(QBĐT) – Năm 1965, khi tôi mới học xong lớp 8 (tương đương với lớp 10 bây giờ) thì mẹ tôi mất vì bom đạn chiến tranh. Từ đó, hình ảnh mẹ luôn ám ảnh trong tâm thức của tôi. Hễ đọc được bài thơ nào hay viết về mẹ là tôi lặng lẽ chép vào sổ tay.
Tôi nhớ nằm lòng những câu: Cả đời đi gió đi sương/Bây giờ mẹ lại lần giường tập đi (Mẹ ốm-Trần Đăng Khoa); Mẹ ta không có yếm đào/nón mê thay nón quai thao đội đầu/rối ren tay bí tay bầu/váy nhuộm bùn, áo nhuộm nâu bốn mùa (Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa-Nguyễn Duy); Chiêm bao tan, nước mắt dầm dề/Con gọi mẹ một mình trong đêm vắng/Dù biết lời con chẳng thể nào vang vọng/Tới vuông đất Mẹ nằm lưng núi quê hương (Khóc giữa chiêm bao-Vương Trọng); Xin người hãy trở về quê/Một lần cuối… một lần về cuối thôi/Về thương lại bến sông trôi/Về buồn lại đã một thời tóc xanh (Bờ sông vẫn gió-Trúc Thông)…
Hình ảnh người mẹ vừa gần gũi, vừa thiêng liêng; vừa bình dị, vừa cao quý. Mỗi tác giả có những kỷ niệm riêng, tình cảm riêng, cách thể hiện riêng của mình về mẹ. Người mẹ của từng vùng quê qua các thời kỳ cũng có những nét tính cách, hoàn cảnh khác nhau. Quảng Bình là vùng đất “gió Lào, cát trắng”, “nước mặn, đồng chua”, “đói nghèo trong rơm rạ”; là vùng “đất lửa” trải qua bao biến động, thăng trầm. Nhà thơ Tố Hữu khái quát cuộc đời cơ cực của mẹ Suốt: Lớn đi ở bốn cửa người/Mười hai năm lẻ một thời xuân qua. Tượng đài bằng thơ: Ngẩng đầu mái tóc mẹ rung/Gió lay như sóng biển tung trắng bờ đã khắc sâu vào tâm khảm của bao thế hệ độc giả.
|
Quảng Bình vốn có truyền thống thơ ca. Các nhà thơ quê hương Quảng Bình cảm nhận một cách sâu sắc bao gian khổ, mất mát, hy sinh của những người mẹ. Hoàng Vũ Thuật có bài Hương trấu, với bốn câu mở đầu: Mẹ tôi nhóm trấu trong chiều/Khói xanh lên tận cánh diều ngày xưa/Gió lùa vạt áo phèn chua/Mẹ đi như thể sợi mưa qua đồng. “Mẹ đi như thể sợi mưa qua đồng”-một sự liên tưởng hết sức độc đáo. Hải Kỳ có bài Mẹ tôi, với lời hối hận muộn màng và niềm tiếc thương vô hạn: Đến khi tôi biết vâng lời/Chiến tranh đã khép mắt người buồn đau/Ở hiền sao chẳng sống lâu/Ngoài ba mươi tóc trên đầu đang xanh. Ngô Minh có bài Nhớ mạ: Nhớ mạ mỗi sớm mặt trời/thơm như miếng trầu đỏ thắm/con về tìm dấu cát xưa/gốc dừa mạ ngồi têm nắng… Bức tranh “gốc dừa mạ ngồi têm nắng” ấn tượng đến mức gần đây có tác giả “mượn” cách nói “têm nắng” của anh đưa vào thơ mình và nhận được rất nhiều lời khen.
Trong số những nhà thơ Quảng Bình đang sống xa quê, có hai tác giả viết khá nhiều về mẹ là Nguyễn Hữu Quý và Trần Quang Đạo. Khi xuất bản tập thơ Đừng kể công cho mẹ (NXB Hội Nhà văn, 2022), gồm 33 bài (ứng với tuổi 33 của mẹ), nhà thơ Nguyễn Hữu Quý tự bạch: “Tôi biết, đấy là những bài thơ tôi yêu bởi một lý do rất giản dị, đó là tình cảm chân thực của mình đối với mẹ”. Như mẹ tôi và mẹ Hải Kỳ, mẹ Nguyễn Hữu Quý cũng mất vì bom đạn. Trong bài Ký ức mẹ, anh ghi lại: Một đêm chiến tranh/nhì nhằng ánh chớp/Mẹ không đi hết/con đường vào ngõ nhà mình. Anh không sao quên được bóng hình của mẹ: Tiếng ho khan nghẹn ngào trong gió/bước chân vội vã vào sân/củi, khoai hai đầu kĩu kịt/đòn gánh tre ướt chỗ vai bầm…
Về thăm quê, ra nghĩa địa làng viếng mộ mẹ, Nguyễn Hữu Quý nghẹn ngào: Cúi đầu thắp mấy nén đau/ngậm ngùi thấm cõi dày sâu mấy tầng?/chiều sang/bóng ngả âm thầm/trắng hời gió cát dấu chân mẹ về (Thắp hương cho mẹ). Anh tâm sự: “Tôi không quên những đồng xu của mẹ cho mình thời thơ ấu. Đồng 5 xu lấp lánh ánh ngày ấy bị tôi vô tình đánh mất. Năm năm, mười năm, hai mươi năm… và có lẽ trọn cuộc đời tôi còn đi tìm đồng xu bé nhỏ đó.” Nguyễn Hữu Quý bồi hồi: Nhớ góc làng xưa rợp bóng tre xanh/một mái rạ bùi ngùi mưa nắng/đời mẹ khổ chỉ hai bàn tay trắng/lượm từng bông lúa ngấm mặt trời!… Cái đồng xu nhỏ bé bị đánh rơi/chưa kịp nói một lời an ủi mẹ/cái đồng xu vô tình như đứa trẻ/ham cỏ hoa quên cả lối về/Cái đồng xu nhỏ bé bị đất vùi/bao thập kỷ vẫn còn nằm đâu đó/để cho con dẫu không còn bé nhỏ/cứ lẩn thẩn đi tìm nhỏ bé một đồng xu (Đi tìm đồng xu nhỏ bé).
Chỉ tính riêng hai tập Bay trong mơ (NXB Hội Nhà văn, 2019) và Nhẫn trăng (NXB Hội Nhà văn, 2024), Trần Quang Đạo đã có gần chục bài thơ viết về mẹ: Ru mẹ, Bay trong mơ, Trên, Con về sau vụ gặt, Mẹ đi máy bay, Mấy lần con hẹn về thăm… Điều đó đã phần nào thể hiện được tình cảm sâu nặng của anh đối với người mẹ thân thương.
Khi Trần Quang Đạo bắt đầu quyết định tách khỏi “bầy đàn” để tìm cho mình một đường bay riêng, người đóng vai trò quan trọng nâng đỡ anh chính là mẹ: Tôi tập bay trong mơ/phía trước mẹ vừa bay vừa ngoái lại/khích lệ tôi/vẫy gọi tôi. Anh đã viết những vần thơ giản dị nhất, trìu mến nhất, lắng đọng nhất dành cho mẹ: Ngày xưa tay bế tay bồng/Mẹ ru con khúc nằm lòng đến nay/Giờ mẹ ở dưới đất dày/Con ngồi ru mẹ mà quay quắt buồn (Ru mẹ). Anh khẳng định như đinh đóng cột: Dù tôi không còn mẹ/nhưng mẹ ở trong tôi tháng tháng ngày ngày (Bay trong mơ).
Thời gian tiến hành xuất bản tập thơ Bay trong mơ, Trần Quang Đạo không may bị bạo bệnh phải nằm viện gần mấy tháng trời. Gần mấy tháng trời chống chọi với bạo bệnh, bên anh luôn có người thân, bạn bè chăm sóc, động viên, an ủi. Anh nghe văng vẳng: Đạo ơi, về ăn cơm… mẹ đã gọi từ thuở ấu thơ trong ngôi nhà vách đất (Gọi tên). Đúng vào những giây phút nghìn cân treo sợi tóc thì mẹ anh bất ngờ xuất hiện, như một thiên thần, như vị cứu tinh: Trên mạng nhện tôi nằm im/làm những câu thơ tạ trời đất/Mẹ bay đến cứu mình (Trên).
Mai Văn Hoan
Nguồn: https://www.baoquangbinh.vn/van-hoa/202410/cac-nha-tho-que-huong-quang-binh-viet-ve-me-2221811/