(QBĐT) – Phụ thuộc vào nguồn kinh phí “bao cấp” dường như đã là tư tưởng quen thuộc với nhiều đơn vị, từ đó, dẫn tới việc hạn chế sự sáng tạo, không dám mạnh dạn những thử nghiệm hay khích lệ sự đổi mới, tích cực, dám nghĩ, dám làm từ đội ngũ nhân lực…
1. Một đơn vị chuyên hoạt động về lĩnh vực văn hóa nọ hàng ngày đón nhiều lượt khách đến tham quan, thậm chí hàng năm đón hàng chục nghìn lượt khách… Hiện tại, đơn vị vẫn không thu vé tham quan mà vẫn đang miễn phí. Nhiều hoạt động trải nghiệm khá hấp dẫn, kỳ vọng sẽ thu hút nhiều khách tham quan, nhất là khách du lịch tại đơn vị này vẫn còn đang nằm trong kế hoạch vì thiếu nguồn kinh phí để triển khai.
Trên thực tế, ban giám đốc đơn vị vẫn còn ngại ngần không dám “bung” hết sức vì lo ngại nếu chuyển đổi cơ chế hoạt động, mức độ tự chủ cao hơn, giảm chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước thì sẽ không đủ khả năng để “gánh” các chi phí. Điều này khiến đơn vị chưa thể đáp ứng nhu cầu của khách tham quan, cũng như lãng phí năng lực, sức sáng tạo của đội ngũ nhân lực.
Đó là chưa kể đến việc chần chừ này sẽ làm cho hoạt động của đơn vị ngày càng kém hiệu quả hơn, khó theo tinh thần của Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.
2. Xã hội hóa các hoạt động văn học nghệ thuật (VHNT) là một tất yếu khách quan trong tiến trình đổi mới, hội nhập của đất nước, qua đó, góp phần kích thích tinh thần tự chủ, tiềm năng sáng tạo và huy động nguồn lực của toàn xã hội vào việc phát triển VHNT, đáp ứng hơn nữa nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của người dân và yêu cầu thực tiễn.
Thời gian qua, đã có một số hoạt động xã hội hóa trên lĩnh vực này được triển khai ở tỉnh ta với những thành công nhất định, mang lại sự kỳ vọng lớn cho nỗ lực này. Tuy nhiên, khi phóng viên đặt vấn đề phỏng vấn về nội dung trên, một lãnh đạo nọ lại từ chối khéo léo, hướng qua những nội dung khác, bởi lo lắng: Xã hội hóa mới manh nha triển khai tốt, “ngại” cấp trên biết được cắt giảm kinh phí thì làm thế nào(?!). Thêm nữa, một số mô hình xã hội hóa về VHNT đó vẫn ở mức độ bình thường, chưa cần phải quá quan tâm, nhân rộng…
3. Phụ thuộc vào nguồn kinh phí “bao cấp” dường như đã là tư tưởng quen thuộc với nhiều đơn vị, từ đó, dẫn tới việc hạn chế sự sáng tạo, không dám mạnh dạn những thử nghiệm hay khích lệ sự đổi mới, tích cực, dám nghĩ, dám làm từ đội ngũ nhân lực. Thậm chí, vẫn còn có suy nghĩ lo ngại khi nhìn thấy cái mới phát huy hiệu quả, khẳng định tính đúng đắn.
Ngày 22/9/2021, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 14-KL/TW về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Tại Quảng Bình, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Vũ Đại Thắng cũng đã ký ban hành Công văn số 262-CV/TU về việc tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện Kết luận số 14-KL/TW, ngày 22/9/2021 của Bộ Chính trị. Trong đó nêu rõ, xuất phát từ yêu cầu, đòi hỏi cấp thiết của thực tiễn; trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, khuyến khích cán bộ có tư duy sáng tạo, cách làm đột phá, tháo gỡ, giải quyết những điểm nghẽn, nút thắt trong cơ chế, chính sách, tập trung vào những vấn đề chưa được quy định hoặc đã có quy định nhưng không phù hợp với thực tiễn, mang lại giá trị, hiệu quả thiết thực, tạo được chuyển biến mạnh mẽ, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của đất nước, của tỉnh, địa phương, cơ quan, đơn vị.
Vì vậy, đã đến lúc, không thể chờ đợi…
Quảng Hạ