(QBĐT) – Mái nhà tranh. Bếp lửa. Ngọn đèn. Đó là những gì tôi nhớ nhất về làng quê và gia đình thời xa xôi. Tôi tin nhiều người cũng mang trong mình nỗi nhớ như thế. Mái tranh đấy chính là quê hương. Diễn đạt như thơ của Trần Đăng Khoa thì Mái gianh ơi hỡi mái gianh/Ngấm bao mưa nắng mà thành quê hương. Tuy nhiên, quê hương còn có rất nhiều cái rộng lớn đi vào tâm hồn mình, với tôi thì Những cánh đồng van vát miền Trung/neo vào Trường Sơn để không trôi ra biển/như chúng con/neo vào mẹ để còn xứ sở…
Mẹ là quê hương, sự khởi đầu bình dị ấy lại gắn bó rất nhiều với bếp củi lửa bập bùng và ngọn đèn dầu đăm đăm. Những nguồn sáng có từ tổ tiên ông bà, dẫn tới cha mẹ rồi đến thế hệ chúng tôi, thắp lên những ân nghĩa ấm áp của cuộc đời. Trong ngôi nhà không rộng rãi mấy, khi màn đêm buông tỏa ngọn đèn dầu được thắp lên. So với ánh điện bây giờ thì ánh đèn dầu vô cùng yếu ớt, thế mà nó vẫn kiên nhẫn làm tròn phận sự soi sáng của mình. Tôi còn nhớ, quanh ngọn đèn dầu hỏa để trên bàn bố ngồi ghi chép cái gì đấy vào cuốn sổ nhỏ, mẹ vá may hoặc đan áo. Xa hơn, trong ánh sáng mờ mờ bà nội ngồi trên chiếc chõng tre bỏm bẻm nhai trầu. Dưới tấm chiếu cói trải trên nền nhà đất thằng em kề tôi và hai em gái đang chơi tam cúc. Chú mèo tam thể ngồi bên thỉnh thoảng ngước đôi mắt trong veo nhìn mấy đứa cười rúc rích rồi bất giác kêu meo meo.
Trước khi mọi người đi ngủ, ngọn đèn được vặn bé lại bằng hạt đỗ không còn đủ sáng ba gian nhà tranh nhưng cũng ngăn được sự chiếm lĩnh toàn phần của bóng tối. Ngọn đèn dầu như trái tim bé nhỏ của ngôi nhà nhỏ bé thức cùng tiếng ho khúc khắc của bà nội, tiếng trở mình của mẹ cha, tiếng nói mớ của trẻ con và tiếng chậc lưỡi “tiếc tiếc” của đôi thạch sùng trên vách đất. Giữa khuya khoắt tiếng côn trùng rỉ rả nghe càng rõ dưới bầu trời đêm thỉnh thoảng rơi xuống mấy tiếng vạc mơ hồ.
Gà gáy canh ba mẹ đã dậy, ngọn đèn được vặn to hơn một chút tỏa ánh sáng vàng hoe. Cầm chiếc đèn trên tay mẹ chậm rãi đi xuống bếp. Bước chân trên nền đất êm khẽ như chực hòa tan vào đâu đó. Chiếc kiềng ba chân chờ những cành củi khô gác vào và sau đó là một đóm lửa được đưa sang từ ngọn đèn của mẹ. Ngôi nhà ấm hơn khi bếp lửa đã bập bùng cùng với tiếng nước sôi lục bục, mùi khoai sắn luộc hay ngô rang nhè nhẹ tỏa ra. Mẹ đưa chiếc đèn trở về vị trí cũ trên mặt bàn, bố cũng đã dậy súc ấm pha trà. Một ngày mới được khởi đầu như thế, đơn sơ lắm ngỡ như chả có gì để kể.
Với tôi thì ngọn đèn dầu là khoảng sáng soi trang vở tuổi học trò. Tôi tập đánh vần, tập viết, tập vẽ, tập làm toán… rồi đọc sách, xem tranh trong ánh sáng của ngọn đèn dầu có mùi dầu hoi hoi đó. Trò chơi mỗi đêm của anh em tôi là dùng bàn tay tạo ra các hình như con chó há miệng sủa gâu gâu, con thỏ rung rung đôi tai, con chim giang cánh bay và nhờ ánh đèn soi bóng lên vách nhà. Ôi, trò chơi ấu thơ của chúng tôi là câu chuyện cổ tích vời vợi với lũ trẻ bây giờ. Cũng chẳng có gì ngạc nhiên cả, chúng đang sống trong thời đại “số hóa”, đứa trẻ lên hai đã biết đòi điện thoại thông minh rồi. Nhưng thôi, cứ để cho tôi được đi tiếp chặng ký ức của mình.
Chiến tranh lan rộng ra miền Bắc xã hội chủ nghĩa thì ngọn đèn dầu lại chui xuống những căn hầm chữ A (còn gọi là hầm kèo) sống với chúng tôi. Lửa đèn như mạch sống quê hương chẳng bao giờ bị lịm tắt dù chiến tranh tàn khốc đến bao nhiêu. Và, những hy vọng đẹp đẽ cũng được thắp lên từ đó. Trong đạn bom, chúng tôi hy vọng sẽ có ngày được sống trong hòa bình. Trong gian khổ, chúng tôi mong có ngày được ăn no, mặc ấm. Trong chật chội, chúng tôi mong có ngày được đi xa, bay cao. Với tôi, còn có điều này nữa, khi học cấp ba đã dám ao ước được có thơ in báo. Như ai đó đã nói nhỉ, ai cấm người lính binh nhì mơ trở thành đại tướng, thì tôi một người mê thơ mơ trở thành thi sĩ cũng chẳng có gì quá đáng. May mắn cho tôi điều đó đã sớm thành sự thật. Bài thơ đầu tiên của tôi in báo được viết ra bên ngọn đèn dầu. Đấy là bài thơ Mưa in trên tạp chí Văn nghệ Quảng Bình số 1 khi tôi mười bảy tuổi. Đi từ đâu đến mưa ơi/Mà sao bỗng mát đất trời chiều nay/Cây rừng nước xỏa gió lay/Con sông thêm nước, nhánh cây thêm mầm… Thật thà nhưng trong trẻo biết bao.
Sống trong thế giới “siêu phẳng” như hiện nay điều tôi mong nhất là cố giữ lòng mình được trong trẻo. Trong trẻo để được an nhiên. Mà đâu dễ khi cuộc sống hiện đại cứ cuốn con người ta vào dòng chảy ào ạt đôi khi đến mức dữ dội của nó. Thế giới thực và thế giới ảo đan xen nhau như trộn hòa làm một, khi cái đẹp thật và cái đẹp giả cũng khó phân biệt thì sự bình yên trong tâm hồn mỗi con người đã thực sự trở thành một mong mỏi khôn nguôi. Thời lửa đèn đã qua từ lâu và nhiều làng quê Việt Nam đã, đang trở thành nông thôn mới. Tôi nghĩ rằng, cái mới của nông thôn đâu chỉ là những công trình điện, đường, trường, trạm mà cốt lõi của nó phải xây dựng được những con người biết yêu thương và tôn trọng lẽ phải một cách căn cốt, bền vững nhất. Càng hiện đại càng phải biết giữ truyền thống. Bản sắc dân tộc chính là những giá trị truyền thống cốt lõi được hun đúc, bồi đắp từ mấy nghìn năm nay. Vẫn rất cần sự biết ơn Mạch đất ta dồi dào sức sống/Nên nhành cây cũng thắp sáng quê hương…(Lửa đèn-Phạm Tiến Duật).
Những chiếc đèn dầu nhìn chung đã làm tròn phận sự của nó nhưng chẳng bao giờ biến mất trong cuộc sống của người dân Việt. Tôi tin thế. Người Việt rất trọng ân nghĩa. Sống có trước, có sau là một tiêu chí để được coi là người tử tế. Nén hương, chén nước mồng một ngày rằm, Tết nhất mời tổ tiên ông bà và những người đã khuất về đoàn tụ với con cháu ở trần gian. Hai thế giới quây quần bên nhau trong đạo nghĩa uống nước nhớ nguồn muôn đời không cũ. Sống trong thế giới biết ơn và sống là để yêu thương. Tôi hằng tâm niệm lời Phật dạy, yêu thương vô tư rồi sẽ có tất cả.
Trong ánh điện chan hòa có chấm đèn dầu trên bàn thờ tổ tiên như là cách gọi về những xa xưa thăm thẳm. Cũng chẳng có gì rắc rối, nhiêu khê, cũ kỹ cả. Thắp lên ngọn đèn bên chén nước, đĩa trái cây, nén hương cũng bắt đầu ngan ngát, ta sẽ thấy lòng mình lắng lại. Và cứ thế, cứ thế những tham sân si vốn có sẵn ở con người cũng sẽ vợi dần đi cho tới lúc ta thấy lòng mình trong trẻo để rồi tràn ngập yêu thương. Hạnh phúc đến tự nhiên và giản dị khi ta nhận ra tài sản đáng giá nhất của cuộc đời chính là lòng yêu thương. Khi đã có yêu thương rồi thì chắc chắn không có giờ nào, ngày nào, tháng nào, năm nào là xấu xí cả. Từ quá khứ đến hiện tại rồi tương lai nữa nơi đáng sống chính là nơi con người biết yêu thương nhau. Điều này cũng vô cùng quen thuộc bởi từ lâu ông cha ta đã nhắc dạy rồi Thương người như thể thương thân. Chắc minh triết sống rất Việt này cũng được sinh ra bên một ngọn đèn dầu rất xa xôi nào đấy…
Nguyễn Hữu Quý
Nguồn: https://www.baoquangbinh.vn/van-hoa/202411/lua-den-2222320/