(QBĐT) – Với người dân quê tôi, bến sông bao đời gắn bó, thủy chung… Mọi người xuống bến sông mỗi ngày, người thì đi làm cá, người thì giặt giũ áo quần, người ngồi ngắm dòng nước đang ngang qua…
Trên bến sông, mẹ tôi ngày ngày giặt áo, gánh nước, gội đầu và tắm táp cho con. Cây lộc vừng đòng đòng trổ bông rơi xuống tóc nở những mùa thương nhớ. Những ngọn gió mùa đông bắc, gió Lào thốc vào bến quê, làn da mẹ thấm mùi bùn đất và gió. Tôi chạm vào da mẹ như chạm vào ngày giáp hạt giêng hai, bao cảm xúc dâng trào, vỡ ra tan như con sóng dưới bàn chân.
Với người dân quê tôi, bến quê thiêng liêng đến kỳ lạ! Từ khi sinh ra đứa trẻ đã nghe tiếng sóng vỗ, tuổi thơ ngọt ngào với những ngày hè tắm mát, sinh hoạt trên sông quê. Bến sông chứng kiến niềm vui, nỗi buồn của con người vào mùa nước lũ, bến sông là nhân chứng bao cuộc hò hẹn của những chàng trai cô gái đang tuổi xuân thì.
|
Dân làng tôi có thói quen dùng nước sông để uống, để tắm, để gột rửa bao bộn bề lo toan. Ngày ngày các mẹ, các chị quẩy gánh xuống sông lấy nước mang lên nhà để hãm những ấm chè xanh thơm ngát. Nước chè thơm lừng mùi sông tinh khiết, dịu hiền. Bến sông cứ ngày này qua ngày khác ghi chép kỷ niệm của bao người, bao thời.
Còn nhớ, cứ mỗi sáng, tôi xuống sông sớm. Bến sông bồng bềnh sương giăng, mẹ bảo, nước vào buổi sáng là sạch nhất, ngon nhất, uống vào thông minh, học giỏi. Mà có lẽ đúng thật, xóm nhỏ tôi được 30 hộ nhưng đã có 7 tiến sĩ khoa học. Tiến sĩ nào chẳng uống nước sông, tắm dưới bến sông và lớn lên cùng bến sông. Quê tôi, từ thời xa xưa đã có nếp, mỗi lần tiễn đưa người quá cố, người ta lại cúng bến. Các vị thần không biết có hay không nhưng đây là lời chào từ biệt của người đã khuất với bến nước, gốc đa. Ngày tiễn nội lên với núi rừng, tôi xuống bến sông lấy chén nước rấy lên quan tài của nội. Chắc nội vui lắm. Bởi nội và bến sông gắn bó với nhau hơn 1 thế kỷ… Trong văn khấn của người làng tôi có câu: “Trước từ tạ cây đa bến nước/Sau từ tạ làng xóm của ta/Người ra đi chẳng thể trở về/Dâng chén nước lòng đau tiễn biệt”.
Bến sông là nơi hợp hoan của tình làng, nghĩa xóm, nơi trổ hoa của bao thế hệ làng quê theo gió trôi đi giữa dòng đời bươn chải. Đứng giữa bến sông, tôi liên tưởng đến bến Vân Lâu “ai nhớ, ai câu, ai sầu, ai đợi” của xứ Huế đầm mưa. Ở đó có biết tao nhân, mặc khách chèo thuyền trên dòng Hương Giang, ngồi uống trà luận bàn đông tây, kim cổ. Bao nỗi buồn vẳng xa trong câu hò mái nhì, mái ba cùng điệu Nam Bình, Nam Ai da diết.
Bến quê không dài rộng và ồn ã bởi người quê hiền lành, chịu thương, chịu khó và nhẫn nại vượt qua bao mất mát do bão lũ thường xuyên ập đến. Có người hỏi tôi, nét đặc trưng của người quê bạn là gì. Tôi bảo, người quê chào đời bằng việc nghe tiếng sóng, lớn lên cùng bến sông và khi giã từ thế giới này người quê cũng đi trên sông nước để lên với rừng xanh có chim kêu, vượn hót. Bến quê là vẻ đẹp văn hóa của quê tôi. Đẹp trong từng con thuyền đi lại, đẹp trong từng bàn chân trắng hồng của những cô thiếu nữ, đẹp trong từng con cá, con tôm, đẹp trong những tiếng lồng cồng của người dân đánh bắt cá, đẹp trong tiếng hò reo cổ vũ bơi đua, đẹp trong mỗi lời tỏ tình của các chàng trai và cô gái.
Với tôi, bến sông không bao giờ bất động, nó chuyển dời trong tâm thức mỗi người. Giữa những lao xao của đời sống, bến quê lặng thinh, không nói, nó như đi giữa trong xanh, ẩn vào từng dòng nước, hòa vào hồn người thành những tiếng thở. Tiếng thở rộn rã, vui buồn, yêu, ghét tuyệt nhiên không bi quan, tuyệt vọng. Trong tâm khảm tôi, bến sông nhưng nhức kỷ niệm ngày hè rát bỏng cùng lũ bạn nhảy từ trên cây xuống mỗi lần đi tắm. Bến sông là giọt nước mắt trong bão của nội ngày mái nhà tranh bị tốc mái, bến sông lấp lánh giọt buồn của các cô thiếu nữ tuổi yêu đương.
Tôi thường nói với học sinh của mình rằng, bến sông là bến nguồn cội, bến yêu thương, bến đời, nếu một lúc nào đó con người mệt mỏi hãy tìm về bến sông sẽ hồi sinh giọt nhớ thương với tình yêu mặn ngọt. Nước dòng sông sẽ vỗ vào con tim, chảy vào huyết quản. Tôi tin rằng ai có bến quê sẽ như có mẹ ở bên, từ đó có điểm tựa, có an ủi, có chở che và những điều tốt đẹp sẽ mọc lên tươi tốt. Tất nhiên, bến quê không chỉ là vị ngọt. Ở đó có giận hờn, có khổ đau… Cuộc đời như bến sông, lúc êm đềm nước xanh trong, lúc buồn đau nước đục ngầu…
Trên đất nước ta có hàng ngàn con sông nhưng sinh hoạt người dân gắn liền với bến sông thì quê tôi đậm đặc văn hóa. Bến sông gắn liền với những nhọc nhằn và đắm đuối của người dân quê. Bến sông ẩn chìm nằm dọc con sông rồi hiển hiện giữa bao biến đổi thăng trầm của đời sống. Từ bến sông biết bao người thành đạt, hiển vinh đang ở phương xa và bao người cả đời đau đáu về làng quê nhưng chưa làm được gì nhiều cho người quê. Bến quê mãi còn đó. Cũng như mẹ là dòng sông, bến nước, một ngày không có mẹ đời con sẽ buồn đau.
Ngô Mậu Tình
Nguồn: https://www.baoquangbinh.vn/van-hoa/202410/ben-song-2221911/