(QBĐT) – Đồng hành với cuộc vận động (CVĐ) “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, thời gian qua, Sở Nông nghiệp-Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đã có nhiều hoạt động góp phần thay đổi cách nghĩ của người dân trong việc sản xuất và sử dụng hàng Việt.
Để CVĐ đạt được hiệu quả cao, Sở NN-PTNT đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức trong việc mua, bán và sử dụng hàng hóa sản xuất tại Việt Nam. Công tác tuyên truyền được thực hiện thông qua các hình thức, như: Tuyên truyền qua các hội nghị, lớp tập huấn; đưa nội dung của CVĐ vào Bản tin NN-PTNT, trang thông tin điện tử của sở nhằm tuyên truyền sâu rộng tới các cấp ủy đảng, đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức trong toàn ngành; tuyên truyền, giới thiệu sản phẩm OCOP trong tỉnh lên trang ocop.quangbinh.gov.vn…
Bên cạnh công tác tuyên truyền, thời gian qua, các đơn vị thuộc sở đã ưu tiên sử dụng hàng hóa sản xuất trong nước khi thực hiện mua sắm trang thiết bị, các loại vật tư, nguyên liệu, giống cây trồng, vật nuôi…
|
Từ nguồn hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, phát triển nông thôn, nhiều tiến bộ kỹ thuật, công nghệ tiên tiến được đưa vào sản xuất, nhất là hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị ứng dụng công nghệ cao đã góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng hàng hóa, nâng cao chất lượng đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Để đưa hàng hóa chất lượng đến với người tiêu dùng trong tỉnh, sở cũng đã tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai nhiều giải pháp phát triển, mở rộng hệ thống phân phối sản phẩm OCOP, thiết lập các kênh phân phối đưa hàng Việt đến người tiêu dùng, như: Phối hợp với Sở Thông tin-Truyền thông, Bưu điện tỉnh, Sở Công thương đưa các sản phẩm nông sản và sản phẩm OCOP lên sàn voso.vn; postmart.vn; quangbinhtrade.vn; hỗ trợ các doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX), cơ sở sản xuất (CSSX) sản phẩm OCOP tham gia hoạt động xúc tiến thương mại, hội chợ nhằm giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng; kêu gọi các DN, tổ chức liên doanh liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho người dân…
Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng như các nhà sản xuất, kinh doanh (SXKD) chân chính, công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động SXKD vật tư nông nghiệp, quản lý lâm sản và chất lượng an toàn nông lâm thủy sản (NLTS) tiếp tục được sở chú trọng. Năm 2023, toàn ngành đã tổ chức 92 cuộc thanh tra, kiểm tra tại 725 cơ sở SXKD vật tư nông nghiệp, thực phẩm NLTS; phát hiện 255 cơ sở vi phạm, ban hành 190 quyết định xử phạt vi phạm hành chính; tổng số tiền vi phạm hơn 2,3 tỷ đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu là vi phạm quy định về khai thác, vận chuyển mua bán lâm sản, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản và một số quy định về điều kiện SXKD giống cây trồng, vật nuôi, chế biến NLTS.
|
Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Trần Đình Hiệp cho biết: Với những hoạt động thiết thực, CVĐ đã nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các DN, HTX, CSSX trong sản xuất hàng hóa phục vụ sản xuất tiêu dùng. Ngược lại, người tiêu dùng đã từng bước nhận thức đúng đắn hơn khả năng SXKD của DN trong nước và chất lượng của sản phẩm, hàng hóa Việt Nam.
Tuy nhiên, CVĐ vẫn còn nhiều hạn chế, như: Các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ DN, HTX, CSSX tham gia các hội chợ còn hạn chế, chưa được triển khai nhiều; công tác tuyên truyền về sản phẩm OCOP cấp huyện chưa được đẩy mạnh; sản phẩm NLTS được xác nhận an toàn theo chuỗi so với sản lượng NLTS tiêu thụ trên địa bàn tỉnh còn hạn chế, nhiều sản phẩm chủ lực, truyền thống tiêu thụ nhiều trên địa bàn nhưng chưa được xác nhận an toàn theo chuỗi như nước mắm, thủy sản khô, thịt và sản phẩm từ thịt…
Năm 2023, Sở NN-PTNT đã lấy và phân tích nhiều mẫu nông sản, thủy sản để kiểm soát dư lượng các chất độc hại,đã phát hiện và xử lý nhiều trường hợp vi phạm; trong đó, chú trọng kiểm tra mặt hàng trái cây nhập khẩu của Trung Quốc để khuyến cáo đến người tiêu dùng cân nhắc khi sử dụng hàng hóa có xuất xứ từ nước ngoài. |
Đồng hành cùng CVĐ, thời gian tới, sở sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng CVĐ đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người dân trên địa bàn; tham mưu xây dựng các chính sách và áp dụng các biện pháp hỗ trợ hộ kinh doanh, HTX, DN sản xuất các mặt hàng nông sản, tăng cường liên kết trong chuỗi hàng Việt Nam; đẩy mạnh xây dựng sản phẩm OCOP; tăng cường phối hợp với các sở, ngành, địa phương tạo điều kiện thuận lợi cho DN, HTX, hộ sản xuất nông nghiệp trong tỉnh hình thành liên kết sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa; phối hợp đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản, tăng cường công tác quản lý chất lượng NLTS; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành nhằm kịp thời ngăn chặn và xử lý các trường hợp vi phạm quy định về buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và hàng kém chất lượng trong lĩnh vực nông sản, thủy sản trên địa bàn tỉnh.
Thanh Hoa