(QBĐT) – Tháng 10/2020, một bạn đồng nghiệp ở thủ đô vào cứu trợ, khi được chứng kiến hình ảnh thanh bình của những làng quê ven sông Gianh trong ánh nắng ngày cuối thu đã không thể tin được chỉ mới hôm qua, nơi này còn chìm trong cơn lũ dữ. Lúc đó, tôi đã tự hào kể cho bạn nghe rằng người Quảng Bình là vậy, chỉ cần ngưng gió, ngớt mưa, nhà nhà sẽ cắt cử nhau canh nước rút để dọn bùn, dù là nửa đêm hay sáng sớm.
Bình yên sau mưa lũ
Bởi sự can trường, chịu thương chịu khó đó nên ngay sau khi nước vừa rút, những ngôi nhà, vật dụng, vườn tược đã nhanh chóng được trả lại dáng vẻ bình yên ban đầu. Những dòng sông cũng như thấu hiểu lòng người, mới cuồn cuộn chảy trong gió mưa, đã lại bình thản xuôi về biển, chỉ làn nước là còn dấu tích của phù sa.
|
Và tháng 10/2024 cũng vậy. Khi đợt mưa lớn vừa dứt, dọc đôi bờ Kiến Giang, những chiếc máy bơm đã chạy hết công suất để “dội bùn”; lực lượng vũ trang, thanh niên tình nguyện và nhân dân khẩn trương dọn dẹp, xóa đi dấu tích của thiên tai. Vừa dọn dẹp, mọi người vừa tính toán “kịch bản đón tiếp” đợt mưa tiếp theo với tinh thần kiên cường, chủ động, chu đáo để bình an đi qua mưa lũ.
Đợt bão lụt khiến nhiều xã ở Lệ Thủy và Quảng Ninh ngập sâu. Bà con sơ tán tại nhà tránh lũ cộng đồng, trường học, trụ sở xã… Chủ động nguồn lương thực, mọi người cùng sẻ chia những bữa ăn ấm áp nghĩa tình. Cùng với thực hiện hiệu quả phương châm “4 tại chỗ”, bà con đã làm tốt “3 sẵn sàng” (phòng ngừa chủ động; ứng phó kịp thời; khắc phục khẩn trương, hiệu quả). Và bên hiên nhiều ngôi nhà, thuyền nhôm, áo phao… được neo đậu để sẵn sàng ứng phó với những diễn biến phức tạp, khó lường.
Đối với hệ thống hồ chứa thủy lợi, đợt mưa lụt vừa qua cũng khẳng định vai trò, hiệu quả. “Trước bão số 6, các hồ chứa được điều tiết về mực nước chết nhằm chủ động đón lũ. Trong đợt mưa, các hồ chứa đã phát huy tác dụng tích trữ nước, cắt, giảm lũ, không xả lũ bất thường gây mất an toàn cho vùng hạ du và người dân. Trước những diễn biến bất thường của thời tiết, hiện các địa phương, đơn vị vẫn tiếp tục điều tiết hồ chứa, chủ động các phương án ứng phó”, Giám đốc Sở Nông nghiệp-Phát triển nông thôn Trần Quốc Tuấn cho biết.
Biến áp lực thành động lực
Mưa lũ là một trong những thách thức đối với hoạt động du lịch. Sáng 3/11, khi mưa bắt đầu dịch chuyển từ Nam ra Bắc, Phong Nha Farmstay, một trong những điểm du lịch cộng đồng nổi bật tại khu vực Phong Nha-Kẻ Bàng khẩn trương thu dọn đồ đạc để tránh lũ vừa chia sẻ với du khách về thời tiết và những trải nghiệm độc đáo trong mùa lũ.
“Phong Nha Farmstay và nhiều cơ sở du lịch khác nằm cạnh sông Son và ở khu vực thấp trũng nên vẫn thường bị ảnh hưởng bởi mưa lũ. Với nhân viên và người dân bản địa thì cũng quen rồi nhưng để bảo đảm an toàn cho du khách và giúp họ có những trải nghiệm khác biệt trong dịp này là điều mà những người làm du lịch đều nỗ lực hướng tới. Tại Phong Nha Farmstay, chúng tôi luôn cố gắng bảo đảm an toàn cho du khách và có các hoạt động phù hợp. Sau mưa lũ, người dân khẩn trương khắc phục hậu quả nên cảnh quan cũng nhanh chóng được trả lại vẻ đẹp vốn có. Và rất nhiều du khách đã trở lại Phong Nha Farmstay vào bất kỳ mùa nào trong năm, kể cả mùa mưa lũ”, Giám đốc Phong Nha Farmstay Lê Thị Bích chia sẻ.
|
Nói về thành quả của việc thích ứng với thời tiết nói chung, mưa lũ nói riêng trong hoạt động du lịch, không thể không kể đến làng du lịch Tân Hóa với những ngôi nhà phao độc đáo, người dân thân thiện, trải nghiệm đặc biệt, được bình chọn là làng du lịch tốt nhất thế giới; là Chày Lập Farmstay với những căn hộ tiện nghi, an toàn trong mọi điều kiện và du khách có thể yên tâm chèo thuyền, thả lưới, bơi lội… Nhiều cơ sở du lịch khác ở Phong Nha-Kẻ Bàng cũng nỗ lực thích ứng, từng bước xây dựng thương hiệu du lịch Quảng Bình ngày càng bền vững với dấu ấn độc đáo.
Mùa xuân phía trước!
Xem bão lụt là một phần tất yếu và bình tĩnh ứng phó, thích nghi là tinh thần mà người Quảng Bình luôn sẵn có. Những năm gần đây, thiên tai phức tạp, khó lường hơn nhưng không vì thế mà thiếu sự chủ động. Ngược lại, sự đổi thay trong quy luật của thiên nhiên mang đến những bài học kinh nghiệm mới và tôi luyện thêm tinh thần kiên cường vốn có của người Quảng Bình.
“Tôi đang chuẩn bị trồng lại cây dược liệu và hoa Tết. Mưa lụt vất vả nhưng bù lại là phù sa, trước mắt, cây vụ đông và hoa Tết sẽ tươi tốt!”, Giám đốc HTX Nông nghiệp Dinh Trạm, xã Dương Thủy (Lệ Thủy) Vũ Như Kiều chia sẻ. Đó cũng là tinh thần, khí chất của người Lệ Thủy nói riêng, nhân dân Quảng Bình nói chung trước thiên tai. |
Những ngày này, vừa tiếp tục khắc phục hậu quả, nông dân cũng bắt tay chuẩn bị mùa vụ mới. Trưởng thôn An Xá, xã Lộc Thủy (Lệ Thủy) Trần Hữu Hùng cho biết, cùng với bồi đắp phù sa, mưa lụt là biện pháp tự nhiên để diệt chuột và một số sâu bệnh, bà con bớt đi một mối lo. Sau những vất vả, người nông dân cũng được bù đắp bằng những vụ mùa hiệu quả.
Đón chào những tia nắng đầu tiên sau bão số 6, các cơ sở kinh doanh du lịch ở Phong Nha-Kẻ Bàng hân hoan mời gọi du khách khám phá hang động, trải nghiệm cuộc sống đồng quê và con người thân thiện. Dubos Yves Jean, một hướng dẫn viên người Pháp, cũng là du khách, đã thường xuyên đồng hành cùng các đoàn khách nước ngoài về Phong Nha-Kẻ Bàng hiện đang có mặt tại đây. Với ông và các du khách, Quảng Bình luôn có những vẻ đẹp riêng biệt vào bất cứ mùa nào trong năm.
Còn anh Phạm Xuân Duệ, xã Cự Nẫm (Bố Trạch) cùng vợ con yên tâm trở lại cuộc sống bình thường. “Năm mô bão lụt cũng thử thách nên quen rồi. Không ai thích mưa lũ nhưng nếu đến thì mình tiếp thôi, sợ chi!”, anh Duệ cười hóm hỉnh.
Thiên nhiên dữ dội nhưng cũng đầy bao dung, luôn bù đắp cho những thiệt thòi, mất mát. Đi qua mưa lũ, bản lĩnh kiên cường, chịu khó của người Quảng Bình ngày càng được bồi đắp. Và hơn cả là những niềm hy vọng mới, về ngày mai!
Ngọc Mai
Nguồn: https://www.baoquangbinh.vn/xa-hoi/202411/di-qua-mua-lu-2222294/