(QBĐT) – Với niềm yêu thích bóng đá, 35 năm trước (vào tháng 7/1989), sau khi chia tách, trở lại địa giới hành chính cũ, tỉnh Quảng Bình nhanh chóng khôi phục phong trào bóng đá và hình thành đội bóng năng khiếu. Đây là “dấu son” ghi nhận sự nỗ lực của ngành Thể dục thể thao (TDTT) trong việc duy trì và phát triển môn thể thao “vua” để người dân rèn luyện sức khỏe và nâng cao đời sống tinh thần.
Nơi quy tụ những đam mê bóng đá
Tiết trời lập đông se lạnh, hồi ức về “đoạn đường” tái thiết phong trào bóng đá và những kỷ niệm về đội bóng năng khiếu sau những ngày tái lập tỉnh như nhen lên đốm lửa ấm áp. Ông Trương Văn Vui (SN 1955), nguyên Phó phòng Nghiệp vụ, Sở TDTT, huấn luyện viên trưởng, người nặng lòng với phong trào bóng đá Quảng Bình nhớ lại. Ngay khi tái lập tỉnh, trong điều kiện chung còn gặp nhiều khó khăn, lúc này, Sở TDTT ở tạm tại sân vận động Đồng Hới với đội ngũ cán bộ 12 người.
Với tinh thần vượt khó, vượt khổ, phát huy truyền thống quê hương “Hai giỏi”, ngành TDTT tỉnh đã nỗ lực xây dựng phong trào “Khỏe để xây dựng Quảng Bình giàu đẹp” bằng nhiều hoạt động thiết thực. Cùng với các bộ môn bơi lội, điền kinh, võ thuật, phong trào bóng đá được chú trọng tập luyện, sở tích cực tìm kiếm “ươm mầm”, đào tạo lớp vận động viên mới, hình thành đội bóng đá nghiệp dư, đồng thời xây dựng đội bóng năng khiếu…
Trong câu chuyện với chúng tôi, ông Vui chia sẻ, để lan tỏa phong trào bóng đá, vấn đề đầu tiên là phải có con người hiểu sâu về chuyên môn. May mắn thời điểm đó, Sở TDTT đã mời gọi được 3 “hạt giống nòng cốt” về giúp quê hương khơi dậy phong trào. Ông Vui được ví như thủ lĩnh bởi niềm đam mê bóng đá và kinh nghiệm làm công tác huấn luyện đội bóng đá Gia Lai-Kon Tum (đội từng đoạt chức vô địch giải A2 khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên), tiền thân của Câu lạc bộ bóng đá Hoàng Anh Gia Lai. Người thứ hai là ông Trần Văn Châu và người thứ ba là ông Trương Thanh Sơn, cả hai đã tốt nghiệp Trường năng khiếu TDTT, là cầu thủ đội bóng đá tỉnh Bình Trị Thiên.
|
Ông Vui kể: “Đầu năm 1990, trong một lần trò chuyện với ông Trần Sự, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình (giai đoạn 1989-1994), người rất thích bóng đá và ông đã cùng với lãnh đạo Sở TDTT đã đưa ra ý kiến thành lập đội bóng đá của tỉnh. Lắng nghe ý kiến tâm huyết của anh em, Chủ tịch UBND tỉnh lúc ấy chia sẻ, ông cũng ao ước Quảng Bình sớm có đội bóng đá. Tuy nhiên, do hoàn cảnh lúc bấy giờ, tỉnh còn nhiều thiếu thốn nên ông đã động viên, khuyến khích anh em làm công tác TDTT là trước mắt, chúng ta nên lan tỏa, nhân rộng phong trào tập luyện và thường xuyên tổ chức thi đấu bóng đá trong quần chúng nhân dân để tạo sân chơi cho những người yêu thích; qua đó tìm kiếm những người có năng khiếu bóng đá để thành lập đội tuyển…”.
Từ thời điểm đó, Sở TDTT đã tổ chức một sân chơi, quy tụ những người đam mê để thành lập đội bóng đá nghiệp dư của tỉnh. Buổi chiều hàng ngày, với tình yêu dành cho môn thể thao này, các cầu thủ không phân biệt tuổi tác, lĩnh vực công tác đã cùng nhau đến sân vận động TX. Đồng Hới để tập dưới sự huấn luyện của ông Trương Văn Vui và hai người “trợ lý” đầy tâm huyết. Nhiều cá nhân ở xa cũng không ngại quãng đường dài đã kiên trì đi xe đạp đến sớm để tập cùng đội. Đơn cử như anh Viên ở thị trấn Nông trường Việt Trung (Bố Trạch); cùng nhiều anh ở các địa phương, như: Lộc Ninh, Đồng Sơn (Đồng Hới)…
Song song với công tác tập luyện, đội bóng đá nghiệp dư này thường xuyên tham gia thi đấu với các đơn vị, địa phương trong và ngoài tỉnh, kể cả sang thi đấu giao lưu ở Lào. Đội hình với những trụ cột, như: Trần Văn Châu (đội trưởng), Trương Thanh Sơn (tiền vệ), Nguyễn Thanh Nam, Phan Thanh Minh, Ngô Trường Phúc, Hoàng Trọng Binh, Lê Thanh Hương… cùng nhiều cầu thủ khác đã thi đấu ấn tượng với nhiều trận bóng hay, hấp dẫn, lôi cuốn khán giả.
Đào tạo bóng đá trẻ
Sau khi chia tách tỉnh Bình Trị Thiên, cùng với việc duy trì đội bóng nghiệp dư để lan tỏa phong trào bóng đá, những người làm công tác TDTT ở tỉnh cũng luôn day dứt, trăn trở về việc đào tạo tài năng bóng đá. Cố Giám đốc Sở TDTT Lê Văn Trợ đã đặt ra kế hoạch “quyết không để tụt hậu, thua kém các tỉnh bạn”. Thực hiện chiến lược phát triển TDTT của tỉnh, tháng 3/1990, trên cương vị Giám đốc Sở TDTT, ông đã tham mưu UBND tỉnh có công văn về việc mở các lớp năng khiếu thể thao.
Tiếp đó, tháng 11/1991, Trung tâm TDTT tỉnh được thành lập, đây là điều kiện thuận lợi để phát triển các môn thể thao thế mạnh, môn thể thao được người dân địa phương yêu thích. Cũng trong khoảng thời gian này, đội bóng đá năng khiếu tỉnh được thành lập với số lượng từ 20-25 em do 3 “hạt giống nòng cốt” triển khai tập luyện.
Nhớ lại một thời “ăn ngủ cùng bóng đá”, ông Trương Thanh Sơn (SN 1969, ở phường Đồng Hải, TP. Đồng Hới) chia sẻ, sau một thời gian gắn bó với đội bóng Bình Trị Thiên, năm 1989, ông trở về quê hương để cùng với những người đồng đội phát triển phong trào bóng đá của địa phương. Một thời gian sau, vì lý do gia đình nên ông xin ra khỏi “biên chế” của ngành TDTT tỉnh để làm kinh tế. Tuy nhiên, với niềm đam mê trái bóng tròn, ông vẫn gắn bó và có nhiều cống hiến cho đội bóng đá năng khiếu của tỉnh.
|
Ông Sơn cho hay, lớp năng khiếu bóng đá tỉnh được tuyển chọn, bổ sung, đào tạo hàng năm. Lứa đầu tiên gồm có nhiều cầu thủ tiêu biểu, như: Lê Phú Sơn (hiện đang là Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao), Phạm Quang Long (hiện đang là Giám đốc Sở Tài chính)…; các lớp kế cận có Hà Nam Long (Trưởng phòng Nghiệp vụ, TDTT Sở Văn hóa-Thể thao), Dương Nhật Thu (Phó Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và thi đấu TDTT tỉnh), anh Chu Ngọc Huấn (Nhà Thiếu nhi tỉnh) và nhiều cầu thủ khác… Tham gia lớp năng khiếu bóng đá này, chủ yếu là các em học sinh cấp 3 và những em ở xa được tạo điều kiện học tập tại Trường THPT Đào Duy Từ hoặc Trường THPT Đồng Hới…
Hiệu quả từ việc tạo sân chơi đến công tác đào tạo cầu thủ trẻ, Sở TDTT đã lựa chọn những cầu thủ xuất sắc của 2 đội (năng khiếu và nghiệp dư) để thành lập đội bóng đá tỉnh tham gia thi đấu giải ở địa phương, khu vực và toàn quốc. Nhằm từng bước phát triển phong trào vừa tạo cơ hội thi đấu, tăng khả năng cọ xát, đúc rút kinh nghiệm cho cầu thủ, hàng năm vào tháng 5, Sở TDTT đều tổ chức giải bóng đá. Tham gia giải có khoảng 10 đội bóng đá của các huyện, thị và các ngành, trường học cùng tranh tài. Giải không chỉ diễn ra ở sân vận động Đồng Hới mà còn tổ chức trên sân cỏ ở các địa phương để khích lệ phong trào.
Đặc biệt, năm 1993, đội bóng đá tỉnh đã vượt qua vòng loại để vào thi đấu vòng chung kết giải các đội mạnh hạng B tại tỉnh Tiền Giang (để tranh lên hạng A2). Đội bóng đá tỉnh do các ông: Lê Văn Trợ làm trưởng đoàn, Trương Văn Vui, Huấn luyện viên trưởng cùng hơn 20 cầu thủ xuất sắc đã nỗ lực thi đấu 3 trận với các đội bóng đến từ tỉnh Quảng Ngãi, Tây Ninh và Xuân Lộc. Với đội hình đồng đều, cầu thủ đội bóng đá tỉnh thi đấu hiểu ý nhau, thực hiện ý đồ tấn công hiệu quả với những bàn thắng đẹp, phòng thủ chắc chắn đã tạo sự mến mộ của khán giả.
Cũng trong thời gian này, với sự động viên, khích lệ của ông Trần Bảy (người Quảng Bình), là Tổng Thư ký Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF nhiệm kỳ 2, 1993-1997), Trưởng bộ môn bóng đá Tổng cục TDTT Việt Nam (1989-1993), đội bóng đá năng khiếu tỉnh cũng thường xuyên tham gia giải các lứa tuổi. Sau đó một thời gian, vì nhiều lý do khách quan về kinh phí, nhân lực, đội bóng đá tỉnh dần dần bị mai một…
Hồi ức về đội bóng đá năng khiếu tỉnh để ghi nhận một thời vang bóng với những hạt nhân đam mê tập luyện, thi đấu nhằm lan tỏa phong trào. Đến bây giờ, với những người trong cuộc, họ vẫn tiếc nuối khi Quảng Bình có nhiều nhân tài bóng đá, là một trong những cái nôi sớm đào tạo bóng đá trẻ nhưng lại chưa có đội bóng đá chuyên nghiệp… bởi lực bất tòng tâm. |
Tân Bình
Nguồn: https://www.baoquangbinh.vn/the-thao/202411/hoi-uc-ve-doi-bong-da-nang-khieu-2222238/