(QBĐT) – Với mong muốn “nâng tầm” sản phẩm bánh tráng truyền thống, anh Phạm Thế Quyền ở thị trấn Quán Hàu (Quảng Ninh) đã mạnh dạn đầu tư máy móc hiện đại vào quy trình sản xuất. Sau gần 3 năm tạo dựng, thương hiệu bánh tráng Trang Ngọc Linh được đông đảo khách hàng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng bởi hương vị thơm ngon, khác biệt.
Bánh tráng gắn mã QR
Cơ sở sản xuất bánh tráng Trang Ngọc Linh nằm tại cụm công nghiệp thị trấn Quán Hàu. Với diện tích 1.600 mét vuông, cơ sở làm bánh được quy hoạch bài bản với các khu vực riêng biệt, như: Khu vực phơi, sản xuất, kho bãi…
Ngày nào cũng vậy, cứ 4 giờ sáng là cơ sở này lại sáng đèn, mọi người bắt đầu công việc của một ngày mới. Tất cả các công đoạn sản xuất từ xay bột, pha chế bột, tráng bánh, hấp, nướng đều được thực hiện bằng máy. Với công nghệ sản xuất hiện đại, mỗi ngày cơ sở làm ra hơn 10.000 bánh tráng.
Trước khi “bén duyên” với nghề làm bánh, anh Quyền đã có gần 30 năm làm thợ mộc. Do sự thay đổi của kinh tế thị trường, nhu cầu khách hàng ngày càng ít nên anh đã quyết định chuyển nghề. Nghĩ là làm, đầu năm 2021 sau khi tìm hiểu thị trường, nguồn lao động, anh quyết định thuê đất mở xưởng sản xuất bánh tráng. Với số vốn tích cóp được sau nhiều năm làm nghề, anh Quyền đã đầu tư xây dựng nhà xưởng, mua sắm trang thiết bị phục vụ sản xuất với kinh phí hơn 2,1 tỷ đồng.
|
Theo anh Quyền, những ngày đầu bắt tay vào hoạt động, cơ sở gặp khá nhiều khó khăn. Từ một người chưa có kinh nghiệm, anh phải vừa học, vừa làm. Mẻ bánh này làm ra không đạt chuẩn, anh lại rút kinh nghiệm để làm lại mẻ bánh khác. Có những lúc, phải làm đi làm lại rất nhiều lần mới có được một mẻ bánh hoàn thiện. Bên cạnh đó, khi xưởng sản xuất dần đi vào ổn định thì lại gặp khó trong khâu tiêu thụ vì ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Nhưng với sự nỗ lực không ngừng, cơ sở sản xuất bánh tráng Trang Ngọc Linh đã vượt qua khó khăn và dần có chỗ đứng trên thị trường. “Dù làm bằng máy móc, quy trình hiện đại nhưng những chiếc bánh tráng ở cơ sở sản xuất của gia đình tôi vẫn giữ được hương vị thơm ngon và mùi vị đặc trưng. Bí quyết nằm ở việc lựa chọn nguyên liệu và công thức pha chế trước khi tráng bánh. Bánh làm ra, sau một tuần mới nướng là ngon nhất. Đặc biệt là bánh phơi được nắng thì khi nướng sẽ thơm và giòn hơn”, anh Quyền chia sẻ.
Để nâng cao chất lượng cũng như quảng bá sản phẩm bánh tráng Trang Ngọc Linh đến người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh, cơ sở đã hoàn thiện đầy đủ các quy trình về đăng ký bao bì, nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc… và hiện đang trong quá trình hoàn tất thủ tục đăng ký mã vạch. “Trước đây tôi nghĩ, chỉ cần sản phẩm có chất lượng thì sẽ được người tiêu dùng đón nhận. Nhưng càng tiếp cận thị trường, tôi lại nhận ra là bên cạnh giữ vững chất lượng, mình cần phải có những thay đổi về hình thức để sản phẩm bắt mắt hơn, chuyên nghiệp hơn. Sản phẩm có mã QR, khách hàng có thể dùng điện thoại để truy xuất nguồn gốc. Khi khách hàng cảm thấy yên tâm về chất lượng thì chắc chắn sẽ tin dùng”, anh Quyền cho hay.
Hướng tới thị trường lớn
Để sản xuất bền vững và hiệu quả, cơ sở sản xuất bánh tráng Trang Ngọc Linh luôn đặt chất lượng sản phẩm lên hàng đầu nhằm bảo đảm thương hiệu và uy tín của sản phẩm. Quá trình sản xuất hoàn toàn bằng máy nên sản phẩm làm ra không chỉ đẹp hơn về mẫu mã mà còn bảo đảm an toàn thực phẩm.
|
Hiện tại, cơ sở đang duy trì sản xuất hai loại bánh là bánh tráng dừa và bánh tráng mè. Với giá bán sỉ từ 1.800-2.000 đồng/cái (tùy loại bánh), mỗi năm, cơ sở bán ra thị trường hơn 1 triệu bánh tráng, cho thu nhập ổn định hơn 2 tỷ đồng. Không chỉ đem lại thu nhập cho gia đình, cơ sở còn tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động trên địa bàn với mức thu nhập bình quân 4,5 triệu đồng/người/tháng.
Để thị trường ngày càng được mở rộng, không chỉ tập trung vào khâu nâng cao chất lượng sản phẩm, anh Quyền còn chú trọng tiếp thị, tiếp cận thị hiếu của người tiêu dùng. Cơ sở cũng tích cực tham gia các hội chợ, các điểm kết nối tiêu thụ nông sản để quảng bá sản phẩm, tìm kiếm bạn hàng.
“Cơ sở sản xuất bánh tráng Trang Ngọc Linh là một trong những mô hình tiểu thủ công nghiệp được địa phương đánh giá cao về hiệu quả trong thu nhập và giải quyết việc làm cho lao động. Chính quyền địa phương đã tạo điều kiện để cơ sở tham gia chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, đồng thời, hỗ trợ trong quá trình triển khai thực hiện. Thời gian tới, thị trấn sẽ tiếp tục đồng hành, tạo điều kiện để cơ sở tham gia các chương trình giới thiệu, kết nối tiêu thụ sản phẩm do chính quyền các cấp tổ chức”, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Quán Hàu Bùi Thị Thu Thắm cho hay.
|
Tiếp cận xu thế công nghệ số, ngoài bán hàng theo phương thức truyền thống, cơ sở sản xuất bánh tráng Trang Ngọc Linh cũng đã tích cực quảng bá sản phẩm trên các nền tảng trực tuyến, tiếp cận các kênh thương mại điện tử với mục tiêu đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng trong và ngoài nước. Không chỉ có lượng khách hàng ổn định trong tỉnh, cơ sở sản xuất bánh tráng Trang Ngọc Linh còn xây dựng được đội ngũ cộng tác viên tại rất nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Trong đó, tập trung lớn ở các tỉnh, thành phố: Quảng Trị, Hà Nội, Tuyên Quang…
“Sau khi sản phẩm bánh tráng Trang Ngọc Linh được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao, tôi sẽ tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất theo công nghệ khép kín hiện đại nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, hướng tới các thị trường lớn như siêu thị và hệ thống cửa hàng nông sản sạch. Cùng với đó, trong tương lai tôi dự định sẽ kết nối với các công ty du lịch tổ chức bán sản phẩm tại các điểm trưng bày sản phẩm du lịch trên địa bàn tỉnh và kết nối tour du lịch tham quan quy trình sản xuất sản phẩm nông nghiệp ngay tại cơ sở để sản phẩm bánh tráng Trang Ngọc Linh ngày càng được đông đảo khách hàng biết đến”, anh Quyền chia sẻ.
Lan Chi