(QBĐT) – Chúng tôi lớn lên từ những hạt lúa của các cánh đồng làng. Làng có các xóm. Các xóm của phường Nam Lý quê tôi ngày nay vốn ở trên các đồi đất thấp dần chạy dài từ Tây sang Đông, có các tên: Xóm Làng, xóm Nam Lớn, xóm Nam Nhỏ.
Hai bên các xóm là các xứ đồng được ông bà, bố mẹ chúng tôi trồng lúa, trồng khoai từ đời này sang đời khác. Các xứ đồng là nơi chăn trâu, cắt cỏ và cũng là sân chơi của lũ trẻ chúng tôi.
Lớn lên tôi đã quen nghe tên các xứ đồng. Phía Tây-Nam của làng có các xứ đồng hơi hẹp, nối tiếp chạy dài có những cái tên dân dã: Quai Mọ, Đồng Lời, Cộc Dài, Bắc Nam. Xứ đồng ở phía Đông rộng hơn nằm bên hữu ngạn sông Cầu Rào. Bên kia là các xứ đồng của làng Phú Ninh (phường Đồng Phú ngày nay).
Tên các xứ đồng phía Đông gắn với đặc điểm vùng đất: Sác Vàng, Sác Rộ ngay sát sông Cầu Rào là những xứ đồng vốn trước đây là các cánh rừng ngập mặn với những cây rừng đặc trưng của rừng ngập mặn bần, đước, sú, vẹt; sau được quai đê, cải tạo mà thành đồng ruộng. Cũng có các xứ đồng có tên gắn với những sự tích lịch sử, trong đó có Nền Điện, là nơi có điện thờ đức Khổng Tử (nay là khu 525, nơi có quần thể dịch vụ SAM, Sở Tư pháp, Sở Giáo dục và Đào tạo). Điện thờ này do cụ nghè (tiến sĩ) Nguyễn Lương Quy (1771-1776), ở thời chúa Võ Nguyễn Phúc Khoát dựng nên nhằm khuyến khích đức tính hiếu học và tinh thần khoa cử cho các dòng họ trong làng.
|
Tiến sĩ Nguyễn Lương Quy là con cháu họ Nguyễn Lương đời thứ 8 ở phường Bắc Lý và phường Nam Lý ngày nay. Ông đỗ đầu khoa chính đồ thi Hương năm 23 tuổi. Đỗ đại khoa năm 30 tuổi, làm nho học huấn đạo suốt 10 năm rồi đảm nhận các chức vụ: Tri phủ Khang Lộc, Tri phủ Tân Bình, Tri chế cáo Hàn lâm viện, Thủ hiến (chưa nhuận sắc), Chánh chủ khảo quan khoa thi tam trường…
Các ông bà kể lại hồi chống Pháp, các xứ đồng sát sông Cầu Rào, rừng rú rậm rạp có cả hổ, báo sinh sống. Ở xứ đồng Bắc Nam (phía Tây, gần Xí nghiệp gạch ngói Bắc Nam) có những cây gỗ to, người dân trong làng khai thác về làm cột, băng nhà.
Các xứ đồng này vốn được hình thành do bồi đắp từ phù sa từ các sông suối nguyên thủy hàng năm mà nên. Dấu tích điển hình của biển tiến và thủy triều vào sâu trong đất liền vẫn còn lưu giữ trong các tầng đất của các xứ đồng Côộc Dài, Đôồng Côộc… là các lớp sò điệp còn sáng và khá nguyên vẹn. Một số nơi của các xứ đồng này nước ngầm còn khá mặn.
Hạt gạo từ các xứ đồng phía Tây không ngon và đậm bằng hạt gạo ở các xứ đồng phía Đông-vốn là những nơi được thau chua, rửa mặn sau này của cư dân trồng lúa nước từ phía Bắc di cư vào, do đó đất các xứ đồng này vẫn còn lưu giữ một lượng muối và các khoáng chất của biển cả làm cơm gạo ở đây đậm đà hơn. Ở giữa các đồng lúa còn có những thửa đất cao rất phù hợp để trồng khoai vào vụ đông-xuân. Khoai lang trồng ở vùng Mũi Cối (nay thuộc khuôn viên của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh và một phần khuôn viên Trường đại học Quảng Bình) ngon nức tiếng. Hồi học cấp 3, bố mẹ tôi biếu gia đình bạn học của tôi là cán bộ nhà nước một ít khoai Mũi Cối. Bố mẹ bạn cứ tấm tắc mãi “chưa khi nào ăn khoai ngon như thế!”.
Hai lần chống chiến tranh phá hoại của Mỹ, không chỉ làng xóm quê tôi bị phá hoại, nhiều người bị bom đạn Mỹ sát hại mà các xứ đồng cũng chịu chung số phận. Cầu Rào, cây cầu bê tông bắc qua sông Cầu Rào (trên đường Trần Hưng Đạo ngày nay) là chiếc cầu quan trọng trên cung đường vận chuyển vũ khí từ cảng Nhật Lệ lên đường 15A (nay là đường Hồ Chí Minh) bị đánh phá ác liệt. Quả bom nổ ngay sát chân cầu phía Đông làm trụ và dầm đổ sập và để lại một hố bom lớn.
Quanh khu vực Cầu Rào trước những năm 1980 còn chi chít hố bom. Có những hố bom kép rộng, dài do nhiều quả bom thả xuống nổ gần nhau mà thành. Các hố bom được bọn trẻ chúng tôi đặt cho các cái tên khá hay: Hố bom Nhảy Chúi vì hố bom sâu, đứng trên bờ nhảy cắm đầu xuống nước mà không sợ chạm đáy; hố bom Chá Côộc ở giữa xứ đồng Chá Côộc; hố Sác Vàng ở giữa đồng Sác Vàng… Các hố bom Mỹ trở thành các hồ bơi tự nhiên của lũ trẻ chúng tôi và có rất nhiều cá tự nhiên ngon.
Sống nhờ lúa gạo, nhưng không ít mùa chịu cảnh thất bát. Hàng năm, chỉ có vụ đông-xuân là chắc ăn do nguồn nước ngọt đầy đủ. Nhưng vụ hè-thu lại bấp bênh, năm nào nhiều mưa có thu hoạch, năm hạn hán thì mất mùa. Các năm đó, nước sông Cầu Rào thấp, nhiễm mặn không tưới được cho các xứ đồng. Những năm đó, nhà nhà luôn phải ăn cơm độn sắn khoai, nhiều lúc phải ăn cháo cho qua bữa. Sau khi có công trình thủy lợi hồ Phú Vinh, nguồn nước tưới dồi dào, trồng lúa được hai vụ chắc ăn, đời sống người dân khá dần lên.
Hiện nay, các xứ đồng phía Đông đã nhường chỗ cho các khu dân cư, trụ sở các cơ quan, công viên… hình thành những khu đô thị đẹp nhất của thành phố trẻ Đồng Hới, nhưng những ký ức về các xứ đồng vẫn sống mãi trong ký ức của tuổi thơ tôi.
Nguyễn Lương Cương
Nguồn: https://www.baoquangbinh.vn/van-hoa/202410/ky-uc-nhung-xu-dong-lang-2221893/