(QBĐT) – Không biết đất nước Việt Nam ta từ Nam đến Bắc có bao nhiêu con sông mang tên có nghĩa “rồng”. Tôi cố nhẩm mãi qua những bài học địa lý, qua những chuyến đi du lịch thì biết chỉ có một con sông chạy dọc biên giới Việt-Lào xuôi về Nam đổ ra chín cửa ở đất Nam Bộ đã có tên gọi quen thuộc lâu đời là Cửu Long Giang. Ấy nhưng đất có tên “rồng” (long) thì nhiều vô kể, mà sông mang tên “rồng” thì quả là hiếm hoi. Vậy mà Quảng Ninh huyện nhỏ hẹp quê tôi lại có sông Long Đại uốn lượn xuyên dòng chảy giữa dải Giăng Màn của hệ Trường Sơn trùng điệp đổ về nhập với sông Kiến Giang để hòa vào dòng lớn Nhật Lệ.
Có một điều cần nói là, những vùng đất mang tên “rồng” thì nhiều. Ở huyện Quảng Ninh có các làng, như: Lộc Long, Phúc Long, khu vực Nam Long, làng Long Đại. Huyện Quảng Trạch có làng Phan Long… Một số tên làng gắn với “rồng” chưa tìm ra nguồn gốc xuất xứ và cách lý giải phù hợp để người đời chấp nhận, thì làng Long Đại lại dễ nhận biết hơn cả. Vì tên làng gắn chặt với tên sông.
Thực ra sông Long Đại còn có nhiều tên gọi khác nữa. Đó là Đại Giang, đó là Nguồn Côộc. Như vậy gọi Đại Giang, Nguồn Côộc, Long Đại cũng để chỉ sông Long Đại mà thôi. Gọi Đại Giang vì đây là con sông lớn nhất hoành tráng nhất chảy xuyên giữa Trường Sơn hùng vĩ, gọi là Nguồn Côộc vì ở vùng đất này có hai sông, dân gian quan niệm nguồn Côộc Đại Giang sông chính, nguồn Trạm Kiến Giang sông phụ.
Đã có người nói một cách hình tượng rằng, sông Long Đại là sông chồng cuồn cuộn dữ dội, sông Kiến Giang là sông vợ êm đềm dịu dàng. Cả hai con sông này đều xuất phát từ một ngọn núi của Trường Sơn chảy về. Nguồn Trạm hướng về đông, khi vượt qua núi An Mã thì chảy xuôi, dòng chảy êm đềm ôm cánh đồng mênh mông bằng phẳng “hai huyện” qua phá Hạc Hải rồi được mở rộng dòng chạy tiếp 4km thì tới ngã ba sông gọi là ngã ba Long Đại để nhập vào dòng Nhật Lệ.
Còn Nguồn Côộc tức Long Đại thì từ điểm xuất phát hướng về phía Tây ngoằn ngoèo theo địa thế dãy Giăng Màn tạo ra nhiều ghềnh thác hiểm trở. Khác với Kiến Giang, Long Đại không đi qua địa hình bằng phẳng. Về đến Kim Sen thì sông mở rộng lòng, nước lặng hơn, chạy ôm vòng làng Long Đại rồi cũng dồn nước về ngã ba, nhập hòa vào Kiến Giang để Nhật Lệ có trách nhiệm tải nước chảy ra biển lớn.
Một lần nữa nhắc lại với niềm tự hào là, tên làng Long Đại cùng đặt trùng với tên sông rất ý nghĩa. Làng Long Đại trước kháng chiến chống Pháp thuộc xã Trường Ninh. Sau khi Trường Ninh tách thành hai xã là xã Xuân Ninh và xã Hiền Ninh thì làng Long Đại thuộc về xã Hiền Ninh. Có điều độc đáo của địa thế làng là ở một xã mà không liền đất được tách ra như một khối riêng, trước đây khi qua lại phải qua ngang đò và ngày nay thì đã có cầu nối.
Sông Long Đại từ ngàn đời là tuyến giao thông đường thủy huyết mạch để người miền xuôi lên miền ngược, người miền ngược về miền xuôi phát triển các nghề khai thác gỗ, khai thác đá, hoặc lưu chuyển hàng hóa theo nhu cầu của con dân hai miền xuôi ngược. Sông Long Đại trong cuộc kháng chiến chống Pháp ôm ấp những làng kháng chiến vùng chiến khu.
|
Ven lưu vực sông Long Đại, sau chiến dịch “Hạ sơn” ngày 15/7/1949 (cách nay 75 năm), các cơ quan đầu não của tỉnh Quảng Bình chuyển từ vùng Minh Cầm, Tuyên Hóa về đóng trụ sở ở vùng Bến Tiêm, Đá Một, Nước Đắng, Lùi, Hà Ổi… để lãnh đạo cuộc kháng chiến đến ngày thắng lợi, tiến về tiếp quản thị xã Đồng Hới năm 1954.
Long Đại trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cũng là nơi điểm nóng của bom tọa độ giặc Mỹ đủ các loại máy bay đêm cũng như ngày dội xuống liên miên nhằm cắt đứt tuyến phà cuối cùng đưa quân đội, chuyển vũ khí, chuyển lương thực, thực phẩm cho chiến trường miền Nam. Để giữ thông tuyến phà Long Đại, nhiều đơn vị quân đội, đơn vị thanh niên xung phong bám trụ giữ thông tuyến phà. Ở đây, hàng đại đội chiến sĩ đã anh dũng hy sinh. Có một thành ngữ “Long Đại-long đầu” cũng xuất hiện ở bến phà ác liệt này, nhiều người vẫn còn nhắc.
Trong bóng nước dòng sông, làng xanh Long Đại bé nhỏ thân thương ôm ấp ấy càng thắm nghĩa nặng tình với sông. Từ xa xưa, làng mang tên cùng sông đã biết bao nhiêu thế hệ nối bước, bao nhiêu số phận dân làng từng sinh ra, lớn lên tung cánh đi đây đi đó vẫn giữ niềm tự hào với tên làng Long Đại.
Bờ sông Long Đại ôm làng Long Đại. Những đoạn kè đá đã được gia cố chắc chắn để giữ bờ khỏi lở mỗi khi mùa lũ tràn về. Trên nét mềm uốn lượn của sông, một con đường bê tông hóa cũng được mở rộng, hình thành tạo nên cho làng một thắng cảnh thật hữu tình. Những hàng cây xanh tỏa bóng mát trên đường rất tự nhiên tạo cho vẻ đẹp làng ít vùng quê sánh được.
Làng ở gần sông, được sông ôm ấp như thế lại là vùng đất tử địa, quanh năm thiếu nước cho cây trồng. Hơn mười lăm năm trước, huyện Quảng Ninh đã có dự án xây dựng hồ nước Hóc Tré nhưng lượng nước cũng dẫn về không đủ để tưới cho cây quanh năm. Một lần về thăm bạn cũ, khi đi qua những khoảnh ruộng thấy có mảnh lúa xanh, có mảnh lại để cho cỏ dại mọc. Nhận ra điều kỳ lạ tôi hỏi Văn Hoàng:
– Văn Hoàng ơi! Tại sao ở đây đất hiếm lại có những thửa ruộng bỏ hoang không trồng lúa như thế?
Văn Hoàng nhìn tôi cười trả lời một cách hồn nhiên:
– Không phải bỏ hoang đâu anh. Ở đây, ruộng không đủ nước tưới nên phải phân công như thế. Năm nay chủ ruộng A làm thì chủ ruộng B nghỉ. Cứ thế năm sau thì ngược lại. Đây trở thành chuyện bình thường với dân Long Đại rồi.
Nghe Văn Hoàng nói tôi thấy lạ và bàng hoàng. Tôi biết nguồn nước hồ Rào Đá đã về tưới cho các cánh đồng không chỉ đủ mà còn thừa thải chảy tràn ra sông Kiến Giang. Đây vì sao phải chịu cảnh như vậy. Nước tưới đã vượt qua sông Kiến Giang về với hai xã Hàm Ninh, Duy Ninh, Long Đại đáng ra cũng phải được như thế lâu rồi mới phải chứ! Đi qua chiến tranh đã gần 50 năm rồi, trong công cuộc phát triển kinh tế, làng Long Đại được dòng sông ôm ấp bao đời lại thiếu nước tưới trầm trọng cho ruộng đồng thì cũng lạ. Âu đây có lẽ cũng là chuyện hy hữu trong bối cảnh hôm nay của làng.
Tôi nghĩ, làng Long Đại ở cách sông đã có hai con cầu bắc qua song song, cầu đường bộ và cầu đường sắt. Ấy vậy làm sao lại không thể có đường ống dẫn nước Rào Đá về cho đồng đất làng Long Đại. Một làng quê chan hòa với sông, âu yếm ôm ấp sông từ ngàn đời, tên làng lại cùng tên với sông. Bước vào năm Giáp Thìn cũng là “rồng”, cũng là “long” càng thấy thấm đượm mảnh đất vùng quê dẫu hẹp lại cách trở, tưởng đơn côi nhưng lại rất nặng tình với cả nước khi nhắc về hai tiếng Long Đại.
Ghi chép của Văn Tăng