang triển khai cuộc thi sáng tác kịch bản sân khấu tuyên truyền về hệ giá trị gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình. Đây là cơ hội để lựa chọn những kịch bản sân khấu có chất lượng nghệ thuật cao, phản ánh đúng thực tiễn, đồng thời giáo dục và nâng cao nhận thức của cộng đồng về vai trò và tầm quan trọng của gia đình trong thời kỳ mới. Những tác phẩm đạt giải sẽ là công cụ hữu hiệu trong việc tuyên truyền, hướng tới xây dựng hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam hiện đại.
Tại các trường học, công tác giáo dục về gia đình cũng được chú trọng. Diễn đàn trẻ em năm 2024 với chủ đề “Trẻ em với vấn đề phòng, chống bạo lực gia đình và xâm hại trẻ em” đã được tổ chức tại Trường THCS Đồng Lê (Tuyên Hóa) và THCS Trung Trạch (Bố Trạch). Thông qua diễn đàn, học sinh được trang bị kiến thức về Luật Trẻ em, quyền trẻ em, cùng các kỹ năng phòng, chống bạo lực và xâm hại. Các em cũng có cơ hội bày tỏ ý kiến, nguyện vọng của mình, qua đó bảo đảm quyền được sống và phát triển trong một môi trường an toàn, lành mạnh.
Nỗ lực tự thân
Mặc dù các mô hình từ cơ sở đã chứng minh được hiệu quả trong việc xây dựng gia đình hạnh phúc, văn minh nhưng việc mở rộng và nhân rộng các mô hình này vẫn đối mặt với nhiều trở ngại. Một phần do ngân sách hạn chế, phần khác do sự thiếu quyết liệt trong công tác chỉ đạo từ phía một số địa phương. Một số địa phương vẫn chưa thực sự nhận thức rõ tầm quan trọng của gia đình trong việc kiến tạo nên một xã hội văn minh, khiến cho các phong trào gia đình văn hóa không được triển khai đồng đều, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng thực hiện và kết quả đạt được. Các chương trình hỗ trợ và đầu tư cho công tác gia đình chưa thực sự có chiều sâu
|
Vấn đề bạo lực gia đình vẫn là một mối lo ngại lớn khi mà tình trạng bạo lực, đặc biệt là bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em, vẫn hiện hữu ở nhiều địa phương. Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết về việc đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông, không chỉ giới hạn ở các ban, ngành mà cần lan tỏa mạnh mẽ tới từng gia đình, tạo ra sự thay đổi từ bên trong. Các gia đình đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng một tổ ấm hạnh phúc, bền vững. Không ai khác, chính họ là những người tiên phong trong việc giữ gìn, bảo vệ những giá trị cốt lõi của gia đình và xã hội.
Diệu Hương
Nguồn: https://www.baoquangbinh.vn/van-hoa/202411/day-manh-truyen-thong-nhan-rong-mo-hinh-2222450/