(QBĐT) – Những năm qua, việc thực hiện mô hình vườn ươm cây giống lâm nghiệp cung cấp cho thị trường được nhiều doanh nghiệp, hộ dân trên địa bàn huyện Bố Trạch tham gia, góp phần giải quyết việc làm, cải thiện đời sống cho nhiều lao động.
Gia đình chị Trần Thị Hiệu ở thôn Thanh Lộc, xã Sơn Lộc là một trong những hộ gia đình có vườn ươm cây giống lâm nghiệp khá quy mô trên địa bàn xã. Vườn ươm của gia đình chị Hiệu được hình thành từ năm 1993. Với kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực sản xuất giống cây lâm nghiệp, mỗi năm, gia đình chị cung cấp cho thị trường trong và ngoài huyện từ 250.000-300.000 cây giống các loại, mang lại nguồn thu nhập hơn 100 triệu đồng. Bên cạnh đó, mô hình vườn ươm của gia đình chị Hiệu còn giải quyết việc làm cho 4 công nhân, với thu nhập bình quân 6 triệu đồng/người/tháng.
|
Chị Trần Thị Hiệu chia sẻ: “Ở tỉnh ta, diện tích đất vùng gò đồi khá lớn, thuận lợi cho việc trồng rừng. Do đó, nhu cầu mua cây giống lâm nghiệp của các lâm trường và người dân để phát triển rừng trồng khá nhiều. Trước thực tế đó, gia đình tôi đã mạnh dạn thực hiện mô hình vườn ươm cây giống lâm nghiệp và gắn bó đến nay đã hơn 30 năm, góp phần tăng thêm thu nhập cho gia đình và một số lao động tại địa phương”.
Xã Sơn Lộc hiện có khoảng 10 hộ dân tham gia mô hình vườn ươm cây giống lâm nghiệp. Mỗi cây giống được thực hiện với quy trình bắt đầu từ việc làm đất, bỏ bầu, đến giâm hom hoặc cấy mô, đảo rễ, sau 2,5-3 tháng thì được xuất bán. Với đặc điểm công việc khá nhẹ nhàng, mô hình đã góp phần giải quyết việc làm cho nhiều chị em phụ nữ tại địa phương, với mức thu nhập trung bình từ 6-7 triệu đồng/tháng.
Chủ tịch UBND xã Sơn Lộc Phan Văn Tiến cho biết: “Mô hình vườn ươm cây giống lâm nghiệp trên địa bàn xã chủ yếu tập trung tại thôn Thanh Lộc. Với kinh nghiệm nhiều năm trong nghề, các hộ gia đình thực hiện mô hình khá hiệu quả, cây giống đạt tiêu chuẩn chất lượng, bảo đảm cung cấp cho thị trường, phục vụ trồng rừng. Nhờ đó, các hộ dân cũng có thêm thu nhập, cải thiện đời sống”.
|
Huyện Bố Trạch hiện có 19 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp. Công ty CP Giống lâm nghiệp vùng Bắc Trung bộ (xã Vạn Trạch) mỗi năm sản xuất từ 1,5-2 triệu cây giống lâm nghiệp các loại, như: Keo lai giâm hom, keo lai mô, keo lá tràm và các loại cây bản địa (lim, dổi, lát hoa…).
Phó Giám đốc công ty Lê Văn Hiền cho biết: “Trong quá trình sản xuất giống, công ty luôn tuân thủ nghiêm túc các quy trình kỹ thuật. Việc sản xuất giống và các loại giống đưa vào sản xuất của công ty có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, cây giống xuất ra thị trường bảo đảm chất lượng. Do đó, những khách hàng dù ở xa như các huyện Tuyên Hóa, Minh Hóa vẫn về đây mua giống cây của công ty để trồng”.
Nhằm bảo đảm chất lượng cây giống tại các mô hình sản xuất, Hạt Kiểm lâm huyện Bố Trạch đã chỉ đạo các trạm Kiểm lâm, tổ Kiểm lâm cơ động và phòng cháy chữa cháy rừng trực thuộc tăng cường công tác kiểm tra, quản lý việc sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp trên địa bàn. Trong đó, đơn vị chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định về quản lý giống cây trồng lâm nghiệp đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cũng như các tổ chức, cá nhân sử dụng giống trồng rừng.
Trên địa bàn huyện Bố Trạch hiện có 19 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp, trong đó, chủ yếu là sản xuất các giống keo, tràm tập trung ở các xã: Nam Trạch, Vạn Trạch, Sơn Lộc, Đại Trạch, Trung Trạch và Hưng Trạch. Mỗi năm, sản xuất và đưa ra thị trường hơn 11 triệu cây giống các loại.
|
Hạt Kiểm lâm huyện Bố Trạch chỉ đạo kiểm lâm địa bàn chủ động rà soát các vườn cây đầu dòng để hướng dẫn các chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh giống thực hiện các thủ tục hủy bỏ công nhận nguồn giống khi đã quá hạn và các vườn cây đầu dòng không đáp ứng quy định. Các chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh giống được tuyên truyền, vận động hủy bỏ hoặc đề xuất xử lý các vườn cung cấp hom không có quyết định công nhận. Các vườn cây đầu dòng mới tạo lập được hướng dẫn chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, thực hiện các thủ tục để trình công nhận nguồn giống.
Phó hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Bố Trạch Trần Tiến Dũng cho biết: “Việc tăng cường công tác quản lý nhà nước về giống cây trồng lâm nghiệp là yếu tố quan trọng giúp nguồn giống cung cấp ra thị trường luôn được bảo đảm, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng. Trong thời gian tới, đơn vị sẽ thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh cây giống lâm nghiệp trên địa bàn tuân thủ các quy định về hồ sơ và lưu trữ hồ sơ giống cây lâm nghiệp; tham mưu cho chính quyền địa phương tăng cường công tác kiểm tra vận chuyển, mua bán, tiêu thụ giống cây lâm nghiệp, xử lý nghiêm, kịp thời với các trường hợp vi phạm”.
Lê Mai