(QBĐT) – 清河渡
波傾滄海入
水引碧峰來
今古如行客
江山往復回
Thanh Hà độ
Ba khuynh thương hải nhập
Thủy dẫn bích phong lai
Kim cổ như hành khách
Giang sơn vãng phục hồi
Nguyễn Văn Siêu
Dịch nghĩa: Qua Thanh Hà
Sóng nghiêng biển xanh mà trút vào,
Nước dẫn núi biếc cùng lùa tới.
Hành khách như xưa và nay
Giang sơn đi qua rồi đi lại.
Bản dịch thơ của Mai Văn Hoan
Sóng dâng nghiêng biển trút vào
Nước đưa núi đến lúc nào không hay
Bộ hành như xưa với nay
Giang sơn qua lại tháng ngày vòng quanh.
Tôi đã từng nghe danh Nguyễn Văn Siêu qua câu “Thần Siêu, thánh Quát” và “Văn như Siêu, Quát vô tiền Hán” được lưu truyền khá rộng rãi trong dân gian. Đây là cách nói cường điệu của công chúng yêu thơ nhằm ca ngợi tài văn chương hơn người của Nguyễn Văn Siêu và Cao Bá Quát. Gần đây, tìm đọc một số bài thơ chữ Hán trong Tuyển tập Văn thơ Nguyễn Văn Siêu (NXB Hà Nội, 2010, do PGS. Trần Lê Sáng chủ biên), tôi vô cùng xúc động khi bắt gặp bài Thanh Hà độ (Qua Thanh Hà).
Mới đọc tiêu đề 清河渡 (Thanh Hà độ-Qua Thanh Hà), tôi nửa tin, nửa ngờ. Có thể địa danh Thanh Hà ở một nơi nào đó trùng với tên làng Thanh Hà xưa của quê tôi chăng? Trong tập Bến cảng Linh Giang của Câu lạc bộ thơ xã Thanh Trạch, Bố Trạch (NXB Thuận Hóa, 2019) có trích đăng bản trường ca Đường quê của cụ Trương Xuân. Ngoài 70 tuổi, không may bị mù, cụ Xuân dùng dây thép, đóng đinh cố định từng hàng, rồi suốt ngày cặm cụi làm thơ kể chuyện quê hương để lại cho con cháu, bạn bè, làng xóm.
Mở đầu bản trường ca, cụ giới thiệu: Quê tôi xưa làng Thanh Hà/Có đường quan cũ, có phà sông Gianh. Sở dĩ cụ viết “Quê tôi xưa làng Thanh Hà” là vì sau 1975, xã Thanh Trạch đã xóa tên làng Thanh Hà, lập các thôn Tiền Phong, Quyết Thắng, Thanh Gianh… Những cái tên nghe rất kêu nhưng phần nào đánh mất đi nét văn hóa truyền thống của cha ông. Chẳng bù con em ở một số vùng, khi buộc lòng rời xa quê hương bản quán, họ gánh cả “tên xã, tên làng trong những chuyến di dân”.
Tên làng Thanh Hà có từ thời nhà Lý. Năm 1069, Lý Thường Kiệt chỉ huy đánh vào tận kinh thành Chăm-pa, buộc vua Chiêm dâng 3 châu: Bố Chính, Ma Linh, Địa Lý (gồm Quảng Bình, Quảng Trị ngày nay). Dân Thanh Hóa, Nghệ-Tĩnh được đưa vào đây khai phá lập ấp, lập làng. Thanh Hà có nghĩa là con sông trong xanh. Làng Thanh Hà nằm cuối bờ Nam dòng sông Gianh lịch sử. “Đường quan” là đường làm cho các quan đi công cán từ Bắc vào Nam, từ Nam ra Bắc. Các nhà thơ nổi tiếng như Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Nguyễn Văn Siêu… đã từng đi qua “đường quan” làng Thanh Hà.
Khi đọc câu thơ đầu trong bài Thanh Hà độ của Nguyễn Văn Siêu, tôi không còn nửa tin, nửa ngờ nữa. Lục một số tài liệu liên quan đến địa dư chí, tôi cố tìm nhưng không hề thấy cái làng nào mang tên Thanh Hà thứ hai nằm sát cửa biển cả. Nhà thơ Nguyễn Văn Siêu đứng gần cửa biển làng Thanh Hà quan sát và thấy: 波傾滄海入 (Ba khuynh thương hải nhập-Sóng dâng nghiêng biển trút vào). Phải là “thần Siêu” mới hạ bút viết được câu thơ thuộc loại “thần bút” như vậy. Thơ làm theo lối cổ (ngũ ngôn Đường luật) mà cách nói thì hết sức mới lạ, hết sức hiện đại. Đúng là chỉ có “sóng” mới “nghiêng” được biển. Cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng đều hay.
Đọc đến câu thứ hai: 水引碧峰來 (Thủy dẫn bích phong lai-Nước dẫn núi biếc cùng lùa tới) thì đúng là làng Thanh Hà quê tôi rồi! Ba mặt làng Thanh Hà đều có núi bao bọc. Núi ở vùng quê tôi lại rất nhiều khe: Nào là khe Nước, nào là khe Su, khe Đá Mài… nên sau này cả vùng đất xã Thanh Trạch còn được gọi là Thanh Khê (dòng khe trong xanh). Câu thơ “Nước dẫn núi biếc cùng lùa tới” cũng mới lạ và hiện đại không kém câu thơ mở đầu. “Nước” và “sóng” đều được nhân cách hóa, có sức mạnh như nhau. Từ làng Thanh Hà ngước nhìn lên phía Tây-Bắc núi rừng trùng trùng, điệp điệp.
Tiếng Hán cũng như tiếng Việt đều có những từ đồng âm dị nghĩa. Chỉ khác là chữ quốc ngữ viết giống nhau, đặt trong văn cảnh hoặc thêm bổ ngữ nghĩa mới khác nhau. Chẳng hạn: Đường sá, đường phèn, hoa hải đường… Còn chữ Hán, nghĩa của từ được phân biệt qua chữ viết. Chẳng hạn chữ 風 (phong) nghĩa là gió viết khác chữ 峰 (phong) nghĩa là đỉnh núi. Nếu dịch thơ chữ Hán mà chỉ dựa vào bản phiên âm rất dễ nhầm lẫn. Ở câu thơ thứ hai này, bác Lương Trọng Nhàn dịch thành “Nước dẫn gió xanh lùa tới ào” là đã biến “núi” trong nguyên tác thành “gió”. “Nước dẫn gió” vừa không đúng với nguyên tác vừa không hay bằng “nước dẫn núi” như trong nguyên tác.
Đến câu thứ 3: 今古如行客 (Kim cổ như hành khách-Hành khách như xưa và nay) thì đích thị là làng Thanh Hà quê tôi rồi! Như cụ Trương Xuân giới thiệu: Quê tôi xưa làng Thanh Hà/Có đường quan cũ, có phà sông Gianh. Các cụ cao niên trong làng Thanh Hà xưa cho biết, thời Pháp thuộc khách bộ hành qua lại trên “đường quan” khá đông, nhất là khi có bến phà Gianh. Từ năm 1963, bến phà Gianh mới được di dời lên chỗ cầu Gianh hiện nay. Cách nhà thơ Nguyễn Văn Siêu so sánh “xưa và nay như khách bộ hành”, có hơi khác lạ. Tôi phải suy luận mãi mới hiểu ra rằng: Khách bộ hành đi vào rồi đi ra, đi ra rồi đi vào cũng như hết thời xưa lại đến thời nay, hết thời nay lại đến thời xưa, hình thành một vòng tuần hoàn không ngừng nghỉ. Câu thơ có tầm khái quát rất rộng, rất cao và độ triết lý rất sâu. Đến câu kết, tác giả còn nâng tầm khái quát và độ triết lý rộng thêm, cao thêm, sâu thêm: 江山往復回 (Giang sơn vãng phục hồi-Giang sơn đi qua rồi đi lại). Lịch sử đất nước, lịch sử thế giới cũng có chu kỳ, không khác gì trái đất quay quanh mặt trời, mặt trăng quay quanh trái đất vậy!
Nhà thơ Nguyễn Văn Siêu ra làm quan từ năm 1838. Như vậy là bài Qua Thanh Hà có thể được ông sáng tác trong khoảng thời gian từ 1838-1854. Tính từ đó cho đến nay (2024) cũng đã ngót nghét gần 200 năm. Ở dưới suối vàng, chắc ông không ngờ gần 200 năm sau, có một kẻ hậu sinh người làng Thanh Hà, đang hì hục dịch bài Thanh Hà độ của ông sang thể lục bát và ngâm nga như một gã cuồng thơ: Sóng dâng nghiêng biển trút vào/Nước đưa núi đến lúc nào không hay/Bộ hành như xưa với nay/Giang sơn qua lại tháng ngày vòng quanh.
Mai Văn Hoan
Nguồn: https://www.baoquangbinh.vn/van-hoa/202411/ve-bai-tho-qua-thanh-ha-cua-nguyen-van-sieu-2222210/