(QBĐT) – Ở độ tuổi bảy mươi, nhiều cây bút đã “an thường thủ phận” với những quan niệm, bút pháp sở trường. Nhưng Nguyễn Tiến Nên không như vậy. Anh luôn tìm tòi, tiếp cận những xu hướng mới để làm đà cho “đôi cánh” sáng tạo của mình. Sự ra đời của tập thơ theo thể thơ mới 1-2-3 “Vụn và Lành”, Nhà xuất bản (NXB) Hội Nhà văn tháng 10/2024 là minh chứng.
1-2-3 &100
Thể thơ 1-2-3 do nhà thơ Phan Hoàng, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn khóa 10 (2020-2025) khởi xướng. Về hình thức, mỗi bài thơ là chỉnh thể độc lập gồm 3 đoạn, 6 câu. Đoạn 1 chỉ có 1 câu tối đa 11 chữ, đồng thời cũng là tên bài thơ, nhằm tránh trùng lặp tên những bài thơ đã xuất hiện. Đoạn 2 có 2 câu, mỗi câu tối đa 12 chữ. Còn đoạn 3 có 3 câu, mỗi câu tối đa 13 chữ. Chữ càng tinh lọc càng đa nghĩa càng giá trị.
Đề tài thơ 1-2-3 hoàn toàn tự do, nội dung chủ yếu đi từ ngoại cảnh dần vào chiều sâu nội tâm tác giả muốn biểu hiện. Đặc biệt khuyến khích tính độc lập từng câu thơ trong mối tương quan toàn bài, đồng thời giữa câu 1 và câu 6 có tính hô ứng để nội dung bài thơ chặt chẽ, thống nhất trong một không gian thẩm mỹ riêng biệt.
Với một bài thơ chỉ cho phép 6 câu, tối đa có 74 chữ (cả tựa đề), đòi hỏi người viết phải cô đọng chữ, nhưng phải truyền tải cảm xúc đầy đủ của một tứ thơ. Điều này là rất khó, không phải ai thử nghiệm cũng thành công. Nguyễn Tiến Nên đã tiếp cận thể thơ này từ cuối năm 2022 và anh đã sớm thành công với tặng thưởng “Thơ hay tháng 1/2023” do Diễn đàn thơ 1-2-3 bình chọn. Chỉ chưa đến hai năm, với 1-2-3, anh đã hoàn thành 100 bài thơ và cho ra mắt “Vụn và Lành”. Tôi phục anh!
|
Những câu thơ mọc đầy cánh sáng tạo
Nguyễn Tiến Nên bắt đầu “nghiệp” viết khi đã trung niên, khởi đầu là thơ ca truyền thống với nội dung tuyên truyền. Dù say mê nhưng đến tuổi trên 60, anh chưa có “chỗ đứng” trên văn đàn. Nhận thức được rằng, nếu không đào sâu học hỏi, đổi mới sáng tạo thì sẽ lạc hậu, anh bắt đầu “tầm sư học đạo” với thơ hậu hiện đại và gặt hái thành công với giải B, giải thưởng Văn học Nghệ thuật Lưu Trọng Lư của UBND tỉnh Quảng Bình cho tập thơ “Tái sinh”.
Không dừng lại, khi trào lưu thơ 1-2-3 rầm rộ trên các diễn đàn văn học, anh “nhảy” vào ngay. Nguyễn Tiến Nên tự bạch trong tác phẩm: “Vào cuối năm 2022, sau khi cảm nhận được cái hay, cái khéo, cái chặt chẽ… và mức độ lan tỏa của thể thơ 1-2-3… Tôi bắt đầu làm thử chùm thơ với 5 bài đầu tiên, được Văn Học Sài Gòn đăng tải. Từ đó tôi đã dành một thời lượng lớn cho việc sáng tác thể thơ này”. Nhà văn Hồ Sĩ Bình, Phó Giám đốc Chi nhánh NXB Hội Nhà văn tại Đà Nẵng cũng nhận định về “Vụn và Lành”: “Cứ tưởng đây là một thử nghiệm mới theo dòng thơ này, nhưng đọc hết toàn tập thơ mới nhận ra loại thơ 1-2-3 chính là vườn ươm tốt tươi sản sinh ra hoa trái xinh tươi, là dòng thơ phù hợp với tâm hồn thơ của Nguyễn Tiến Nên…”.
Tập thơ “Vụn và Lành” được kết cấu theo 3 chủ đề: Nhấm rượu cùng thế thái, Những tình khúc của loài chim biển, Với những hơi thở mọc rễ. Trong bài thơ chọn chữ làm tựa cho “Vụn và Lành” với cấu tứ và ngôn ngữ “cô đặc” anh viết: “Vụn và Lành đều hàm chứa nghĩa tự thân/Hai thuật ngữ không cùng chung bát đũa/Với thể thơ này Lành-Vụn sống chung mâm/Không như những mảnh vỡ khó gắn giữa đời thường/Với thi ca mọi nguyên lành phôi thai từ vỡ vụn/Mỗi sát-na 1-2-3 đóa hải đường trân quý tỏa hương”.
Trong quá trình đổi mới mình, đổi mới thơ, Nguyễn Tiến Nên đã có những lúc đau đầu chóng mặt với cái “tôi” của mình hỗn độn, bát nháo, vô định: “Nhìn đâu cũng thấy tôi và tôi và tôi/Những chuyển động hướng tâm li tâm bát nháo/Những xé giằng suýt biến tôi thành con quay vô định…” nhưng cuối cùng “Hình như trong quỹ đạo không là quỹ đạo ấy” anh đã nghe được “Tiếng chim gọi câu thơ mọc cánh và tôi tìm được chính mình” (Tôi đi giữa tôi và tôi và tôi). Cái “tôi” mà anh “tìm được” cũng chính là “đôi cánh” mà anh khẳng định trong bài “Không ít loài được sinh ra cùng đôi cánh” đó là những đôi cánh ước ao chao liệng nhưng phải biết “… Hót tiếng đồng loài/Và giọng của riêng tôi”.
Đó cũng chính là những câu thơ mọc cánh sáng tạo để tạo đà cho anh bay cao, bay xa đến với thế giới thi ca đầy mơ mộng nhưng rất nghiệt ngã. Để anh làm một “Người tài xế chỉ đưa vô-lăng về một lối/Giữa ngã rẽ cuộc đời ai cũng có quyền chọn một hướng đi”. Và khi đã chọn được hướng đi thì anh đã miệt mài đi và đúc rút cho thi ca: “Sau mỗi chuyến đi ta lợp lại mái nhà/Lợp lại những ẩm mốc rêu rong/Những sần sùi năm tháng…Lợp ngày mai bằng những áng thơ”.
Không phải đến bây giờ anh mới nhận ra thiên chức của thi sĩ, nhưng chính nhờ những “chuyến đi ” đó mà anh đã biết “lợp” thêm cho thiên chức. Anh mới có những câu thơ cô đọng đến ngạc nhiên “Thi nhân vừa ăn Tết vừa ăn chữ”. Cái thiên chức ấy anh tiếp tục khẳng khái trong bài thơ “Thi sĩ anh là ai” chẳng là ai cả, chỉ là: “Đàn ong thợ chuyên làm ra mật ngọt/Làm ra ngữ điệu quyền năng-hạnh phúc-khổ đau/Để đưa nhân loại lên cao hơn-gần nhau hơn…”. Anh nhận ra cái giá trị của văn học không bao giờ vơi cạn, nguội lạnh: “Chỉ cần một đốm lửa /Tất cả sẽ có dịp được hâm nóng…”. Đốm lửa đó do ai khơi lên? Đó chính là thi sĩ! Nhưng muốn làm được như vậy, anh phải biết “Mặc những cú boxing khủng khiếp” và phải biết “dị ứng với hô hào sáo rỗng…tham lam nhặt đắng đót cõi người/Gom cô đơn mệt nhoài thế thái…” để sinh nở thi ca!
Những cánh thơ tung bay khắp mọi miền Tổ quốc
Nếu cho rằng, thi sĩ chỉ cần có trí tưởng tượng và cảm xúc phong phú là có thể sinh ra thi ca, thì với Nguyễn Tiến Nên là nhầm. Để có 100 bài thơ trong “Vụn và Lành” anh đã “cùng em ta đi khắp địa cầu” theo nghĩa đen và nhận ra rất nhiều thứ “Chỉ có đất nước này. Nơi chúng mình may mắn sinh ra.”. Trên dải đất hình chữ S, mỗi nơi anh đi qua đều trở thành thi nhạc, quê hương: “Quê hương là đâu?/Nơi đường cày cha ta rốm muối trên đồng/Nhánh mạ mẹ trọc đầu chân ruộng/Húng hắng tiếng ho khuya/Chiếc cối xay trầu lăn lóc…”.
Quê hương đơn giản mà thiêng liêng như thế, bởi vậy những “cánh thơ” của anh cứ miệt mài rong ruổi. Chỉ cần “Đi qua phố chợ gặp người bán cua đồng” anh đã bị “Những nốt nhạc tuổi thơ dội về níu chân tôi khựng lại”, bởi hơi thở của Việt Nam luôn hiển hiện: “Bòng bọc cơm sôi vào mùa lễ hội… Chiếc mê nón chẳng trịa tròn chằm hăm vạt ruộng/Bát canh riêu ngọt môi hồng thơm huyết quản đời con”.
Nếu như khi đến nước bạn Singapore anh nhận ra: “Sự dư thừa cố hữu không bắt đầu từ giáo dục/Lòng tự giác và ý thức công dân”, thì khi trở về ngôi làng Chùa, quê hương nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, anh đã nhận ra tình yêu thi ca ở những người nông dân: “… Không có chữ không thể nào nhìn thấy đường để bước/Ngày ngày họ trồng cấy trên đồng/Đêm trồng cấy cùng mảnh ruộng trong giấc ngủ/Với họ, thơ ca là ngũ cốc trên cánh đồng người…”. Đây là những câu thơ “có cánh” của Nguyễn Tiến Nên.
Trong một bài viết ngắn, không thể nói hết những phẩm chất thi ca trong “Vụn và Lành”. Bởi mỗi bài thơ là một dấu ấn rất đậm nét suy tưởng, suy lý của con người, vùng đất mà anh đi qua. Từ cô lao công được anh nhìn như “những diễn viên thực thụ dưới ánh đèn vàng” ở phố thị, đến “Người nông dân rời yên ngựa, mười ngón tay ung dung/Nhảy nhót điệu đà…” trên đồng tỏi Lý Sơn, Quảng Ngãi. Từ những câu thơ hình tượng: “…Chân ngập bùn thơm bật lên phương ngữ/Huyền thoại mỗi rạch vàm trang tiểu thuyết Cà Mau”, đến xứ hoa Đà Lạt với những thi ảnh trong veo: “Sương mù thúc mầm khí trời hong sưởi/Thời gian hà hơi giúp hạt cựa mình/Xứ sở biết làm dịu lòng người bằng vô số sắc hương…”.
Vâng! Những cánh thơ Nguyễn Tiến Nên không nơi nào không đến. “Vụn và Lành” đã cho bạn đọc thưởng thức thể loại thơ 1-2-3 cô đọng, và muôn vàn thi ảnh sống động. Tuy nhiên, những cánh thơ ấy vẫn còn có những “vết lông” cần tỉa tót. Trong thi ca, sự lặp lại chính mình là “nguy hiểm”. “Vụn và Lành” tuy thể loại khác, nhưng đã lặp lại nhiều tứ thơ, ý thơ từng xuất bản. Bên cạnh đó, tác giả đã có quá nhiều lần đảo từ láy, ghép với mục đích làm mới, nhưng với tôi nó không mới, mà còn gây khó chịu, như: Xả xối, dáy dơ, nhụa nhầy, xở xoay, khổ kham…
Khép lại bài viết, tôi xin trích mấy câu trong bài thơ “Ta biết về đâu trong cuộc kiếm tìm bản ngã” để nhấn mạnh rằng, bản ngã Nguyễn Tiến Nên đã được sáng tỏ: “Là chim quý biết phân biệt ác điểu/Ong bướm tinh khôn tránh hút phải nhụy sầu…”.
Đỗ Thành Đồng
Nguồn: https://www.baoquangbinh.vn/van-hoa/202411/nguyen-tien-nen-va-nhung-cau-tho-moc-canh-2222106/