(QBĐT) – Thương mại điện tử (TMĐT) đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hiện đại. Với sự phát triển của internet và thiết bị di động, việc mua bán hàng hóa trực. tuyến ngày càng phổ biến. Đối với các doanh nghiệp nhỏ, cơ sở sản xuất, kinh doanh (SXKD) ở Quảng Bình, đây là cơ hội tốt để tiếp cận thị trường rộng lớn hơn và tăng doanh thu.
Mặc dù đã lớn tuổi nhưng khi nhận được thông tin có lớp tập huấn về kỹ năng kinh doanh online trên nền tảng TMĐT được tổ chức tại TP. Đồng Hới, vợ chồng ông bà Trần Thị Hiên (56 tuổi), Đoàn Công Quyết (61 tuổi) vẫn thu xếp thời gian để tham dự.
Công ty TNHH Dịch vụ và thương mại Quyết Hiên của ông bà là đơn vị phân phối các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và kinh doanh đồ gia dụng ở huyện Lệ Thủy. “Vợ chồng tôi kinh doanh đã hơn 30 năm nay rồi, từ hộ buôn bán nhỏ phát triển lên thành công ty năm 2005. Xã hội ngày càng phát triển, mình cũng phải học hỏi để phát triển công ty, tạo công ăn việc làm cho nhân viên và gia đình họ (hiện công ty có 12 nhân viên, với thu nhập bình quân khoảng 10 triệu đồng/người/tháng). Chúng tôi muốn tiếp thu toàn bộ những kiến thức được truyền đạt, tiếp cận TMĐT, bởi mình không hội nhập sẽ bị tụt hậu…”, bà Hiên chia sẻ.
|
Đó cũng chính là lý do các lớp nâng cao kiến thức, kỹ năng về kinh doanh online trên nền tảng TMĐT do Sở Công thương tổ chức những năm gần đây luôn thu hút đông đảo học viên là các doanh nghiệp nhỏ, cơ sở SXKD và tiểu thương ở các chợ tới tham gia. Nhiều người đều thấy được, TMĐT đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hiện đại và hoạt động SXKD sẽ khó khăn, nếu không biết nắm bắt cơ hội này.
Nói về lợi thế của TMĐT, chị Vũ Thị Hoàn, Phó Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Anh Minh (Lệ Thủy) hiểu rõ hơn ai hết. Chị cho biết: “Doanh thu của chúng tôi hiện nay chủ yếu nhờ kinh doanh trên nền tảng online như facebook, shopee và thông qua các đại lý bán hàng online. Với các kênh bán hàng này, thị trường sản phẩm của HTX được mở rộng trên toàn quốc. HTX cũng đã mở gian hàng trên tiktok shop nhưng không duy trì được do chưa có nhân sự phụ trách.”
Quảng Bình hiện có 202 sản phẩm, bộ sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu (CNNTTB) cấp tỉnh; 43 sản phẩm, bộ sản phẩm CNNTTB cấp khu vực; 12 sản phẩm, bộ sản phẩm CNNTTB cấp quốc gia; 168 sản phẩm OCOP còn thời hạn (gồm 28 sản phẩm 4 sao, 140 sản phẩm OCOP 3 sao). Các cơ sở SXKD các sản phẩm này hầu hết ở quy mô nhỏ, nhân lực mỏng và nguồn lực có hạn. Bởi vậy, việc mở rộng, phát triển thị trường cho các sản phẩm này không dễ dàng, nếu chỉ dựa vào hình thức truyền thống.
|
Phó Giám đốc Sở Công thương Phan Hoài Nam cho biết: TMĐT là giải pháp giúp tiết kiệm thời gian, chi phí và nhân lực trong việc tiếp cận thị trường, quảng bá thương hiệu và bán hàng. Tiếp cận khách hàng tiềm năng thông qua các kênh online và hiểu rõ hơn về nhu cầu của khách hàng, từ đó, chủ các cơ sở SXKD đưa ra chiến lược xúc tiến thương mại hiệu quả hơn. Tuy nhiên, để tận dụng hiệu quả những cơ hội này, cá nhân, tổ chức SXKD cần trang bị cho mình những kỹ năng kinh doanh mới, phù hợp với xu hướng thời đại. Chính vì vậy, những năm gần đây, Sở Công thương đã tổ chức nhiều lớp tập huấn nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh, tiểu thương, từ đó thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại trên môi trường số. Ngoài những kiến thức nền tảng về TMĐT, chúng tôi hướng đến việc làm sao để hướng dẫn cho các học viên thực hành các kỹ năng để nhanh chóng áp dụng vào hoạt động kinh doanh tại mỗi đơn vị.
Theo bà Vũ Kim Oanh, Trưởng phòng TMĐT, Công ty TNHH Giải pháp phát triển doanh nghiệp iViet-Thành viên Hiệp hội TMĐT Việt Nam, TMĐT thực sự mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp nhỏ và hộ kinh doanh ở Quảng Bình, nơi có nhiều sản phẩm đặc trưng, từ nông sản đến thủ công mỹ nghệ. Khi truyền đạt ở Quảng Bình, bà thấy các học viên tham gia rất hào hứng, ham học hỏi và sẵn sàng thực hành trực tiếp. Qua trao đổi, cũng có thể thấy rõ tiềm năng nhưng cũng không ít những khó khăn mà các cơ sở ở Quảng Bình gặp phải khi tham gia kinh doanh online.
Chị Phạm Thị Hà đến từ HTX SXKD và dịch vụ Thắng Hà (xã Hải Phú, Bố Trạch) cho rằng: “Cái khó bây giờ là sản xuất thật, sản phẩm ngon, chất lượng nhưng nếu mình không tiếp cận được với khách hàng thì cũng như không. Kinh doanh hiện nay cực kỳ khó khăn nếu không tiếp cận được TMĐT. Tôi hy vọng Sở Công thương cũng như các cấp, ngành có liên quan quan tâm, tiếp tục tổ chức các lớp học bài bản, có chiều sâu hơn nữa để các doanh nghiệp, cơ sở SXKD nhỏ như chúng tôi có thể hiểu sâu, thành thạo kỹ năng kinh doanh online, từ đó đưa sản phẩm của mình vươn xa.”
|
Sự quan tâm, chủ động trong tiếp thu những kiến thức, kỹ năng kinh doanh trên nền tảng TMĐT cho thấy đã có sự thay đổi về nhận thức của các đơn vị về tính thiết yếu của giải pháp này trong thời điểm hiện tại. Song từ hiểu đến việc sử dụng thành thạo các kỹ năng nhằm phát huy hiệu quả của TMĐT trong hoạt động kinh doanh là còn cả một quá trình. Ngoài sự chủ động, tự nghiên cứu của mỗi tổ chức, cá nhân, cần có các khóa hướng dẫn bài bản, chuyên sâu hơn nữa, nhằm giúp các doanh nghiệp nhỏ thay đổi phương thức kinh doanh, tạo ra hiệu quả, tăng doanh thu, từ đó nâng tầm giá trị thương hiệu của các sản phẩm có xuất xứ từ Quảng Bình. Mặt khác, các vấn đề về pháp lý khi tham gia TMĐT cũng cần được phổ biến kịp thời đến các chủ doanh nghiệp, cơ sở SXKD để bảo đảm các hoạt động kinh doanh trên các nền tảng đúng quy định pháp luật.
Chị Vũ Thị Hoàn, Phó Giám đốc HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Anh Minh chia sẻ thêm: “Lâu nay, HTX chủ yếu tự mày mò, tự học là chính. Các cơ sở SXKD nhỏ như chúng tôi vẫn mong muốn tìm hiểu sâu về TMĐT để làm bài bản, chuyên nghiệp, hiệu quả hơn”. |
Hương Lê
Nguồn: https://www.baoquangbinh.vn/kinh-te/202411/tang-co-hoi-cho-cac-doanh-nghiep-nho-2222208/